|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sau tranh cãi với Honda, công ty PEGA đột ngột đổi tên xe điện nhái kiểu dáng xe SH

14:17 | 03/04/2020
Chia sẻ
Công ty xe điện PEGA quyết định đổi tên xe eSH thành ESP, phiên bản xe điện có kiểu dáng giống xe tay ga SH của Honda, trước khi giao những sản phẩm đầu tiên cho người mua vào giữa tháng 4.

PEGA nêu rõ mẫu scooter mới của công ty chính thức mang tên ESP từ ngày 1/4. Theo kế hoạch, công ty sẽ giao những xe đầu tiên cho khách hàng vào giữa tháng 4, nên việc đổi tên không ảnh hưởng tới người mua. Công ty không thay đổi bất kì điểm nào của sản phẩm.

Hôm 12/1, Pega công bố EPS tại Hà Nội hôm 12/1, với mức giá 30 triệu đồng. Điểm đáng chú ý trong sự kiện là cách PEGA quảng cáo sản phẩm. Ông Đoàn Ngọc Linh, chủ tịch kiêm giám đốc PEGA, thừa nhận eSH sao chép kiểu dáng của xe SH do Honda sản xuất.

Trong phần thuyết trình, chủ tịch PEGA còn sử dụng thông tin, hình ảnh của SH để so sánh trực tiếp với EPS, với EPS tỏ ra vượt trội trong phần lớn tiêu chí như "kiểu dáng đẹp hơn, màn hình dễ nhìn hơn, yên xe êm hơn, động cơ sạch hơn".

xe điện EPS trên trang web của công ty PEGA

Một ảnh quảng cáo xe điện EPS trên trang web của công ty PEGA. Ảnh: PEGA

2 ngày sau lễ công bố, Honda Việt Nam gửi văn bản đến PEGA, đề nghị công ty chấm dứt quảng cáo sản phẩm bằng phương pháp so sánh trực tiếp, với hành động cụ thể là sử dụng hình ảnh Honda SH khi quảng cáo xe EPS.

Honda Việt Nam nhận định PEGA đã sử dụng trái phép hình ảnh của Honda SH, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Honda Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, thương hiệu của xe SH do Việt Nam sản xuất.

Đáp lại, PEGA nói sự kiện là buổi giới thiệu nội bộ của Pega. Công ty  cũng cho rằng so sánh trực tiếp sản phẩm là hành động rất bình thường trong giới công nghệ toàn cầu.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, nói rằng quảng cáo sản phẩm bằng cách so sánh trực tiếp sản phẩm của doanh nghiệp, cá nhân với sản phẩm của đơn vị khác, đặc biệt là các sản phẩm cùng loại là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo theo quy định tại Khoản 10 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.

"Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác", khoản 10 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 nêu rõ.

Điểm b Khoản 5 Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 cũng cấm so sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

Như vậy, theo luật sư Tuấn, việc ông Đoàn Ngọc Linh ra mắt sản phẩm của doanh nghiệp mình bằng cách so sánh trực tiếp với một sản phầm cùng loại khác là hành vi không được pháp luật cho phép, vi phạm quy định của cả Luật Quảng cáo và Luật Cạnh tranh.

Nhạc Phong