|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sự sụp đổ của thương hiệu xe máy gắn với điệp viên 007 huyền thoại

10:33 | 10/02/2020
Chia sẻ
Tronng lúc thương hiệu xe máy gắn với tên tuổi của điệp viên lừng danh James Bond chờ đợi số phận sau phá sản, giám đốc điều hành công ty cũng đang đối mặt với đơn kiện của hơn 200 người.

Norton Motorcycles là một thương hiệu có bề dày lịch sử 122 năm. Nhưng vào ngày 29/1, chính phủ Anh đã quản chế Norton Motorcycles bởi hãng đã nộp đơn phá sản tại Mỹ do họ không thể thanh toán khoản nợ khoản thuế 300.000 bảng ở Anh.

Chính phủ Anh chọn công ty kiểm toán BDO quản lí Norton Motorcycles. Hãng sẽ trả mọi khoản tiền cọc cho khách hàng chưa nhận xe.

Lee Causer, phát ngôn viên của BDO, khẳng định hãng sẽ tìm ra chiến lược phù hợp trong thời gian sớm nhất để bảo vệ lợi ích của khách hàng và giảm thiểu thiệt hại cho cả hai bên.

James Lansdowne Norton thành lập công ty vào năm 1898 ở Birmingham (Anh) để sản xuất các bộ phận cho xe máy. Từ năm 1902, công ty bắt đầu sản xuất xe máy.

Hiện tại, hãng thuê khoảng 100 người sản xuất các loại xe máy như Commando 961 Cafe Racer, Dominator và V4RR. Sản phẩm của họ xuất hiện trên khắp thế giới.

Sự sụp đổ của thương hiệu xe máy gắn với điệp viên 007 huyền thoại - Ảnh 1.

Norton Motocycles là thương hiệu xe máy phân khối lớn có truyền thống hơn một thế kỉ. Ảnh: The Guardian

Xe máy Norton Motocycles từng xuất hiện trong cuốn hồi kí của nhà cách mạng huyền thoại Che Guevara và hàng loạt phim về điệp viên James Bond. Nhưng nó đã sụp đổ bởi hàng loạt lí do - như đơn kiện của Cơ quan Thuế và Hải quan Anh để đòi 300.000 USD, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.

Hồi năm 2018, hãng kiểm toán HSKS Greenhalgh từng nhận xét về tình hình tài chính bi đát của Norton Motocycle như sau: "Công ty phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính tương lai từ các ngân hàng và chủ nợ. Sự phụ thuộc ấy có thể khiến mọi người nghi ngờ khả năng công ty có thể vận hành bình thường".

Ngoài ra, sự cạnh tranh quyết liệt ở thị trường quốc tế cũng là một lí do khiến Norton Motocycles hụt hơi dần trong cuộc đua trước khi gục ngã.

Một số người nhận định câu chuyên của Norton Motorcycles phức tạp hơn nhiều. Sự gục ngã của công ty là cú sốc với hàng trăm cổ đông vốn là người hưởng lương hưu, hàng nghìn khách hàng, và thậm chí cả những quan chức chính phủ Anh.

Sự sụp đổ của thương hiệu xe máy gắn với điệp viên 007 huyền thoại - Ảnh 2.

Stuart Garner, giám đốc điều hành công ty Norton Motorcycles, đang vướng vào bê bối lừa đảo. Ảnh: The Guardian

Stuart Garner, giám đốc điều hành công ty, là đối tượng hứng sự chỉ trích của mọi người. Ông mua thương hiệu Norton Motocycles vào năm 2008 sau khi nó thuộc quyền sở hữu của một doanh nghiệp Mỹ và ngừng sản xuất xe máy, với quyết tâm đưa nó trở lại thời hoàng kim với sản phẩm chủ lực là xe hai bánh.

Ngay trước khi công ty nộp đơn phá sản, 228 người đã kiện Stuart Garner để đòi khoản tiền 14 triệu bảng mà họ đã đầu tư vào công ty.

Nghe lời một kẻ nào đó, 228 người đã chuyển tiền hưu trí của họ ra khỏi một quĩ hưu trí truyền thống vào năm 2012 và 2013 để đầu tư vào Norton Motorcycles. 

Sau đó họ chuyển tiền vào 3 quĩ hưu trí do Garner kiểm soát. Ông đã dùng tiền của họ để đầu tư vào đúng một thứ: Cổ phiếu của công ty. Những người góp tiền chỉ có thể rút vốn sau 5 năm.

Vị giám đốc của Norton Motorcycles khẳng định ông không hề biết khoản tiền đã được huy động theo cách gian lận, và rằng ông cũng chỉ là nạn nhân nên cứ nghĩ rằng các nhà đầu tư chỉ có thể rút tiền sau 5 năm.


Cửu Dương