|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xây dựng nhãn hiệu 'Nước mắm Cà Ná'

07:41 | 27/10/2016
Chia sẻ
Xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận nổi tiếng với nghề làm nước mắm truyền thống hàng trăm năm nay. Nhiều người đánh giá nước mắm Cà Ná thơm ngon, độ đạm cao.

Trăn trở với nghề nước mắm truyền thống

Nhờ điều kiện tự nhiên ưu đãi, nguồn cá cơm dồi dào cùng với chất lượng muối đặc trưng của vùng biển Cà Ná đã tạo nên hương vị đặc trưng của nước mắm truyền thống. Những giỏ cá cơm tươi rói được đưa từ cảng về rửa sạnh và ướp với muối theo tỉ lệ 3 kg cá và 1kg muối ủ trong thùng gỗ hoặc bể chứa dung tích thường dùng từ 2,5 đến 8 mét khối. Sau đó, rải muối gài nẹp đè đá bên trên nén từ 12 đến 14 tháng sẽ cho ra loại nước mắm có màu cánh gián đậm sóng sánh, mùi thơm nhẹ rất riêng. Nước mắm phải có vị mặn, vị ngọt và cả vị béo của đạm thì mới đạt yêu cầu.

xay dung nhan hieu nuoc mam ca na
Nước mắm Cà Ná có hương vị đặc trưng của vùng miền (Nguồn: Tin tức)

Bà Dương Thị Mỹ Diễm, Phó chủ tịch UBND xã Cà Ná cho biết, toàn xã hiện có 19 cơ sở sản xuất nước mắm đăng ký kinh doanh có thương hiệu riêng, trên 50 hộ sản xuất nhỏ lẻ. Mỗi năm, các cơ sở này cung cấp cho thị trường hàng chục triệu lít nước mắm các loại.

Tuy nhiên, nghề làm nước mắm truyền thống đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức để giữ nghề truyền thống và đảm bảo sinh kế cho người dân. Cách thức làm nước mắm truyền thống mất nhiều thời gian, công sức. Những tháng “biển đói” nguồn cá cơm, cá nục khan hiếm khiến giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng nên giá sản phẩm bán ra thị trường luôn cao hơn nước mắm công nghiệp.

Hiện giá nước mắm truyền thống dao động từ 40.000 - 100.000 đồng/lít, tùy thuộc độ đạm cao hay thấp. Trong khi đó, nước mắm công nghiệp có giá bán chỉ từ 15.000 đồng/lít, lại có hệ thống phân phối rộng khắp, tiện lợi cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất nhỏ lẻ chưa có chiến lược marketing bài bản; chưa có liên kết giữa nhà sản xuất, nhà phân phối tới người tiêu dùng; chưa xây dựng được nhãn hiệu tập thể nước mắm truyền thống để tạo uy tín trên thị trường.

Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu

Nước mắm Cà Ná thơm ngon, hợp vệ sinh được các ngành chức năng kiểm tra thường xuyên và chứng nhận chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng tỷ lệ xuất bán vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết công suất.

Nguyên nhân do các hộ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, các kênh tiếp thị, phân phối hoạt động chưa thực sự hiệu quả; chưa xây dựng được thương hiệu chung “nước mắm Cà Ná”, chưa có chỉ dẫn địa lý nước mắm xuất xứ Cà Ná mỗi khi xuất bán ra thị trường.

Khai thác có hiệu quả thương hiệu nước mắm Cà Ná hiện là một bài toán khó với các ban ngành và các hộ sản xuất kinh doanh. Ngày 15/9/2016, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức hội đồng tư vấn, xét duyệt thuyết minh dự án xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Cà Ná” do UBND huyện Thuận Nam và Hợp tác xã chế biến nước mắm Cà Ná làm chủ dự án.

Kinh phí dự kiến cho dự án này khoảng hơn 600 triệu đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ của địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 9/2016 đến tháng 12/2017 và sẽ chuyển giao một đơn vị nghiên cứu độc lập nghiên cứu xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Cà Ná”.

Để có được nhãn hiệu chứng nhận “nước mắm Cà Ná” cũng đòi hỏi phải thay đổi trong cách thức tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm ra thị trường. Nhưng để làm được điều này, những người chế biến nước mắm đơn lẻ khó có thể thực hiện được.

Ông Trần Hữu Lực, chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh nước mắm Trần Văn Hưởng (tên hãng nước mắm Trần Văn Hưởng) cho biết: “Bản thân tôi cũng là một xã viên trong hợp tác xã, mong muốn có một thương hiệu nước mắm Cà Ná để người tiêu dùng biết tới nhiều hơn nhưng nếu quy tụ các cơ sở lại làm thì rất khó. Hiện nay mỗi cở sở sản xuất nước mắm đều theo kinh nghiệm, bí quyết riêng nên có nhà làm nước mắm ngon có nhà không ngon, chưa kể việc cạnh tranh giá bán sẽ khó cộng tác làm ăn với nhau”.

Do đó, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Cà Ná” phải giải quyết được khâu tổ chức quản lý và vận hành phát triển nhãn hiệu chứng nhận nước mắm Cà Ná.

Ông Huỳnh Văn Nhân, chủ nhiệm Hợp tác xã chế biến nước mắm Cà Ná cho hay, lâu nay, việc xây dựng và phát triển nghề làm nước mắm truyền thống gắn với hoạt động du lịch, vừa tạo một kênh phân phối sản phẩm, vừa góp phần quảng bá các giá trị truyền thống, hỗ trợ phát triển bền vững cho làng nghề. Việc xác lập quyền và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sẽ tạo dựng hình ảnh uy tín của nước mắm Cà Ná để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.

Theo Nguyễn Thành


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.