Cuộc chiến chống hàng nhái cam go của thương hiệu kem Tràng Tiền
Kem 35 là một nhãn hiệu khá nổi tiếng do Công ty Cổ phần Tràng Tiền - Tràng Tiền 35 (tên thường gọi là công ty kem Tràng Tiền) sản xuất. Để có vị trí trên thị trường như hiện nay, công ty phải đầu tư rất nhiều vào sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Nhưng gần đây, nhãn hiệu "Kem 35" bắt đầu trở thành mục tiêu của các đối tượng sản xuất kem giả.
Nhãn hiệu của của Kem 35 (bên phải) và nhãn hiệu nhái (bên trái). Ảnh: Công ty luật TGS.
Ông Hoàng Văn Nhật, giám đốc công ty, nói rằng công ty đã đăng kí nhãn hiệu "Kem 35" với Cục Sở hữu Công nghiệp theo giấy Chứng nhận đăng kí nhãn hiệu hàng hóa số 143378 (cấp ngày 9/3/2010) và giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu hàng hóa số 277502 (cấp ngày 13/3/2017).
"Hiện nay, một số tổ chức đang sử dụng thương hiệu độc quyền Kem 35 để sản xuất các loại kem nhái mà không xin phép công ty", ông Nhật phát biểu.
Qua khảo sát và thu thập chứng cứ, công ty Cổ phần Tràng Tiền - Tràng Tiền 35 phát hiện một lượng lớn kem nhái nhãn hiệu của họ trên thị trường.
Thông tin chủ sở hữu trên bao bì sản phẩm nhái là Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Tràng Tiền 35 ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Ngày 24/5/2017, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã công bố kết luận số NH235-17YC/KLGĐ khẳng định Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Tràng Tiền 35 đã vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của Công ty Cổ phần Tràng Tiền - Tràng Tiền 35.
Công nhân sản xuất Kem 35 của Công ty Cổ phần Tràng Tiền - Tràng Tiền 35. Ảnh: Công ty Cổ phần Tràng Tiền - Tràng Tiền 35
Công ty Cổ phần Tràng Tiền - Tràng Tiền 35 đã công bố thông tin lên các trang báo, đài, thậm chí báo cơ quan Quản lý thị trường để xử phạt hành chính về hành vi xâm phạm nhãn hiệu, nhưng sau đó hành vi sản xuất kem nhái vẫn tiếp tục diễn ra.
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc, ông Hoàng Văn Nhật, Giám đốc Công ty Tràng Tiền - Tràng Tiền 35 quyết định liên hệ, ủy quyền cho luật sư bảo vệ quyền lợi của công ty, xử lý các hành vi xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa.
Công ty luật có thể xử lí theo hướng hình sự
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc hãng Luật TGS, nhận định hành vi của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Tràng Tiền đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu "Kem 35" của Công ty cổ phần Tràng Tiền - Tràng Tiền 35, căn cứ theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ quy định Toà án có thể buộc bên vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, buộc xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự, buộc bồi thường thiệt hại, buộc tiêu huỷ.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc Công ty Luật TGS. Ảnh: TGS
Tòa án cũng có thể buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
"Đặc biệt, trong trường hợp cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự theo điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ", Luật sư Tuấn nhấn mạnh.
Kết quả điều tra của Công ty Luật TGS cho thấy đây không phải lần đầu tiên hành vi nhái nhãn hiệu Kem 35 xảy ra. Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính vài đối tượng trước đó nhưng các đối tượng khác vẫn tiếp tục xâm phạm.
"Đối tượng xâm phạm là pháp nhân, mà Bộ luật hình sự cũ chưa có quy định xử phạt đối với pháp nhân nên mức xử phạt cao nhất mà họ phải chịu chỉ là nộp phạt hành chính", luật sư Tuấn bình luận.
Nhưng hiện nay, Bộ luật Hình sự đã quy định xử phạt cụ thể với chủ thể là pháp nhân. Trong trường hợp cần thiết, Luật TGS sẽ xem xét xử lý theo hướng hình sự, nhằm răn đe, đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Cổ phần Tràng Tiền - Tràng Tiền 35.