|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Luật các TCTD 2024: Giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cá nhân và tổ chức tại ngân hàng

10:35 | 10/08/2024
Chia sẻ
Theo Luật các Tổ chức Tín dụng 2024, tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông cá nhân không vượt quá 5%, tỷ lệ sở hữu tối đa của một tổ chức giảm từ 15% về 10% và và tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông liên quan không vượt quá 15%.

 

Luật các Tổ chức Tín dụng (TCTD) 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7, quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần trong các tổ chức tín dụng đã có sự thay đổi theo hướng siết hơn so với trước đây. 

Cụ thể, theo quy định hiện hành, cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ, tỷ lệ sở hữu của cổ đông là tổ chức giảm từ mức không vượt quá 15% xuống không vượt quá 10% và tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông liên quan từ mức tối đa  20% về 15% vốn điều lệ của một TCTD.

Bên cạnh đó, cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.

Những quy định nêu trên (ngoại trừ quy định cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% vốn điều lệ) sẽ không áp dụng đối với trường hợp như sở hữu cổ phần tại công ty con, công ty liên kết là tổ chức tín dụng; sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa; sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, các cổ đông và người có liên quan đã sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho phép trước 1/7 được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Bên cạnh đó, Luật các TCTD sửa đổi cũng đưa ra quy định những cổ đông có tỷ lệ sở hữu cao hơn giới hạn cho phép, trước khi Luật có hiệu lực vẫn sẽ được giữ nguyên, nhưng không được phép tham gia vào các đợt phát hành cổ phần mới của ngân hàng để đảm bảo tỷ lệ sở hữu hiện tại sẽ giảm dần về giới hạn theo lộ trình đến năm 2029, qua đó đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các cổ đông hiện hữu. 

Theo các chuyên gia việc giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông và người có liên quan sẽ hạn chế khả năng thao túng ngân hàng của một nhóm cổ đông nhỏ. Đồng thời, quy định công bố thông tin cổ đông từ 1% trở lên sẽ giúp nâng cao tính minh bạch trong quản lý ngân hàng. Các nhà đầu tư sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về cơ cấu sở hữu, từ đó đánh giá chính xác rủi ro và tiềm năng của ngân hàng.

Trước đây, các ngân hàng chỉ phải công khai thông tin của cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn hoặc thông tin của lãnh đạo cùng người có liên quan. Tuy nhiên, theo Luật các tổ chức tín dụng mới, ngân hàng cũng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Đồng thời, danh sách người có liên quan, đối với cả cá nhân và tổ chức, cũng được mở rộng hơn nhiều so với trước.

Tuy nhiên, tính hiệu lực, hiệu quả của quy định này còn phụ thuộc nhiều vào khâu thực thi sau này, nhất là việc tuân thủ công bố thông tin, đảm bảo thực chất, công khai, minh bạch và kịp thời…

Ngay trong tháng 7, sau khi Luật các TCTD có hiệu lực, các ngân hàng lần lượt công bố các danh sách cổ đông sở hữu 1% vốn điều lệ ngân hàng trong thời gian vừa qua. Có thể kể đến một số nhà băng như Vietcombank, VietinBank, VPBank, Techcombank, MB, MSB, OCB, VIB, KienlongBank.

Theo công bố từ các ngân hàng, nhiều cái tên mới được xuất hiện trong danh sách những "ông chủ" nhà băng. Đồng thời, tại nhiều ngân hàng các nhóm cổ đông và người có liên quan có tỷ lệ sở hữu vượt mức tối đa quy định.

 

Điều 63. Tỷ lệ sở hữu cổ phần

1. Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 05% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

2. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

3. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.

4. Quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Sở hữu cổ phần tại công ty con, công ty liên kết là tổ chức tín dụng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 111 của Luật này;

b) Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa;

c) Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 7 Điều này.

5. Tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này bao gồm cả số cổ phần sở hữu gián tiếp. Tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại khoản 3 Điều này bao gồm cả cổ phần do cổ đông ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần và không bao gồm sở hữu cổ phần của người có liên quan là công ty con của cổ đông đó theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 4 của Luật này.

6. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép, các cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ.

7. Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư đó tại một tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện, thủ tục nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện đối với tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

(Trích Luật các TCTD năm 2024)

Minh Nguyệt

Trung Quốc đánh mất lợi thế chi phí lao động giá rẻ nhưng Việt Nam không phải quốc gia duy nhất hưởng lợi
Mức lương trung bình trong ngành sản xuất của Việt Nam chỉ xấp xỉ 1/4 Trung Quốc. Tuy đây là lợi thế đáng chú ý của Việt Nam, một số quốc gia châu Á khác cũng có ưu điểm tương tự.