|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dự thảo luật các TCTD (sửa đổi): Hạn chế sở hữu chéo, bổ sung các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt

17:42 | 09/05/2023
Chia sẻ
Thống đốc NHNN cho biết dự thảo luật các TCTD sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn cấp tín dụng  để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, hạn chế sở hữu chéo. Đồng thời bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

Tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) diễn ra vào chiều 9/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết việc xây dựng dự thảo luật các TCTD (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về các tổ chức tín dụng (TCTD), xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các TCTD hiện hành.

Bên cạnh đó, luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD; xây dựng công cụ để quản lý các TCTD, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của TCTD; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành TCTD...

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: Quốc hội).

 

Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản trị, điều hành của TCTD như sửa đổi, bổ sung quy định về người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan tại TCTD...

 

Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu, Hội đồng thành viên của TCTD là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để thống nhất với pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử như bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng…

Theo Thống đốc NHNN, để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, hạn chế sở hữu chéo, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD …

Dự thảo luật cũng rà soát, điều chỉnh kỹ thuật một số nội dung để đảm bảo rõ ràng, phù hợp, thống nhất với các luật hiện hành.

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

Đề xuất đưa hai ngân hàng chính sách vào phạm vi điều chỉnh của luật

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính đã đề xuất nghiên cứu đưa hai ngân hàng chính sách vào phạm vi điều chỉnh của luật.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, hai tổ chức tài chính này đã thực hiện một số hoạt động như là các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, vì vậy, cần đưa ra quy định có tính nguyên tắc để xử lý các vấn đề thuộc hoạt động của hai ngân hàng này.  

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng luật các TCTD  nên có chương riêng để quy định về Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam để luật hóa quy định trong nghị định để xác định địa vị pháp lý của hai ngân hàng này bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu phát triển các ngân hàng này.

"Với vị trí vai trò của mình, Ngân hàng chính sách và Ngân hàng phát triển xứng đáng có 1 chương trong luật," Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn các ngân hàng thương mại hiện nay hầu như lập ra hoạt động như tổ chức tín dụng thuần túy, tức chủ yếu chủ cho vay, còn các dịch vụ ngân hàng phi tài chính lại không được quan tâm.

Cùng với đó là liên quan đến lĩnh vực số hóa ngân hàng, Fintech, Chủ tịch Quốc hội cho biết quy định trong dự thảo mới chỉ ở mức độ giao dịch điện tử theo hình thức bản giấy nhưng trên nền tảng điện tử.

Trong khi đó, luật giao dịch điện tử chỉ quy định về quy trình, thủ tục của vấn đề giao dịch điện tử, còn nội hàm cụ thể như thế nào là do các luật chuyên ngành quy định.

Nếu luật này ra đời cộng với luật giao dịch điện tử cũng không đáp ứng được vấn đề phát triển và xây dựng hệ thống số hóa, xây dựng Fintech trong giai đoạn hiện nay. Do đó, cần phải nghiên cứu để có ý kiến thỏa đáng. 

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Huyền Phương