|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ ảnh hưởng thế nào đến các ngân hàng niêm yết?

08:28 | 20/01/2024
Chia sẻ
Theo đánh giá của MBS, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có ý nghĩa lớn trong việc quản lý và điều hành hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với các quy định quốc tế.

 

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Sáng ngày 18/1, 91,28% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Luật có một số bổ sung, thay đổi về quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản, việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, ...

Theo đánh giá của Chứng khoán MB (MBS), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có ý nghĩa lớn trong việc quản lý và điều hành hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với các quy định quốc tế.

MBS đã lựa chọn ra những nội dung của Luật sẽ có tác động đến hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) niêm yết như quy định về sở hữu chéo, thao túng, hoạt động đại lý bảo hiểm, can thiệp sớm và xử lý tài sản đảm bảo.

Cụ thể, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định nhân viên của các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn các sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Theo MBS, quy định này sẽ khiến hoạt động bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ bảo hiểm của các ngân hàng chậm lại so với giai đoạn 2019 - 2021. 

Các chuyên viên phân tích cho rằng nhóm các ngân hàng TMCP có tỷ trọng thu nhập bảo hiểm cao trong tổng thu nhập ngoài lãi cao như VIB, ACB… sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng có quy định TCTD được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tài sản đảm bảo là dự án bất động sản để thu hồi nợ.

Đánh giá về quy định xử lý tài sản đảm bảo, MBS cho rằng các ngân hàng sẽ có thêm phương án xử lý các dự án lớn với một phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý.

Từ đó, dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản có thể được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt nhóm nhà băng niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao như Techcombank, MB, VPBank, SHB, HDBank ...

Ngoài ra, Luật mới bổ sung thêm quy định các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của TCTD phải cung cấp thông tin. Đồng thời các TCTD phải thực hiện công bố công khai mình bạch thông tin của các cổ đông này.

Giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Cổ đông lớn và người có liên quan xuống còn 5% vốn điều lệ của TCTD. Đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ không áp dụng các quy định như trên mà sẽ theo phê duyệt của Chính phủ.

Theo MBS, quy định này sẽ giúp hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giúp nhận biết các rủi ro lớn từ các doanh nghiệp sân sau như trường hợp của SCB và Vạn Thịnh Phát. Theo thống kê của MBS, hiện tại có 7 ngân hàng niêm yết có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% vốn điều lệ (đã loại trừ các TCTD đã có cổ đông chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Quang