|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

5 trường hợp thực hiện can thiệp sớm với các ngân hàng

17:04 | 18/01/2024
Chia sẻ
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định 5 trường hợp can thiệp sớm đối với TCTD, trong đó có điều kiện lỗ lũy kế lớn hơn 15% vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ.

Quốc hội biểu quyết thông qua  Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). (Ảnh: TTQH).

5 trường hợp can thiệp sớm

Sáng ngày 18/1, 91,28% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Luật mới đã dành riêng Chương IX để quy định về trường hợp can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Trước đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 không có quy định về trường hợp can thiệp sớm. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 chỉ dành Điều 130a để quy định về can thiệp sớm.

Theo Luật mới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp.

Thứ nhất, số lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 của Luật này.

Thứ hai, xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc. 

Thứ ba, vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 138 của Luật trong thời gian 30 ngày liên tục.

Thứ tư, vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 của Luật này trong thời gian 06 tháng liên tục;

Thứ năm, bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi NHNN.

Trong Luật năm 2017 chỉ quy định ba điều kiện bị can thiệp sớm. Đồng thời, những điều kiện này cũng không khắt khe như trong Luật mới. 

Quy định về biện pháp hạn chế, hỗ trợ và kết thúc can thiệp sớm

Khi rơi vào can thiệp sớm NHNN có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các biện pháp hạn chế, xây dựng, thực hiện phương án khắc phục và có thể thuê tổ chức kiểm toán để đánh giá thực trạng. 

Điều 157 quy định những yêu cầu khi bị can thiệp sớm như: tăng vốn điều lệ, vốn được cấp, tăng nắm giữ tài sản thanh khoản cao; cắt giảm chi phí hoạt động, quản lý, thù lao lương thưởng …; tăng cường quản trị rủi ro. 

NHNN cũng hạn chế các tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài: không được chia cổ tức, phân phối lợi nhuận, chuyển lợi nhuận về nước, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, tài sản; hoạt động kinh doanh không hiệu quả, rủi ro cao; giảm giới hạn cấp tín dụng, góp vốn mua cổ phần và hạn chế tăng trưởng tín dụng. 

Ngoài ra, có thể đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật; không bổ sung nội dung hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh mới khác, không mở rộng mạng lưới hoạt động;

Đình chỉ người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm quy định pháp luật hoặc gây rủi ro lớn đến hoạt động; yêu cầu bầu, bổ nhiệm thay thế người quản lý, người điều hành có hành; và các biện pháp khác theo thẩm quyền của NHNN. 

So với Luật năm 2017, Luật mới đã quy định chi tiết hơn và trao cho NHNN nhiều quyền hơn trong trường hợp can thiệp sớm, chẳng hạn như thay đổi người quản lý, người điều hành.

Ngoài ra, Luật mới còn tăng tính cấp thiết trong trường hợp can thiệp sớm, khi yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xác định nguyên nhân trong vòng 10 ngày và gửi NHNN, theo Điều 158

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phương án khắc phục đáp ứng yêu cầu, NHNN sẽ có trách nhiệm xem xét, chấp thuận việc áp dụng biện pháp hỗ trợ đối với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm.

Điểm khác biệt của Luật mới với Luật năm 2017 chính là quy định rõ những biện pháp hỗ trợ đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

Cụ thể, theo Điều 159, nhưng biện pháp này bao gồm: Lộ trình tuân thủ một hoặc một số giới hạn, tỷ lệ quy định; Khi thực hiện giải pháp tăng vốn điều lệ theo phương án khắc phục, cổ đông, thành viên góp vốn được sở hữu cổ phần, phần vốn góp vượt giới hạn. Cổ đông sẽ phải có lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp để tuân thủ giới hạn.

Nếu TCTD được can thiệp có lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, NHNN có thể cho phép áp dụng thêm các biện pháp như: Trường hợp số tiền phải trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn chênh lệch thu chi thì số tiền trích lập dự phòng rủi ro được tính bằng chênh lệch thu chi; 

Trường hợp có lãi phải thu phải thoái, TCTD được phân bổ lãi phải thu phải thoái theo năng lực tài chính trên nguyên tắc tổng mức phân bổ và số tiền phải trích lập dự phòng bằng chênh lệnh thu chi. 

Thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái tối đa 5 năm kể từ ngày được NHNN chấp thuận và chỉ áp dụng cho khoản phải thu phát sinh đến thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản quy định tại khoản 2 Điều 156 của Luật này. Chính phủ quy định trường hợp tổ chức tín dụng có thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái lớn hơn 05 năm nhưng tối đa không quá 10 năm trong trường hợp cần thiết.

Như vậy, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Luật mới đã không còn yêu cầu các TCTD phải công bố, giải trình thông tin trên trong báo cáo tài chính.

Điều kiện chấm dứt can thiệp sớm trong luật mới cũng đã quy định rõ hơn thẩm quyền của NHNN và các cơ quan nhà nước theo từng trường hợp, bao gồm cả đưa TCTD vào diện kiểm soát đặc biệt. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Quang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.