Luật các TCTD năm 2024: Can thiệp sớm là gì? Tổ chức tín dụng sẽ được can thiệp sớm trong trường hợp nào?
Luật các Tổ chức Tín dụng (TCTD) năm 2024 bổ sung một chương gồm 6 điều (từ Điều 156 đến Điều 161) quy định về các biện pháp can thiệp sớm các TCTD yếu kém.
Can thiệp sớm là việc NHNN áp dụng các yêu cầu, biện pháp hạn chế đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và yêu cầu tổ chức đó thực hiện phương án khắc phục dưới sự giám sát của NHNN nhằm khắc phục tình trạng.
Theo đó, NHNN sẽ xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp sau:
(1) Số lỗ lũy kế của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định;
(2) Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc NHNN;
(3) Vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục;
(4) Vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời gian 6 tháng liên tục;
(5) Bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi NHNN.
Với các tổ chức thuộc các trường hợp can thiệp sớm, NHNN có văn bản yêu cầu TCTD thực hiện các nội dung bao gồm hạn chế hoạt động kinh doanh; hạn chế giao dịch với tổ chức, cá nhân; hạn chế sử dụng vốn; hạn chế chi trả cổ tức, lợi nhuận.
Đồng thời, yêu cầu TCTD cập nhật hoặc xây dựng phương án khắc phục tình trạng vi phạm, đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định và xác định thời hạn hoàn thành phương án khắc phục.
Theo đó, các TCTD phải thực hiện ngay các yêu cầu, biện pháp hạn chế của NHNN. Trường hợp nếu không thực hiện, NHNN sẽ áp dụng thêm biện pháp hạn chế bổ sung. NHNN có thể yêu cầu TCTD thuê tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo tài chính, đánh giá thực trạng tài chính để làm cơ sở xây dựng phương án khắc phục.
Những yêu cầu nói trên có thể là: yêu cầu tăng vốn điều lệ, vốn được cấp; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao và thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý, thù lao, lương, thưởng; yêu cầu bồi hoàn thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát; và tăng cường quản trị rủi ro; tổ chức lại bộ máy quản trị, điều hành.
Các biện pháp hạn chế đối với TCTD được can thiệp sớm, bao gồm:
(1) Không chia cổ tức, lợi tức, phân phối lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ, chuyển lợi nhuận về nước; hạn chế chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, chuyển nhượng tài sản;
(2) Hạn chế hoạt động kinh doanh không hiệu quả, có rủi ro cao, giảm giới hạn cấp tín dụng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, hạn chế tăng trưởng tín dụng;
(3 Đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật; không bổ sung nội dung hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh mới khác, không mở rộng mạng lưới hoạt động;
(4) Đình chỉ người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm quy định pháp luật gây rủi ro lớn đến hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
NHNN còn có thể yêu cầu bầu, bổ nhiệm thay thế người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm quy định pháp luật hoặc gây rủi ro lớn đến hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm; biện pháp khác theo thẩm quyền của NHNN.
Việc bổ sung giải pháp này nhằm kiểm soát rủi ro cũng như quy mô của tổ chức tín dụng, tránh tình trạng có TCTD đang yếu kém mà vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động. Với các quy định được bổ sung, yêu cầu các NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong các trường hợp bị can thiệp sớm, khi có vấn đề phát sinh phải triển khai ngay các giải pháp cần thiết, đảm bảo tính kịp thời.
Theo tinh thần của Luật Các TCTD năm 2024, can thiệp sớm không phải là một trạng thái xử lý cụ thể. Khi phát hiện các TCTD thuộc trường hợp can thiệp sớm, NHNN có văn bản gửi TCTD để thực hiện các yêu cầu, hạn chế, xây dựng, cập nhật phương án khắc phục để khắc phục các vấn đề trong hoạt động để TCTD đó quay trở lại hoạt động bình thường.
Quy định này hy vọng sẽ góp phần ổn định hoạt động của các TCTD nói riêng và cơ cấu TCTD nói chung. Đây cũng là công cụ hỗ trợ cho NHNN và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc quản lý các TCTD cũng như thị trường tài chính.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/