|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quy định tỷ lệ sở hữu mới được áp dụng, các tổ chức nắm trên 10% có phải thoái vốn khỏi ngân hàng?

15:22 | 18/01/2024
Chia sẻ
Những cổ đông tổ chức vượt tỷ lệ sở hữu tối đa là 10% trước ngày Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thì vẫn sẽ được tiếp tục duy trì cổ phần, nhưng không được tăng thêm.

Sáng ngày 18/1, 91,28% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo khoản 1, 2, 3 trong Điều 63, tỷ lệ sở hữu tối đa với cổ đông cá nhân là 5% (không thay đổi), với tổ chức là 10% (giảm từ 15%) và cổ đông cùng người liên quan là 15% (giảm từ 20%).

Quy định này không áp dụng với một số trường hợp: Sở hữu cổ phần tại công ty con, công ty liên kết là tổ chức tín dụng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 111 của Luật này; Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa; Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Khoản 7 trong Điều 63 cũng quy định Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Chính phủ sẽ quy định tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư đó tại một tổ chức tín dụng Việt Nam.

Quốc hội họp sáng ngày 18/1. (Ảnh: TTQH).

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/12/2023 có 17 cổ đông là tổ chức tại 13 ngân hàng thương mại cổ phần, một công ty tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt 10%.

Tuy nhiên, nhằm tránh gây xáo trộn, tác động tới hệ thống ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định điều kiện chuyển tiếp. 

Theo đó, khoản 11 Điều 210 quy định: Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (từ 1/7/2024), cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu. 

Tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông lớn, một cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần phù hợp với quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14.

Như vậy, theo quy định mới, những tổ chức đang sở hữu hơn 10% cổ phần tại ngân hàng Việt Nam như CTCP Sovico tại HDBank hay SMBC tại VPBank sẽ không phải giảm tỷ lệ sở hữu. Tuy nhiên, các tổ chức này cũng sẽ không thể tăng thêm cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu xuống dưới 10%. 

Trước đó, nhiều đại biểu đã có ý kiến cho rằng quy định giảm tỷ lệ sở hữu tối đa không phù hợp với điều kiện hiện nay vì không ngăn cản được gốc rễ của tình trạng sở hữu chéo và có thể cản trở hoạt động của ngân hàng, ngăn cản dòng vốn đầu tư.

Chẳng hạn, đại biểu Võ Mạnh Sơn, đoàn Đại biểu tình Thanh Hóa cho biết tỷ lệ sở hữu ở mức 5%, 15% và 20% như trong luật hiện hành đã tương đối thấp so với nhiều nước trên thế giới. Mặc dù vậy, tình trạng cấp tín dụng tập trung cho một số nhóm khách hàng có liên quan vẫn thường xuyên diễn ra. 

“Quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa đã không thực sự có tác dụng. Các cổ đông không rơi vào trường hợp người có liên quan theo định nghĩa của luật vẫn liên kết chặt chẽ với nhau để cấp tín dụng rất tập trung”, ông chỉ ra rằng kết luận của Thanh tra Chính phủ tháng 7/2023 cho thấy tình trạng cấp tín dụng tập trung vẫn diễn ra ở một số ngân hàng. 

Bà Đoàn Thị Lê An, đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng cũng cho rằng, điều chỉnh tỷ lệ sở hữu không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo. Điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ, giấy tờ.

Ngoài ra, giới hạn này còn có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng. Theo đại biểu, những nhà đầu tư nắm giữ 15 – 20% vốn ngân hàng không thể lũng đoạn các hoạt động cho vay của chính tổ chức đó.

Minh Quang