Lợi nhuận VietABank giảm 67%, tăng trưởng tiền gửi cao gấp nhiều lần cho vay
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - Mã: VAB) vừa công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế quý III đạt 63 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng đạt 592,4 tỷ đồng, thực hiện 46,5% mục tiêu cả năm.
Mức lợi nhuận trước thuế ghi nhận trong quý III/2023 của VietABank là thấp nhất kể từ quý III/2020 - thời điểm nền kinh tế Việt Nam và thế giới chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID.
Theo lý giải của VietABank, lợi nhuận không đạt như kỳ vọng do chi phí huy động vốn cao ở các kỳ hạn dài từ quý III/2022 dẫn đến giá vốn tăng 815 tỷ đồng, tăng 76,7% so với cùng kỳ năm 2022. Điều đó khiến chothu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng, đã giảm 55,9% xuống chỉ còn 141,9 tỷ đồng.
"Lãi suất cho vay tiếp tục giảm đồng thời ngân hàng thực hiện miễn, giảm lãi suất, chủ động cắt giảm thu nhập để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn giúp hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế khiến thu nhập lãi thuần không tăng trưởng như kỳ vọng. Bên cạnh đó, việc tăng chi phí dự phòng rủi ro cũng là một trong những yếu tố làm giảm lợi nhuận", ngân hàng cho biết.
Lãi thuần từ những mảng kinh doanh như dịch vụ, ngoại hối, góp vốn mua cổ phần cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong khi đó,lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư (chủ yếu là trái phiếu Chính phủ) tăng vọt, đạt 130,9 tỷ đồng, gấp gần 60 lần so với quý III năm ngoái, đưa tổng thu nhập ngoài lãi của VietABank đã tăng hơn 150% trong quý vừa qua.
Mặc dù thu nhập ngoài lãi ghi nhận mức tăng trưởng tốt, tổng thu nhập hoạt động (TOI) quý III của VietABank vẫn giảm 16,3% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động tăng 20,9% lên mức 225,7 tỷ đồng khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm 49,4%, xuống còn 105,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro cao gấp hơn 2 lần so với quý III năm ngoái tiếp tục ăn mòn thêm vào lợi nhuận của ngân hàng. Sau khi trừ đi chi phí dự phòng 42,9 tỷ đồng và nghĩa vụ thuế, VietABank chỉ còn thu về 55,4 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ.
Xét lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VietABank giảm 21,8%, xuống còn 658,2 tỷ đồng, chủ yếu do sự gia tăng trong chi phí hoạt động. Chi phí dự phòng rủi ro cũng gấp hai lần so với cùng kỳ khiến cho lợi nhuận sau thuế chỉ còn 483,6 tỷ đồng, giảm 25,7%.
Tiền gửi tăng 25% trong khi cho vay tăng chưa đầy 7%
Tính đến cuối tháng 9, trong khi số dư cho vay khách hàng của VietABank chỉ tăng trưởng 6,8% từ đầu năm, tiền gửi lại tăng thêm tới 24,9%. Số dư tiền gửi cuối quý III đạt hơn 87.600 tỷ đồng, trong khi vào đầu năm, tiền gửi khách hàng tại VietABank chỉ hơn 70.200 tỷ đồng. Tiền gửi tăng liên tục sau từng quý, với tốc độ trung bình đạt 7,7% mỗi quý.
Số dư tiền gửi tăng thêm 17.450 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, trong khi cho vay chỉ tăng thêm 4.227 tỷ đồng. Như vậy, số dư tiền gửi đang tăng gấp hơn 4 lần so với cho vay.
Tiền gửi của khách hàng tăng mạnh có thể giúp ngân hàng có được nguồn vốn dồi dào để hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp, tiền gửi liên tục đổ vào có thể khiến ngân hàng rơi vào cảnh "thừa tiền", chịu chi phí trả lãi nhưng không thể tìm được khách hàng cho vay.
- TIN LIÊN QUAN
-
Những yếu tố làm giảm lợi nhuận ngân hàng trong quý III 27/10/2023 - 07:54
Đây chính là tình trạng đã diễn ra tại VietABank trong quý III vừa qua, khi thu nhập từ lãi tăng lên không theo kịp với chi phí lãi, kéo theo đó là thu nhập lãi thuần sụt giảm.
Tuy nhiên, tình hình tài chính của VietABank trong quý vừa qua cũng có một số điểm tích cực.
Số dư nợ xấu của ngân hàng đạt 1.130 tỷ đồng vào cuối tháng 9, tăng 18% so với đầu năm nhưng đã giảm so với quý II (1.660 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vào cuối quý III là 1,69%, tăng nhẹ so với mức 1,53% ghi nhận vào đầu năm nhưng đã cải thiện đáng kể so với tỷ lệ 2,48% cuối tháng 6.
Ngoài ra, VietABank duy trì thanh khoản cao hơn mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước với tỷ lệ dự trữ 13,38%, tỷ lệ khả năng chi trả VND (30 ngày) là 195,59%, tỷ lệ khả năng chi trả ngoại tệ (30 ngày) là 18,32%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng trên 9%, tương đương với mức bình quân của ngành.