Lợi nhuận quý III của doanh nghiệp cao su lao dốc trước áp lực giá bán giảm
Loạt doanh nghiệp báo lãi quý III đi xuống
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 9 giá cao su xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 1.445 USD/ tấn, giảm 4,7% so với tháng 8 và giảm 12,7% so với tháng 9/2021. Đây là mức giá thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.
Trong ngành cao su, sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thường sẽ bị tác động bởi diễn biến giá và cung cầu của thị trường. Do đó, diễn biến giá cao su liên tục đi xuống trong những tháng gần đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong 8 doanh nghiệp vừa công bố kết quả hoạt động được người viết thống kê, một nửa trong số này ghi nhận doanh thu giảm và 7/8 đơn vị có lợi nhuận sau thuế lao dốc.
Đầu tiên phải kể đến "ông lớn" là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR), trong quý III doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.847 tỷ đồng, giảm 5%, lợi sau thuế đạt 993,8 tỷ, giảm 35,2% so với quý III/2021.
Theo ban lãnh đạo Tập đoàn, do tình hình kinh tế có chiều hướng giảm làm giảm giá bán so với cùng kỳ trong khi giá cả đầu vào nhiều mặt hàng tăng mạnh đã làm giảm lợi nhuận gộp. Bên cạnh đó, việc đồng Kip Lào giảm giá trong kỳ khiến các đơn vị phải trích lập dự phòng là những lý do khiến lợi nhuận quý III giảm hơn 35% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, lợi nhuận sau thuế của CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) cũng đã giảm hơn 17,7%, đạt 140,5 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần đạt 522,7 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá bán mủ cao su giảm, khiến lợi nhuận bán hàng và cung cấp dịch vụ quý vừa qua của công ty giảm gần 2,4 tỷ đồng.
Kém khả quan hơn, CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (Mã: DRI) có doanh thu thuần quý III đạt gần 110 tỷ đồng, giảm 25,4% và lỗ gần 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 15 tỷ đồng.
Nguyên nhân thua lỗ là trong quý III công ty bị ảnh hưởng của khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 24,8 tỷ đồng tại công ty con và giá bán sản phẩm mủ cao su giảm 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Cao su Đắk Lắk.
Vì đâu giá cao su lại giảm sâu?
Theo dõi diễn biến giá cao su từ số liệu của Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy xu hướng giảm của mặt hàng này không phải mới xuất hiện ở quý III mà thực tế đã có giai đoạn biến động mạnh từ quý II với sự phục hồi trong tháng 5, tháng 6 nhưng lại giảm nhanh vào ba tháng tiếp theo.
Nguyên nhân là thị trường bị tác động mạnh bởi tình hình dịch bệnh, khủng hoảng chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao, giá nhiên liệu tăng mạnh và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, theo số liệu từ Trading Economics, sau đợt phục hồi trong tháng 5, giá cao su rơi vào xu thế giảm mạnh, từ mức 1.684 USD/kg ở đầu tháng 6 xuống 1.294 USD/kg (mức thấp nhất hai năm qua) vào ngày 7/9.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, giá cao su trên thị trường thế giới có chiều hướng tiếp tục đi xuống trong tháng 9 do lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc chậm lại.
Đây cũng là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam và hiện đang có dấu hiệu giảm nhập khẩu khi số liệu mới nhất từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, trong tháng 8, kim ngạch nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt 205,7 triệu USD, giảm 10,2% so với tháng trước đó.
Bước vào tháng 10, giá cao su phục hồi nhẹ so với tháng 9, nhưng nhiều khả năng vẫn ở mức thấp trong thời gian tới do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Hiện giá mặt hàng này vẫn dao động quanh vùng 124 UScents/kg và chưa có tín hiệu phục hồi rõ ràng.
Bên cạnh đó, năm nay, khi hầu hết các quốc gia đã mở cửa trở lại sau đại dịch, tình trạng dư cung cao su thiên nhiên quay trở lại cũng là yếu tố tác động đến xu hướng giá.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), trong tháng 8 và tháng 9/2022, tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu đạt khoảng 2,7 triệu tấn, tăng 71.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu khoảng 2,5 triệu tấn, tăng 85.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021.
"Nguồn cung dư thừa trong giai đoạn này đã góp phần vào biến động của giá cao su trên thị trường thế giới, bên cạnh các yếu tố như giá dầu thô giảm và triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu", Cục Xuất nhập khẩu cho hay.
Cùng với đó, đồng USD mạnh lên cũng làm giá cao su giảm vì hầu hết các đồng tiền của những nước sản xuất cao su lớn đã mất giá so với USD.
Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng doanh nghiệp ngành cao su đang phải đối mặt với hai rủi ro lớn là mưa lớn kéo dài vào mùa cao điểm thu hoạch, ảnh hưởng đến sản lượng mủ và rủi ro suy giảm nhu cầu cao su tại Trung Quốc do thiếu điện, bởi Trung Quốc vừa trải qua đợt nắng nóng, hạn hán kỷ lục.
Do đó, mở rộng hoạt động kinh doanh đang là hướng của các doanh nghiệp cao su thiên nhiên trong bối cảnh lĩnh vực cốt lõi gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Chẳng hạn, Cao su Đồng Phú lên kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nhà máy chế biến gỗ. Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu theo ba trụ cột chính gồm trồng và chế biến mủ cao su, bất động sản công nghiệp và chế biến gỗ.
Tuy nhiên Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng các đơn vị đã hết quỹ đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê có thể ghi nhận kết quả kém khả quan hơn trong ngắn hạn. Đó cũng là thực trạng chung của các doanh nghiệp cao su.
Lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam từng cho biết quy mô mảng này của đơn vị còn nhỏ, quỹ đất cho thuê hiện hữu cơ bản đã hết. Nguồn thu chủ yếu hiện nay là lãi tiền gửi, thu phí dịch vụ, phân bổ doanh thu dài hạn đã thu từ các năm trước.
Trong khi đó, các dự án mới như mở rộng khu công nghiệp Nam Tân Uyên, An Điền, Minh Hưng III... vẫn đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý, chưa triển khai đầu tư.
Ngoài Tập đoàn Cao su Việt Nam, Cao su Phước Hòa cũng là đơn vị đang đầu tư mạnh vào mảng khu công nghiệp.
Doanh nghiệp này đang phát triển khoảng 3.000 ha gồm dự án Tân Lập 1 và 2, Tân Bình 2, Hội Nghĩa, Bình Mỹ nhưng Mirae Asset cho rằng phải đến năm 2024, Cao su Phước Hòa mới có thể bắt đầu ghi nhận doanh thu từ khu công nghiệp Tân Lập 1 và Tân Bình 2. Trước mắt trong năm nay, công ty ghi nhận hơn 340 tỷ đồng tiền đền bù từ VSIP 3, chiếm 49% lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/