Lợi nhuận nhóm doanh nghiệp săm lốp tăng vọt giữa mùa dịch
Doanh nghiệp săm lốp báo lãi lớn nhờ hưởng lợi giá nguyên liệu rẻ
Trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện có 3 doanh nghiệp đáng chú ý trong lĩnh vực sản xuất săm lốp gồm CTCP Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC); CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina - Mã: CSM) và CTCP Cao Su Sao Vàng (Mã: SRC).
Số liệu thống kê cho thấy, tổng doanh thu quí I/2020 của nhóm doanh nghiệp này đạt 1.942 tỉ đồng, tăng 2% so với cùng kì năm trước; trong khi đó, tổng lợi nhuận sau thuế đạt 57,5 tỉ đồng, tăng trưởng tới 169%.
Cụ thể, doanh nghiệp có qui mô tài sản lớn nhất là Casumina ghi nhận doanh thu thuần đạt 944,3 tỉ đồng, tăng 17,4% so với quí I/2019. Phía Casumina cho biết, động lực tăng trưởng chủ yếu nhờ thị trường xuất khẩu, theo đó đây cũng là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong quí đầu năm.
Mặt khác, giá vốn tăng với tốc độ chậm hơn giúp lợi nhuận gộp tăng trưởng tới 43,5% lên 146,2 tỉ đồng; biên lợi nhuận gộp tăng từ 12% lên 15,5%. Kết quả, Casumina ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế quí I/2020 lần lượt đạt 15,9 tỉ đồng và 12,7 tỉ đồng, cùng cao gấp 6,4 lần so với cùng kì năm 2019.
Với qui mô tương đương, doanh thu của Cao su Đà Nẵng giảm 3% trong quí đầu năm xuống 803 tỉ đồng. Tuy nhiên, cũng nhờ giá mua nguyên vật liệu giảm, lợi nhuận gộp vẫn tăng trưởng 47,5% lên 118 tỉ đồng; biên lãi gộp tăng từ 9,7% lên 14,5%.
Theo đó, dù các loại chi phí bán hàng vàn chi phí quản lí doanh nghiệp đều tăng mạnh, Cao su Đà Nẵng vẫn thu về 37,4 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp 2,2 lần so với cùng kì.
Doanh nghiệp còn lại là Cao su Sao Vàng cũng ghi nhận lãi sau thuế đạt 7,4 tỉ đồng, cao gấp gần 3 lần so với cùng kì dù doanh thu thuần giảm 15,6% xuống 194,2 tỉ đồng.
Theo giải trình của Cao su Sao Vàng, doanh thu quí I giảm sút là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong khi đó, giá vốn hàng bán giảm xuống nhờ giá vật tư đầu vào giảm, đồng thời công ty cắt giảm được chi phí sản xuất khiến lợi nhuận tăng vọt so với cùng kì năm trước.
Có thể thấy, ngành săm lốp là một trong số ít nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi một phần từ dịch COVI-19, với việc giá nguyên liệu đầu vào giảm sâu thúc đẩy lợi nhuận tăng trưởng.
Dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới khiến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ và cao su thiên nhiên (hai nguồn nguyên liệu chính sản xuất săm lốp) giảm xuống đáng kể, đặc biệt bất đồng giữa giữa Nga và Ả Rập Xê Út đã khiến giá dầu thô lao dốc kỉ lục trong hàng thập kỉ qua.
Từ mức trên 60 USD/thùng vào đầu năm 2020, giá dầu liên tục rơi mạnh đến cuối tháng 3 chỉ còn ở mức trên 20 USD/thùng. So với vùng giá trùng bình khoảng 55 USD/thùng cùng kì năm trước, giá dầu trung bình quí I năm nay chỉ ở mức 30 - 35 USD thùng, thấp hơn gần 40%.
Tương tự, giá cao su thiên nhiên cũng lao dốc từ cuối tháng 2/2020, trái ngược hoàn toàn với xu hướng bứt phá trong quí I năm trước. Việc giá hai nguồn nguyên liệu chính giảm mạnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp săm lốp thu lợi nhuận đột biến trong quí đầu năm.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Thực tế cho thấy, ngành sản xuất săm lốp chịu tác động rất lớn từ giá nguyên liệu đầu vào và nhu cầu tiêu thụ cho ngành công nghiệp ô tô. Trong khi giá nguyên liệu giảm mạnh giúp nhóm doanh nghiệp này báo lãi lớn, thì rủi ro lại đến từ đầu ra của sản phẩm, đặc biệt là nhu cầu của ngành công nghiệp ô tô.
Theo Công ty chứng khoán BSC, nguồn cung nguyên liệu thô và phụ tùng lắp ráp cho ngành công nghiệp ô tô (chủ yếu từ Trung Quốc) đang có dấu hiệu thiếu hụt do đại dịch COVID-19.
Do đó, các doanh nghiệp săm lốp trong nước có thể hưởng lợi nếu tự chủ về năng lực sản xuất, cạnh tranh với lốp xe Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ô tô hiện cũng đang phải đối mặt với tình trạng kinh doanh khó khăn khi nhu cầu giảm mạnh do đại dịch cũng đặt ra thách thức lớn ngược lại đối với ngành săm lốp.
Theo Chứng khoán MBS, dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Mỹ và châu Âu trong quí II/2020 khiến hoạt động sản xuất đình trệ và gián đoạn nguồn cung. Các vấn đề thiếu hụt linh kiện, phụ tùng và thậm chí phải tạm ngưng sản xuất đối với các doanh nghiệp sản xuất ô tô có thể xảy ra tại các thị trường này, khiến nhu cầu tiêu thụ săm lốp giảm.
Mặt khác, các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại nhằm kiềm chế bùng phát của dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, từ đó ảnh hưởng đến KQKD của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất săm lốp có hoạt động xuất khẩu chiếm tỉ trọng cao.
Trong báo cáo thường niên 2019 của Cao su Đà Nẵng, ban lãnh đạo công ty cũng nhận định năm 2020 sẽ còn khó khăn hơn nhiều so với năm 2019 do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Ngành sắp lốp cũng chịu sức ép cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc ở thị trường Brazil và các thị trường nước ngoài khác khi các hãng lốp xe lớn của Trung Quốc đã chuyển nhà máy sản xuất sang khu vực Đông Nam Á và hưởng thuế xuất khẩu 0%.
Theo đó, Cao su Đà Nẵng đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2020 đạt 4.063 tỉ đồng, tăng 5% so với kết quả năm 2019. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 280 tỉ đồng, giảm 11%.
Lãnh đạo Cao su Sao Vàng cũng cho rằng dịch bệnh COVID-19 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất, trong khi tiêu thụ sản phẩm tiếp tục chịu sự cạnh tranh.
Doanh nghiệp này lên kế hoạch doanh thu năm 2020 đạt 916 tỉ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện 2019, lợi nhuận trước thuế ước giảm tới 59% xuống còn 21 tỉ đồng.
Trái với hai doanh nghiệp trên, Casumina kì vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2020 nhờ EVFTA đã được kí kết, chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng cùng sự phát triển của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và lợi thế nguyên liệu giá rẻ.
Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2020 tăng 14% lên 4.992 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế ước đạt 150 tỉ đồng, cao gấp 2,4 lần kết quả thực hiện năm 2019. Dù vậy, đến hết quí I, Casumina mới thực hiện được 18,9% kế hoạch doanh thu và 10,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong khi đó, thị trường Châu Âu được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trong năm nay. Dưới tác động của COVID-19, nhiều nền kinh tế Châu Âu đã được dự báo sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể hồi phục lực cầu.