Sếp Cao su Đà Nẵng nói hưởng lợi nhờ tỷ giá tăng
CTCP Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) mới tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024. Công ty đặt mục tiêu doanh thu 5.151 tỷ đồng tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 285 tỷ đồng, giảm 7% so với thực hiện năm 2023.
Lý giải về việc đặt kế hoạch lợi nhuận “đi lùi”, lãnh đạo Cao su Đà Nẵng cho rằng, năm 2024 công ty sản xuất rất nhiều sản phẩm mới như PCR nên cần đầu tư nhiều chính sách bán hàng mới để giá cả sản phẩm phù hợp thị trường. Bên cạnh đó, dự án Radial giai đoạn 3 sẽ đi vào hoạt động khiến chi phí khấu hao tài sản cố định tăng lên.
Về dự án Radial, lãnh đạo Cao su Đà Nẵng cho biết công suất hiện tại của nhà máy đã vượt 80.000 lốp/tháng và phương án hoàn thành dự án vào quý IV năm nay là khả thi. Thậm chí, công ty còn tự tin nhà máy có thể nâng công suất lên đến 1,2 triệu lốp/năm và cho rằng việc tăng thêm 200.000 lốp/năm so với công suất thiết kế sẽ nâng cao hiệu quả dự án.
Tại đại hội, một cổ đông đặt câu hỏi về câu chuyện tỷ giá, lãnh đạo công ty cho rằng tỷ giá tăng mạnh trong thời gian qua mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì tỷ trọng xuất khẩu của Cao su Đà Nẵng chiếm 65-70%. Việc nhập khẩu nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng 35% nên hiện tại công ty xuất siêu.
Về vấn đề giá cao su thiên nhiên tăng mạnh thời gian gần đây, công ty cho biết luôn chuẩn bị phương án hàng năm cho vấn đề này nên có thể kiểm soát được.
Chia sẻ về triển vọng tiêu thụ sản phẩm tại Mỹ và Brazil - hai thị trường xuất khẩu chủ chốt của công ty, lãnh Cao su Đà Nẵng cho biết nếu đáp ứng được nhu cầu của riêng thị trường Mỹ thì sản lượng tiêu thụ của công ty sẽ tăng gấp 2,3 lần so với hiện nay.
Đối với thị trường Brazil, mặc dù nước này đã tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm lốp nhập khẩu kể từ năm 2023 làm giá thành sản phẩm khi nhập khẩu vào Brazil tăng cao, sản phẩm của Cao su Đà Nẵng vì thế cũng khó cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, với chất lượng sản phẩm đã được khách hàng ghi nhận nên sản lượng xuất khẩu của công ty sang Brazil vẫn được duy trì.