|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lo điều nhân nhập khẩu ‘bóp nghẹt’ ngành chế biến trong nước, vị thế số 1 của Việt Nam đang lung lay

06:52 | 21/04/2023
Chia sẻ
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Vinacas cho rằng việc cho phép nhập khẩu điều nhân vào Việt Nam mà không kèm theo các biện pháp bảo vệ ngành điều trong nước đang đe dọa đến "ngôi vương" xuất khẩu và uy tín của Việt Nam.

Điều nhân nhập khẩu kém chất lượng ồ ạt vào Việt Nam, đe dọa vị thế số 1

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2023, Việt Nam nhập khẩu 308.000 tấn hạt điều, tương đương 415 triệu USD, tăng 81% về lượng và tăng 77,5% về giá trị so với tháng 2.

 

 

Tính chung quý I/2023, Việt Nam nhập khẩu hơn 567.000 tấn điều thô, tương đương 760 triệu USD, tăng 18% về lượng và tăng 3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng nhập khẩu này lớn hơn tổng sản lượng điều thô do Việt Nam sản xuất trong một năm.

 

Nguồn cung điều thô cho Việt Nam chủ yếu đến từ Campuchia và các nước châu Phi, tuy nhiên cơ cấu nhập khẩu đã có sự thay đổi đáng kể.

Trước năm 2022, tỷ trọng nhập khẩu điều từ Bờ Biển Ngà luôn ở mức cao, chiếm 24-41% lượng nhập khẩu điều của Việt Nam qua các năm nhưng đến quý I/2023 chỉ còn khoảng 7%. Trong khi đó, Campuchia lại vươn lên từ tỷ trọng 7% năm 2016 lên dần 15-40% qua các năm và chính thức chạm mốc 56% vào quý I/2023, đây cũng là thị trường cung cấp điều lớn nhất của Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

 

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết lượng nhập khẩu điều thô tăng mạnh không phải là điều bất thường bởi hiện đang trong vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào, hạt có chất lượng tốt, các coanh nghiệp mua tích trữ, khi giá điều nhân lên sẽ đưa vào chế biến; số khác đưa vào chế biến để trả cho các hợp đồng đã ký trước đây.

Điều ông Nhựt lo lắng là hệ quả của việc cho phép nhập khẩu điều nhân vào Việt Nam mà không kèm theo các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước đang ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và tương lai ngành điều.

“Nhiều năm qua Việt Nam luôn dẫn đầu chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị điều toàn cầu, nhưng vị thế đó của Việt Nam đang bị lung lay và đe dọa nếu chúng ta không thay đổi và ngăn chặn xu thế này ngay từ bây giờ”, ông Bạch Khánh Nhựt nói.

Phó Chủ tịch Vinacas phân tích hiện nay các nước ở châu Phi và Campuchia đang định hướng phát triển công nghiệp chế biến điều, giảm dần xuất điều thô. Vì vậy, họ đưa ra nhiều chính sánh ưu đãi, hỗ trợ để thu hút đầu tư các nhà máy chế biến. Đồng thời với điều thô xuất khẩu, các nước quy định và giám sát chặt giá xuất khẩu tối thiểu và áp mức thuế xuất khẩu cao. Còn với điều nhân xuất khẩu, họ miễn thuế.

Trong khi đó, cả điều thô và điều nhân khi nhập vào Việt Nam để chế biến, xuất khẩu đều được miễn thuế.

Sự khác biệt về chính sách đang tạo ra sự bất bình đẳng trong thương mại giữa doanh nghiệp chế biến hai nước, tạo điều kiện cho điều nhân từ châu Phi nhập khẩu vào Việt Nam. Ông Nhựt khẳng định điều này chẳng những không đem lại lợi ích gì cho đất nước mà còn đem đến những nguy cơ lớn đối với toàn ngành điều Việt Nam.

Phân tích cụ thể, Phó Chủ tịch Vinacas cho biết hiện nay, các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu chỉ thực hiện 1-3 công đoạn cuối, chiếm khoảng 20% toàn dây chuyền chế biến nếu tính từ điều thô, thậm chí chỉ đóng gói vào bao bì mới nên giá trị gia tăng không lớn. Phương thức này chủ yếu do một số doanh nghiệp lớn, chủ yếu là FDI thực hiện và lợi nhuận “chảy” về cho số ít này.

Trong khi đó, hầu hết điều nhân nhập về có chất lượng thấp, khi đóng gói xuất cho đối tác sẽ làm giảm chất lượng chung của ngành điều Việt Nam, làm mất dần uy tín và thị phần của điều nhân Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Nếu phương thức kinh doanh này tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp chế biến lớn của Việt Nam cũng sẽ chuyển sang hướng này, từ đó các dây chuyền sản xuất đầu – cuối sẽ phải thu hẹp lại, lãng phí tiền bạc, người lao động mất việc làm.

Ông Bạch Khánh Nhựt cho rằng nếu các công ty ở châu Phi thông qua Việt Nam bán được hàng và có lợi nhuận cao, họ sẽ tiếp tục đầu tư. Ngành công nghiệp chế biến điều của các nước này lớn mạnh sự dễ dãi của thị trường Việt Nam và sự không công bằng trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp chế biến tại châu Phi và Việt Nam.

“Các nhà máy này sẽ hút nguồn điều thô cho sản xuất tại chỗ, chặn dần nguồn nguyên liệu cho Việt Nam. Tiếp đến, họ vươn lên nắm vững công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng và giành chiếm dần thị trường điều nhân thế giới, bóp chết ngành chế biến điều Việt Nam trong tương lai không xa”, ông Nhựt cho biết.

Sự trỗi dậy của ngành điều châu Phi không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chế biến, mà còn tạo sức ép đến giá điều thô trong nước, thu hẹp vùng nguyên liệu và sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân Việt Nam.

Kiểm soát bằng biện pháp phòng vệ thương mại

Từ những phân tích trên, Vinacas đề nghị Bộ Công Thương ban hành các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật phù hợp, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh điều nhân trên thị trường quốc tế.

Vinacas đề nghị Bộ Công Thương đàm phán, ký các hiệp định song phương với từng nước về miễn thuế xuất nhập khẩu với hàng hóa của nhau; trong đó có việc nước bạn miễn thuế với điều thô xuất khẩu sang Việt Nam. Nếu thực hiện được thỏa thuận này, chúng ta sẽ không cần phải thay đổi các quy định hiện hành.

“Các nước xuất khẩu nhân điều vào Việt Nam đã áp thuế xuất khẩu và giá xuất khẩu tối thiểu với hạt điều thô, khiến cho nhân điều chế biến tại Việt Nam bị cạnh tranh không công bằng với nhân điều nhập khẩu. Phía Ấn Độ đang áp dụng chính sách này với điều nhân nhập khẩu”, đại diện Vinacas dẫn chứng.

Trong trường hợp phía nước bạn không đồng thuận, Vinacas đề nghị các bộ, ngành và Chính phủ xem xét, áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” trong quan hệ quốc tế để không miễn thuế nhập khẩu với nhân điều vào Việt Nam.

Đồng thời áp thuế 25% với hạt điều đã bóc vỏ (Mã 0801.32.00) theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định 57; áp giá nhập khẩu tối thiểu đối với nhân điều vào Việt Nam. 

Phạm Mơ

MBS dự phóng lợi nhuận 4 ngành có thể tăng bằng lần trong quý IV
Lợi nhuận một số ngành dự báo giảm trong quý cuối năm như bất động sản khu công nghiệp do còn đợi hoàn thiện khung chính sách hay dầu khí do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.