|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập khẩu điều từ Campuchia tăng đột biến: Bình thường hay bất thường?

07:37 | 15/03/2023
Chia sẻ
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Vinacas khẳng định Campuchia đang bước vào vụ thu hoạch điều nên hàng nhập về Việt Nam tăng mạnh là chuyện bình thường. Hết tháng 4, vụ điều Campuchia kết thúc, lượng nhập khẩu sẽ giảm dần.

Campuchia bước vào vụ điều, nhập khẩu tăng là điều bình thường

Ngay sau khi Tổng cục Hải quan công bố số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 2, nhiều diễn đàn nông nghiệp xôn xao về việc nhập khẩu hạt điều bất ngờ tăng mạnh, đặc biệt từ thị trường Campuchia.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan trong tháng 2/2023 Việt Nam nhập khẩu hơn 170.000 tấn hạt điều thô, tương đương 234 triệu USD, tăng 63% về lượng và tăng 80% về giá trị so với tháng 1. Lũy kế 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 272.000 tấn điều thô, tương đương 360 triệu USD, tăng 78% về lượng và tăng 52% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

 

Trong đó, Campuchia tiếp tục là nguồn cung điều lớn nhất cho Việt Nam. 2 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 86.000 tấn hạt điều thô từ Campuchia, tương đương gần 130 triệu USD, gấp đôi về lượng và tăng 76% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Số liệu cũng cho thấy mặt hàng điều thô đang chiếm tỷ trọng 17,5% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Campuchia.

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Nhìn lại giai đoạn 2021-2022, nhập khẩu điều từ Campuchia trong khoảng tháng 1 – tháng 5 hàng năm có xu hướng tăng đột biến.

Đỉnh điểm vào tháng 4/2021, nhập khẩu điều từ Campuchia đạt 468.000 tấn, tương đương 697 triệu USD, gấp 5,8 lần về lượng và gấp gần 8 lần về giá trị so với tháng 4/2020. Tính chung cả năm 2021, Việt Nam nhập khẩu từ Campuchia 1,1 triệu tấn điều thô, tương đương 1,8 tỷ USD, gấp hơn 5 lần về lượng và gấp 6,7 lần về giá trị so với năm 2020.

Sau khi ghi nhận dấu hiệu bất thường ở thị trường Campuchia, Tổng cục Hải quan đã vào cuộc điều tra và khởi tố một số doanh nghiệp nhập khẩu điều ở Bình Phước mượn đường Campuchia để trốn thuế.

 

Trở lại câu chuyện của hiện tại, nhập khẩu điều từ Campuchia đang bắt đầu bước vào chu kỳ tăng, liệu đây là tín hiệu bình thường hay bất thường?

Trao đổi với người viết, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) khẳng định nhập khẩu điều từ Campuchia tăng mạnh là điều bình thường bởi từ tháng 1 đến tháng 5, nước này bước vào vụ thu hoạch điều, 99% nguyên liệu thô được xuất khẩu sang Việt Nam do nước này chưa phát triển sản xuất, chế biến điều, đồng thời cũng chưa có hệ thống kho bãi lưu trữ.

Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý giữa Việt Nam – Campuchia rất gần, chi phí cho hoạt động nhập khẩu cũng thấp nên các doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng tăng nhập khẩu điều Campuchia.

 

Ông Bạch Khánh Nhựt phân tích Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điều số 1 thế giới, mỗi năm các doanh nghiệp ngành điều cần nhập lượng lớn điều thô, trước năm 2020, nguồn cung chủ yếu từ các quốc gia Tây Phi như Bờ Biển Ngà, Tazania, Gana, Nigeria…  

Tuy nhiên, trong dịch COVID-19 bùng phát và kéo theo sự đứt gãy chuỗi cung ứng vận tải, cước container tăng gấp nhiều lần khiến doanh nghiệp nhập khẩu phải “gánh” nhiều chi phí. Do đó, tỷ trọng nhập khẩu điều từ những quốc gia này, điển hình như Bờ Biển Ngà đã giảm mạnh, từ tỷ trọng 41% năm 2016 xuống còn 25% năm 2022.

Mặt khác từ cuối năm 2017, Vinacas đã hợp tác với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia xây dựng vùng nguyên liệu khoảng 500.000 ha với sản lượng khoảng 1 triệu tấn tại Campuchia. Việt Nam đã chuyển giao giống và kỹ thuật tốt cho nông dân Campuchia, đồng thời thu mua các sản phẩm về để chế biến, xuất khẩu.

Từ 2021 đến nay, điều Campuchia đang vào giai đoạn “vàng” của thu hoạch, cho sản lượng và chất lượng tốt. Do vậy, tỷ trọng nhập khẩu điều Campuchia cũng tăng mạnh từ 7% năm 2017 lên 37% vào năm 2022.

“Việt Nam là nước có kinh nghiệm trong sơ chế, chế biến điều. Các doanh nghiệp sẽ tập trung thu mua điều thô Campuchia từ tháng 2 đến tháng 5, tranh thủ mùa nắng đem về phơi khô, sấy sao cho độ ẩm còn khoảng 9% để lưu trữ trong một năm.

Hết vụ điều của Campuchia, lượng nhập khẩu sẽ trở lại bình thường, thậm chí rất thấp. Vụ điều Campuchia năm nay có thể kết thúc vào tháng 4, khi đó lượng nhập khẩu sẽ giảm mạnh”, ông Nhựt nói.

Phó Chủ tịch Vinacas cho biết năm 2021 có một số doanh nghiệp nhập khẩu điều mượn đường Campuchia né thuế, đây là một điều đáng tiếc và hiệp hội không có điều kiện để kiểm soát. Sau vụ việc này, các đơn vị của Tổng cục Hải quan cũng quản lý chặt chẽ hơn, nhập khẩu điều từ Campuchia năm 2022 đã trở về ngưỡng bình thường.

2023 - một năm khó khăn với xuất khẩu điều

Trong khi nhập khẩu điều bước vào chu kỳ tăng thì ở chiều ngược lại xuất khẩu điều lại đang có xu hướng giảm dần. Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu điều đạt 61.000 tấn, tương đương 353 triệu USD, giảm 5% về lượng và giảm 7,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Bạch Khánh Nhựt cho biết trong bối cảnh lạm phát gia tăng trên toàn cầu, Vinacas dự báo nhu cầu tiêu thụ điều năm 2023 sẽ yếu, xuất khẩu hạt điều đi ngang so với năm 2022, tương đương 3,1 tỷ USD.

Hiện nay, hạt điều của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ và EU, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu ngành. Tuy nhiên, những thị trường này đang rất khó khăn, lạm phát ở Mỹ leo thang, EU cũng rơi vào khủng hoảng kinh tế, căng thẳng địa chính trị khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Phó Chủ tịch Vinacas thông tin ở thời điểm này, các doanh nghiệp lớn trong ngành điều chấp nhận “mua đắt, bán rẻ” để giữ khách, vượt qua giai đoạn khó khăn, còn một số nhà máy vừa và nhỏ đình trệ sản xuất, đóng cửa vì thiếu đơn hàng.

Phạm Mơ