Lộ diện chuỗi cửa hàng bán lẻ mới của Masan Group
Ngày 16/10, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) đã chính thức khai trương cửa hàng CVLife đầu tiên tại TP HCM. Đây là điểm bán nằm trong chuỗi các cửa hàng tích hợp giữa WinMart+, Phúc Long, Techcombank và Phano Pharmacy.
Trao đổi với người viết, phía Masan Group xác nhận thông tin trên và cho biết trong thời gian tới công ty sẽ tiếp tục mở thêm hai cửa hàng với mô hình tương tự tại Hà Nội và TP HCM.
Chiến lược tích hợp nhiều dịch vụ vào một điểm bán không phải là mới đối với Masan Group. Trước đó, tại Hà Nội, cửa hàng tích hợp WinMart+, Phúc Long và Techcombank cũng đã được khai trương hồi tháng 6.
Khi ấy, công ty cho biết các Kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với cửa hàng WinMart+. Hợp tác kỳ vọng góp phần tăng biên lợi nhuận toàn hệ thống cửa hàng WinMart+ hơn 4% so với mức hiện tại.
Về hai dịch vụ tích hợp còn lại là ngân hàng và hiệu thuốc, Techcombank vốn đã nằm trong hệ sinh thái Masan Group, trong khi Phano Pharmacy, theo chia sẻ phía Masan, là đối tác chiến lược. Do đó rất có thể với sự hợp tác này, hai bên sẽ cùng nhau chia sẻ chi phí mặt bằng và doanh thu.
Chuỗi cửa hàng CVLife được phía Masan Group khẳng định vẫn nằm trong chiến lược phát triển hệ sinh thái tiêu dùng trước đó đã đưa ra. Trong chiến lược này, Masan Group hướng tới mục tiêu chuyển đổi từ điểm mua sắm thuần túy trở thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu mà tập đoàn gọi là nền tảng Point of Life.
Trong đó, hệ thống VinCommerce (WinMart/WinMart+) làm trục trung tâm, điểm đến dành cho tất cả, cung cấp các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng. Các dịch vụ, hệ sinh thái được kết nối vào một nền tảng chung nhất.
"Trọng tâm của Masan là phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, trong đó có chuỗi bán lẻ F&B. Như mục tiêu đã vạch ra tại Đại hội cổ đông thường niên 2021, chuỗi F&B là một mảnh ghép trong nền tảng tiêu dùng bán lẻ Point of Life của Masan. Mục tiêu đến năm 2025, doanh thu của chuỗi F&B đóng góp 500 triệu USD", đại diện Masan chia sẻ.
Trong giai đoạn 5 năm này, Masan muốn theo đuổi kế hoạch xây dựng mô hình để phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng, gia tăng khả năng tiếp cận thị trường bán lẻ hiện đại từ 1% lên gần 25%. Do đó, việc tích hợp các dịch vụ nhiều bên khác nhau vào một điểm bán là một bước đi nhất quán mà đơn vị này đã liên tục thực hiện trong thời gian qua.
Masan cũng đặt mục tiêu tự vận hành khoảng 10.000 cửa hàng và có trong tay 20.000 cửa hàng nhượng quyền bằng cách hợp tác với những tiệm tạp hóa gia đình. Hiện tính đến cuối quý II, VinCommerce có 2.369 cửa hàng WinMart/WinMart+. Theo kế hoạch, Masan sẽ đưa 300 - 500 cửa hàng WinMart+ mới vào hoạt động đến cuối năm 2021 với thời gian đạt EBITDA hòa vốn từ 6 đến 12 tháng.