Những pha quảng cáo 'đi vào lòng đất': Phúc Long sống xanh nhưng không xanh, be Group khuyên khách nữ đừng ăn mặc mát mẻ, Dove tẩy trắng người dùng
Pepsi thích biểu tình (2015, 2017)
Năm 2017, Pepsi vướng phải tranh cãi dữ dội với thước quảng cáo "Live for Now" (tạm dịch: Sống cho hiện tại). Pepsi hứng lượng "dislike" khủng khiếp và buộc phải gỡ quảng cáo cũng như xin lỗi chỉ sau một ngày.
Trong đoạn video, nữ người mẫu Kendall Jenner đóng vai một ngôi sao đang chụp ảnh thời trang, sau đó bất ngờ hòa vào dòng người biểu tình và cuối cùng vui vẻ mang một lon Pepsi cho viên cảnh sát đang trấn áp dòng người. Anh cảnh sát mỉm cười đáp lễ và mọi người cùng thưởng thức Pepsi.
Đoạn quảng cáo mà Pepsi có lẽ không bao giờ quên. (Nguồn: Pepsi).
Cư dân mạng cho rằng cuộc biểu tình lấy cảm hứng từ phong trào "Black Lives Matter" (BLM) và phân cảnh Kendall đưa lon Pepsi cho người cảnh sát đang tái hiện bức hình cô Leshia Evans, một người biểu tình ôn hòa, đối diện ba cảnh sát vũ trang đầy đủ đang sẵn sàng vây bắt cô hồi năm 2016.
Rất nhiều người mỉa mai ekip sản xuất đoạn quảng cáo quá ngây thơ, trong khi nội dung thật ngớ ngẩn và phi thực tế. Một nhà hoạt động từng bày tỏ: "Nếu tôi mang theo Pepsi, có khi cảnh sát chẳng bắt tôi đâu!"
Tuy nhiên, đó không phải là lần đầu tiên Pepsi gặp rắc rối với nội dung quảng cáo đậm chất "biểu tình". Năm 2015, hãng đồ uống này từng khiến công chúng Ấn Độ được một phen hết hồn.
Đoạn clip năm 2015 ghi lại cảnh một nhóm sinh viên địa phương biểu tình và đe dọa sẽ tuyệt thực cho đến khi nhà trường đáp ứng yêu cầu của họ. Cảnh này gợi nhớ đến cuộc biểu tình của sinh viên Viện Điện ảnh và Truyền hình Ấn Độ (FTII) cách đó không lâu.
Chuyện cũng sẽ không có gì nếu một thành viên trong đoàn biểu tình không đánh lẻ để uống chai Pepsi và nói "Nó là Pepsi, tôi vừa uống xong!", hàm ý anh không thể cưỡng lại sức hút của thức uống có ga này, kể cả có đang biểu tình đi chăng nữa. Trên Twitter, một sinh viên của FTII chê bai: "Thật cạn lời!"
Dove "tẩy trắng" khách hàng (2017)
Năm 2017, nhãn hàng sửa tắm Dove của Unilever cũng vấp phải cú ngã để đời với một đoạn quảng cáo trên Facebook. Xưa nay các sản phẩm dưỡng da vốn rất nhạy cảm với yếu tố màu da nhưng Dove có lẽ chưa rút ra được bài học.
Một cô nàng da màu vừa cởi áo thì làn da trở nên trắng sáng, diện mạo cũng lập tức thay đổi. Công chúng kịch liệt phản đối quảng cáo này, cho rằng nó không khác gì một hình thức "tẩy trắng" người da màu.
Dove phải lên tiếng xin lỗi nhưng không thể xoa dịu dư luận, các hashtag như #DoneWithDove (tạm dịch: Dove xong đời) cùng lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm của thương hiệu này trôi nổi khắp Twitter, Facebook,… Hơn nữa, nhiều người còn tố rằng trước đây Dove cũng đã có những quảng cáo tương tự nhắm vào phụ nữ da màu.
H&M gây đụng xe trên phố (1993)
Giáng sinh năm 1993, H&M đã triển khai một chiến dịch quảng cáo nội y, người mẫu được gã khổng lồ thời trang nhanh lựa chọn là Anna-Nicole Smith, một cô mẫu Playboy đình đám thời điểm đó. Poster quảng cáo được treo khắp châu Âu.
Cho đến nay, chiến dịch này nổi đình đám không phải vì độ thành công, mà vì câu chuyện tréo ngoe khiến poster bị gỡ xuống hàng loạt. Người dân châu Âu cho rằng vóc dáng nóng bỏng cũng như cách tạo dáng khiêu gợi của Anna đã khiến nam giới mất tập trung khi lái xe, từ đó va chạm trên đường phố.
Người đi đường thường hay liếc nhìn những tấm poster. Cánh tài xế còn gây tai nạn vì chúng. (Ảnh: Getty Images).
Ngoài lý do "dở khóc dở cười" nêu trên, H&M còn vướng phải chỉ trích khi một số người cho rằng ông lớn ngành thời trang chỉ muốn thu hút sự chú ý của đàn ông hơn là phụ nữ, nhóm khách hàng tiềm năng của bộ sưu tập.
Audi, D&G xa xỉ nhưng kém duyên về văn hóa (2017, 2018)
Hai thương hiệu hàng xa xỉ Audi và Dolce &Gabbana (D&G) từng khiến người tiêu dùng tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phật lòng trong quá khứ với những mẩu quảng cáo thiếu nhạy cảm về văn hóa bản xứ.
Trước khi mua hàng, kiểm tra hàng là điều hiển nhiên và Audi đã thực sự đưa ý tưởng này vào một video quảng cáo vào năm 2017, nhưng kết quả lại không như mong đợi. Trong đoạn phim, mẹ của chú rể đã bước lên và bắt đầu soi moi con dâu tương lai: véo môi, kéo tai, xem răng, trước khi gật đầu đồng ý với con trai.
Sau đó, câu slogan xuất hiện: "Một quyết định quan trọng phải được thực hiện cẩn trọng". Và điều này đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong công chúng Trung Quốc, họ cho rằng Audi đang "bôi bác" nền văn hóa xứ tỷ dân, coi nữ giới như một món xe.
Cô dâu bị ví như một món hàng, mà cụ thể là xe hơi. (Nguồn: Audi).
Tương tự, D&G cũng gặp hạn khi chêm những thước quay vô thưởng vô phạt về văn hóa Trung Quốc vào một đoạn quảng cáo năm 2018. Một nữ người mẫu phục sức sang trọng và cố gắng ăn các món Italy như pizza và spaghetti bằng…đũa, một cách khó khăn và cực nhọc. Trên Weibo, người dùng mạng Trung Quốc cho rằng những thước quảng cáo phản cảm hơn là hài hước.
Phúc Long "sống xanh" nhưng không xanh (2019)
Trào lưu "less plastic" (giảm nhựa) hoặc "zero plastic" (không tạo ra rác thải nhựa) dần len lỏi vào đời sống giới trẻ Việt Nam. Do đó, các thương hiệu đồ uống cũng bắt đầu thử nghiệm "sống xanh" từ thay thế ống hút nhựa bằng uống hút giấy hoặc ống hút cỏ, quai nhựa bằng quai vải,…
Nắm bắt trào lưu mới, chuỗi thương hiệu trà và cà phê Phúc Long vào năm 2019 đã thực hiện phân loại rác thành nhiều nhóm nhỏ tại hai cửa hàng trong hệ thống. Tuy nhiên, chiến dịch quảng cáo này đã phản tác dụng khi một vị khách tố Phúc Long gian lận.
Bên trên thùng rác ghi rõ các ô để phân loại rác, song thực chất bên dưới chỉ có một túi đựng duy nhất. Sau khi bị chỉ trích là giả tạo, Phúc Long lên tiếng cho biết thùng rác này chỉ là thử nghiệm và hãng đã dừng lại vì bất cập.
Tháng 3 cùng năm, Phúc Long cũng gặp rắc rối khi thông báo bán thêm ly nhựa đựng đá giá 2.000 đồng, khiến công chúng đặt câu hỏi về ý tưởng "sống xanh" của chuỗi đồ uống này.
Be khuyến cáo nữ khách nữ đừng ăn mặc "mát mẻ" (2019)
Năm 2019, ứng dụng gọi xe be từng gây xôn xao với một bài đăng quảng cáo không phù hợp. Cụ thể, trên Fanpage, hãng này cho rằng vấn đề trang phục cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng chuyến đi và khuyên khách nữ nên ăn mặc kín đáo hoặc cân nhắc đặt…beCar cho an toàn.
"Một bộ cánh hơi 'mát mẻ' hay quá ôm sát đôi khi làm bác tài có chút 'mất tập trung', vô tình ảnh hưởng đến sự an toàn của cả chuyến đi", be viết.
Một số khách hàng đã đặt câu hỏi về tính nghiêm túc và đứng đắn của bài viết trên, đặc biệt là khi nó vừa suy diễn rằng nữ giới ăn mặc mát mẻ hoặc quá ngắn có thể gây nguy hiểm cho bản thân, đồng thời nhận định chủ quan về các đối tác tài xế nam.