|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Vinamilk: 6 tháng đầu năm ước lãi 2.991 tỉ đồng

08:44 | 26/06/2020
Chia sẻ
Chia sẻ về tình hình kinh doanh nửa đầu năm, bà Mai Kiều Liên cho biết, ước tính lợi nhuận 6 tháng tăng 3% so với cùng kì (khoảng 2.991 tỉ đông). Ảnh hưởng lớn nhất từ COVID-19 đối với Vinamilk không phải ở thị trường tiêu thụ truyền thống hay các kênh hiện đại, mà chủ yếu ở kênh Sữa học đường.
[LIVE] ĐHĐCĐ Vinamilk: Mục tiêu lãi 10.690 tỉ đồng, cổ tức tối thiểu 50%  - Ảnh 1.

Sáng ngày 26/6, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) đã tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2020 theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Chụp màn hình)

Năm 2019 lãi hơn 10.581 tỉ đồng, sở hữu 75% vốn GTNFoods

Trong năm 2019, Vinamilk đạt trên 54.600 tỉ đồng doanh thu thuần và hơn 10.581 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ.

Riêng tổng doanh thu thuần từ các công ty con ở nước ngoài đạt 3.588 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kì và đóng góp hơn 6% vào tổng doanh thu chung.

Cụ thể, Ankormilk ghi nhận doanh thu trên 50 tỉ đồng nhờ tiếp tục đẩy mạnh hệ thống phân phối trên toàn Campuchia. Bên cạnh đó, doanh thu nhà máy Drifwood (Mỹ) cũng được duy trì ổn định, đạt doanh thu 2.645 tỉ đồng (114 triệu USD).

Một công ty con khác của Vinamilk tại Ba Lan là Vinamilk Europe Spóstka Z Ograniczona Odpowiedzialnoscia, có tổng sản lượng bột sữa thu mua và xuất khẩu trong năm 2019 đạt 7.000 tấn, mang về tổng doanh thu gần 374 tỉ đồng (16 triệu USD).

Đây là đơn vị đóng vai trò thu mua nguyên vật liệu sản xuất sữa và một số sản phẩm từ sữa để phục vụ hoạt động kinh doanh của Vinamilk và các công ty con trong tập đoàn.

Về tình hình thu mua nguyên liệu trong năm vừa qua, Vinamilk hiện quản lí 83 trạm trung chuyển sữa tươi nguyên liệu với tổng đàn bò trong dân hơn 100.000 con, năng suất sữa được cải thiện từ 13,5 kg mỗi con bò vắt sữa lên 14,4 kg mỗi con bò sữa.

Qui mô đàn bò hộ chăn nuôi cũng tăng từ 16 con mỗi hộ lên 17 con mỗi hộ, cung cấp trên 600 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày.

Liên quan đến M&A, Vinamilk chính thức sở hữu 75% vốn tại GTNFoods (Mã: GTN), qua đó tham gia điều hành CTCP Sữa Mộc Châu, đơn vị sở hữu hơn 2.000 con bò sữa tại trang trại và 23.000 con thông qua việc liên kết với 600 hộ dân cùng ba trung tâm giống bò sữa lớn.

Theo ước tính, qui mô đàn bò Mộc Châu tăng trưởng trung bình 14% một năm và năng suất bình quân đạt 25 lít sữa mỗi con một ngày.

Mục tiêu lãi 10.690 tỉ đồng, cổ tức tối thiểu 50%

Dự kiến trong năm nay, Vinamilk sẽ hoàn thiện và đưa trang trại bò sữa Quảng Ngãi đi vào hoạt động trong quí II/2020. Vinamilk cũng có kế hoạch khởi công xây dựng thêm các trang trại bò sữa tại Đồng Nai, Cần Thơ và Lào.

Bên cạnh đó, Vinamilk sẽ phát triển các sản phẩm thương mại có chức năng chuyên biệt như đường dành cho người bệnh tiểu đường, người theo chế độ ăn kiêng,…

Trong năm nay và những năm tiếp theo, Vinamilk sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ uống và một số thức ăn kèm theo mang thương hiệu "Hi - Café". Trước đó ở năm 2019, công ty đã mở một cửa hàng tại trụ sở chính.

Theo đó, Vinamilk kì vọng doanh thu năm nay đạt 59.600 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.690 tỉ đồng, lần lượt tăng nhẹ 6% và 1% so với kết quả đạt được ở năm 2019.

ĐHĐCĐ Vinamilk: 6 tháng đầu năm ước lãi 2.991 tỉ đồng - Ảnh 3.

Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Vinamilk (Nguồn: Vinamilk)

Với kế hoạch này, công ty dự kiến chia cổ tức năm 2020 với tỉ lệ tổi thiếu bằng 50% lãi ròng. Trong đó, tạm ứng cổ tức đợt 1 được thực hiện vào ngày 15/10/2020 và tạm ứng cổ tức đợt 2 thanh toán vào ngày 26/2/2021.

Đối với cổ tức năm 2019 là 4.500 đồng/cp, Vinamilk đã thực hiện tạm ứng cổ tức 3.000 đồng/cp trong năm 2019 và 2020. Phần còn lại 1.500 đồng/cp, công ty dự kiến thanh toán vào ngày 15/7/2020.

Muốn tăng vốn lên 21.260 tỉ đồng

Một trong những nội dung HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua là phát hành tối đa 348 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 5:1, tức cổ đông sở hữu 5 cp sẽ được nhận một cp phát hành thêm.

Ngày đăng kí cuối cùng để thực hiện quyền rơi vào ngày 30/9/2020. Nếu đợt phát hành này diễn ra thành công, vốn điều lệ của Vinamilk sẽ tăng tối đa thêm gần 3.843 tỉ đồng. Tính đến ngày 31/3/2020, Vinamilk có vốn điều lệ gần 17.417 tỉ đồng.

Phần thảo luận:

Ở Việt Nam, Vinamilk năm 60% thị phần sữa. Trong khi đó, ba công ty lớn nhất ở Trung Quốc cũng chỉ năm hơn 50% thị phần, ba công ty lớn nhất ở Ý năm hơn 20% thị phần. Việc Vinamilk tiếp tục tăng thị phần có khả thi không hoặc có thể thông qua M&A?

Bà Mai Kiều Liên: Có những cái Việt Nam làm được mà những nước khác không làm được và ngược lại, tùy thuộc từng ngành nghề và đặc thù của ngành. Đối với Vinamilk, từ con số 0 đến bây giờ vừa có trang trại, vừa có vùng nguyên liệu, có thể có nhà máy hiện đại.

Trong kế hoạch 5 năm, mục tiêu của Vinamilk mỗi năm lấy được 1% thị phần. Đến ngày hôm nay, công ty vẫn đúng tiến độ. 

Trong 5 năm tới, ĐHĐCĐ sẽ quyết định tăng bao nhiêu và tăng như thế nào. Tôi nghĩ vẫn tăng thị phần được, hơn 50% vẫn còn dư địa hơn 40% còn lại.

Năm 2020, giá sữa nguyên liệu thấp hơn năm 2019, đồng thời giá bán cao hơn khi công ty tăng giá sản phẩm vào cuối năm 2019, nghĩa là biên lợi gộp năm nay sẽ cao hơn năm ngoái. Biên lợi nhuận ròng năm 2020 có cao hơn 2019 hay không?

Bà Mai Kiều Liên: Giá sữa nguyên liệu năm 2020 không thấp hơn năm 2019. Còn về biên lợi nhuận, từ đầu năm đến cuối năm là xu hướng giảm nhưng tổng lại biên lợi nhuận năm 2020 vẫn cao hơn năm 2019. Nếu có GTN khoảng 4,7%, còn nếu không có GTN thì cao hơn năm 2019 một chút.

Kế hoạch năm 2020 doanh thu nội địa tăng 3% và doanh thu xuất khẩu tương đương với năm 2019. Công ty chia sẻ thêm về các thị trường xuất khẩu?

Bà Mai Kiều Liên: Năm 2019, tổng số nước xuất khẩu là 53 quốc gia. Các thị trường xuất khẩu vẫn duy trì được thị phần và tăng trưởng mạnh (Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc,…).

Đối thủ ngành sữa trên thế giới cũng như tại Việt Nam rất nhiều, mục tiêu của Vinamilk là giữ vững thị trường nội địa rồi mới tiến tới xuất khẩu.

Trong quí I, xuất khẩu tăng trưởng 8% và ước tính đến hiện tại tăng trưởng khoảng 13%.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm?

Bà Mai Kiều Liên: Ước tính doanh thu 6 tháng tăng 7%, lợi nhuận trước và sau thuế tăng 3% so với cùng kì (tức khoảng 2.991 tỉ đồng). Lưu ý, trong 6 tháng đầu năm, ảnh hưởng lớn nhất từ COVID-19 đối với Vinamilk không phải ở thị trường tiêu thụ truyền thống hay các kênh hiện đại, mà chủ yếu ở kênh Sữa học đường.

Khi Sữa học đường không có, doanh thu và thị phần đều giảm. Sữa học đường bắt đầu quay trở lại từ tháng 5, đã có sự hồi phục tích cực nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Tôi hi vọng hai quí cuối năm sẽ khả quan hơn.

Biên lợi nhuận ròng Vinamilk đang cao nhất, yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận ròng trong tương lai?

Bà Mai Kiều Liên: Nhiều người cũng hỏi vì sao giá sữa cao. Tôi xin khẳng định giá này ở Việt Nam không cao, có chăng cao ở sữa bột. Sản lượng càng nhiều thì số tuyệt đối trên từng sản phẩm không cao, nhưng nếu có số lượng khổng lồ thì số tuyệt đối cao.

Sản phẩm sữa organic đóng góp bao nhiêu vào doanh thu trong nước?

Bà Mai Kiều Liên: Đây là mặt hàng mới và cũng là xu hướng của thế giới hiện nay. Lượng tiếp nhận sản phẩm này cũng khá tốt.

Tham vọng của Vinamilk đối với Mộc Châu Milk là gì? Chiến lược thay đổi qui mô, doanh thu, lợi nhuận của Mộc Châu Milk trong ba năm tới?

Bà Mai Kiều Liên: Mộc Châu là thương hiệu rất tốt và có tiềm năng phát triển. Thương hiệu của Mộc Châu sẽ phát triển song song với các thương hiệu của Vinamilk hiện nay.

Chúng tôi đã có kế hoạch đầu tư mở rộng qui mô trang trại bò sữa, năng lực sản xuất về hệ thống phân phối của Mộc Châu theo lộ tình cụ thể. Kết quả sẽ có vào cuối năm nay.

Đại diện SSI: Tổng Giám đốc Mai Kiều liên chia sẻ hình dung của cô về ngành sữa 10-20 năm tới? Lúc đó người tiêu dùng có thay đổi đáng kể về thói quen tiêu dùng sữa hay không? Ví dụ như một số nước trên thế giới ưa chuộng bơ và phô mai nhiều hơn, chiếm đến 60% tổng sản lượng. Con số này ở Việt Nam chỉ mới vài phần trăm.

Bà Mai Kiều Liên: 10-20 năm nữa, tiên tri chắc không dám. Tuy nhiên, tôi nghĩ ngành sữa Việt Nam vẫn phát triển. Thứ nhất về dân số, mỗi một năm có thêm một triệu trẻ em ra đời, đây cũng là một thị trường tiêu thụ rất tiềm năng.

Thứ hai, GDP luôn tăng trưởng, thu nhập cũng cao, sản phẩm sữa là sản phẩm thiết yếu, tốt cho sức khỏe sẽ tăng cao.

Một điểm nữa, mức tiêu thụ sữa ở Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với khu vực (Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc,…) nên ngành sữa vẫn còn cơ hội tăng trưởng.

Chi tiết về việc hợp tác với Kido, cụ thể mỗi bên sẽ đóng góp những tài sản nào, có bao gồm các thương hiệu sẵn có không?

Bà Mai Kiều Liên: Vinamilk (51%) và Kido (49%) sẽ thành lập liên doanh, ngành hàng kinh doanh gồm nước giải khát và đông lạnh.

Cả hai công ty mẹ sẽ đưa sản phẩm, dây chuyền sản xuất nước giải khác và đông lạnh vào liên doanh. Còn giá trị đưa vào sẽ có bên thứ ba đánh giá độc lập. Những thương hiệu sản phẩm do công ty mẹ đưa vào, vẫn duy trì thương hiệu hai bên có thế mạnh và cũng có những sản phẩm mới.

Biên lợi nhuận ròng Vinamilk đang cao, những yếu tố nào có thể ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận ròng trong tương lai. Ví dụ như các chuỗi bán lẻ hiện đại đang lớn mạnh hơn hay việc tăng mức sử dụng lượng sữa tươi trong nước có làm tăng giá thành sản xuất, dẫn đến giảm biên lợi nhuận ròng hay không?

Bà Mai Kiều Liên: Nhiều người cho rằng biên lợi nhuận của Vinmailk cao, thậm chí thuộc top đầu thế giới và cũng hỏi vì sao giá sữa cao.

Tôi xin khẳng định giá sữa ở Việt Nam không cao, nếu có cao thì chủ yếu ở giá sữa bột. Vinamilk vẫn tập trung giá chất lượng. Sản lượng càng nhiều, số tuyệt đối trên từng sản phẩm không cao, nhưng nếu có số lượng khổng lồ thì số tuyệt đối cao.

Về ảnh hưởng tiêu cực, sữa nguyên liệu trong nước của người dân cao hơn 30% so với thế giới, có ảnh hưởng đến biên lợi nhuận nhưng không đáng kể. Chất lượng cũng ngày càng cao.

Sản phẩm sữa organic đóng góp bao nhiêu vào doanh thu trong nước? Tình hình đón nhận sữa bột organic từ khi được tung ra?

Bà Mai Kiều Liên: Đây là mặt hàng mới và cũng là xu hướng của thế giới hiện nay. Lượng tiếp nhận sản phẩm này cũng khá tốt.

Có bao nhiêu phần trăm sản phẩm chuỗi lạnh tính đến thời điểm hiện tại? Vinamilk có cần sở hữu những chuỗi lạnh này không hay sẽ thuê ngoài?

Bà Mai Kiều Liên: Hiện các chuỗi lạnh hoàn toàn thuộc sở hữu của Vinamilk. Đúng ra tỉ suất lợi nhuận của ngành hàng lạnh cao hơn. Nhưng đối với Việt Nam, ngành hàng này rất khó vì thời tiết rất nóng.

Vinamilk mong muốn đáp ứng mọi nhu cầu, nhu cầu về sản phẩm này vẫn có nên công ty tiếp tục đầu tư, mở rộng, đặc biệt là sản phẩm sữa chua, sữa chua uống và kem.

Đại hội kết thúc với tất cả các tờ trình đều được thông qua. Bà Nguyễn Thị Thắm được bầu vào vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kì 2017-2021.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyên Ngọc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.