|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Indonesia đã sẵn sàng để bảo vệ ngành dầu cọ?

08:27 | 09/04/2019
Chia sẻ
The Jakarta Post đưa tin, chính phủ Indonesia đã thể hiện cam kết trong việc bảo vệ ngành dầu cọ của nước này khỏi chiến dịch chống lại thứ hàng hóa này do Liên minh châu Âu (EU) phát động.
Indonesia đã sẵn sàng để bảo vệ ngành dầu cọ? - Ảnh 1.

Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Indonesia năm 2015, nước này có 11,24 triệu ha đồn điền dầu cọ.

Tuy nhiên, Indonesia đã bỏ qua một số vấn đề nội bộ có thể góp phần củng cố chính sách chống dầu cọ của EU.

Việc thiếu vắng dữ liệu chính xác về các đồn điền dầu cọ và không có nhiều liên kết với các nhân vật chính trị của EU có thể cản trở nỗ lực của chính phủ Indonesia, theo nguồn tin trong ngành.

Ông Dono Boestami, Chủ tịch của Quĩ Dầu cọ Indonesia (BPDP-KS), đã tiết lộ gần đây tổ chức này chỉ có ba bộ dữ liệu về tổng lượng đất sử dụng cho ngành dầu cọ tại Indonesia, tất cả đều đến từ cơ quan nhà nước.

"Làm thế nào chúng tôi có thể có được một con số đúng về tổng sản lượng dầu cọ khi không biết tổng diện tích chính xác của các đồn điền? Không có gì bất ngờ nếu chúng tôi bị chỉ trích vì thiếu dữ liệu chính xác", ông nói tại một hội thảo dầu cọ tại Jakarta.

Ba cơ quan có thể cung cấp dữ liệu về dầu cọ, gồm Ủy ban Xóa bỏ Tham nhũng (KPK), Viện Thống kế Indonesia (BPS) và Bộ Nông nghiệp Indonesia, đã ghi nhận tổng diện tích đồn điền dầu cọ lần lượt là 20 triệu ha, 12 - 30 triệu ha và 14 triệu ha.

Phá rừng là một trong những vấn đề mà chính phủ Indonesia đã cố gắng giải quyết khi các nhóm môi trường và EU dùng vấn đề này để chỉ trích sản phẩm dầu cọ của họ.

Ông Dono cho biết có sự khác biệt giữa dữ liệu được cung cấp bởi các cơ quan nhà nước là do định nghĩa khác nhau về diện tích đồn điền. Chẳng hạn, KPK sử dụng số liệu trên các giấy phép dầu cọ, trong khi những phương pháp khác lại thu thập dữ liệu bằng hình ảnh vệ tinh.

"Khi chúng tôi có dữ liệu chính xác về số đồn diền dầu cọ, không ai có thể thách thức ngành này. Một khi dữ liệu chính xác, chúng tôi có thể biết nên ban hành loại chính sách nào [về tăng cường  kiểm soát]", ông Dono nói.

Ông cho biết thêm BPDP-KS gần đây đã hợp tác với BPS để sữa lỗi dữ liệu về sản lượng dầu cọ của Indonesia, theo đó ông hi vọng dữ liệu mới có thể được chính phủ xác nhận là dữ liệu chính xác một khi nó đã hoàn thành.

Dầu cọ, một trong những mặt hàng có giá trị nhất của Indonesia, đã phải đối mặt với một loạt các chiến dịch tiêu cực của EU, liên quan đến các vấn đề bền vững của khu vực này, trong nhiều năm qua. Indonesia tin rằng chiến dịch này chỉ đơn giản là một nỗ lực của Eu nhằm bảo vệ thâm hụt thương mại của khối.

Theo dữ liệu của Ủy ban châu Âu, xuất khẩu của Indonesia sang EU đạt mức 17,1 tỉ USD năm 2018, trong khi nhập khẩu của EU sang quốc gia Đông Nam Á ở mức 14,1 tỉ USD. Thặng dư thương mại với EU đã diễn ra trong ít nhất 4 năm qua.

Với tầm quan trọng của giá trị xuất khẩu sang EU, việc chính phủ Indonesia phải trả đũa lại lập trường chống dầu cọ của EU là điều cần thiết, theo ông Peter G. Gontha, cựu đại sứ kiêm nhân viên đặc biệt của Bộ Ngoại giao Indonesia.

Không tạo quan hệ ngoại giao với EU về dầu cọ 

Tuy nhiên, Indonesia lại thiếu các nỗ lực ngoại giao, đặc biệt là trong việc liên lạc với các thành viên Nghị viện châu Âu nhằm cho họ biết sự thật của ngành dầu cọ Indonesia.

"Chẳng hạn, chúng tôi không có văn phòng cho các vấn đề về dầu cọ ở châu Âu như Malaysia làm tại Brussels (văn phòng khu vực của Hội đồng dầu cọ Malaysia). Chúng tôi phải liên lạc với họ từ trên xuống, chơi golf và uống rượu với họ. Chúng tôi lại không làm những điều này", ông nói.

Theo ông Peter, Indonesia nên thúc đẩy Ủy ban Giám sát Cạnh tranh Kinh doanh (KPPU) điều tra nhà sản xuất Anh - Hà Lan PT Unilever Indonesa, vốn bị cáo buộc vẫn sử dụng dầu cọ Indonesia.

"KPPU nên điều tra Unilever. Quốc gia của công ty này đã nói không với dầu cọ nhưng Uniliver vẫn sử dụng dầu cọ Indonesia. Đó là một tiêu chuẩn kép", ông nói. Đồng thời, ông Peter còn cho biết thêm chính phủ Indonesia cũng có thể yêu cầu cơ quan chống độc quyền của châu Âu để điều tra vụ việc trên.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Nghị viện châu Âu khởi động một phiên họp nhằm cân nhắc Chỉ thị Năng lượng Tái tạo EU II (RED II) do Ủy ban châu Âu đệ trình vào ngày 13/3 vừa qua.

Nếu RED II được chấp thuận, EU - vốn là khách hàng dầu cọ lớn thứ hai của Indonesia - sẽ phân loại dầu cọ vào nhóm sản phẩm không bền vững và loại bỏ việc sử dụng dầu cọ trong nhiên liệu sinh học đế năm 2030.

Để đáp lại, Indonesia tuyên bố sẽ có hành động mạnh mẽ chống lại EU, chẳng hạn như báo cáo chính sách chống dầu cọ của EU lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Indonesia cũng đã đe dọa rút lại cam kết về biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải Luhut Binsar Pandjaitan vừa cho biết.

Một trong những thỏa thuận gần đây về biến đổi khí hậu mà Indonesia đã kí là Thỏa thuận Paris 2015 với 195 quốc gia khác, một thỏa thuận nhằm giữ cho tình trạng nóng lên toàn cầu không vượt quá 2 độ C.

"Nếu nói đến các vấn đề môi trường trong lĩnh vực dầu cọ, Mỹ có thể rút khỏi Thỏa thuận Paris và Brazil cũng có khả năng làm điều tương tự. Vì vậy, chúng tôi có thể cân nhắc việc rút khỏi thỏa thuận trên. Tại sao không?", ông Peter nói.

Indonesia, sở hữu 54% thị phần dầu cọ thô (CPO), là quốc gia sản xuất CPO lớn nhất thế giới với sản lượng trung bình 40 triệu tấn, trong khi Malaysia là nước đứng thứ hai.

Trả lời về vấn đề này, ông Vincent Guerrend - Đại sứ EU tại Indonesia và Brunei - gần đây cho hay EU không có vấn đề gì với việc Indonesia lên kế hoạch báo cáo chính sách của khối này lên WTO. Ông Guerrend còn cho rằng đó là cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp.

"Chúng tôi tin rằng tranh chấp thương mại này có thể được giải quyết một cách đúng đắn tại WTO. Chúng tôi cũng phủ nhận đang phân biệt đối xử với dầu cọ vì thực tế thuế nhập khẩu của EU đối với dầu cọ Indonesia chỉ là 5%, trong khi thuế này đối với dầu cọ Ấn Độ là 40%", ông Guerrend nói.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Trần Nam Thi