Indonesia đe dọa cấm hàng hóa châu Âu do tranh chấp về dầu cọ
Một người nông dân đang múc trái cọ cho vào giỏ tại tỉnh Riau, Indonesia. (Nguồn: Bloomberg)
Tranh chấp về dầu cọ giữa Indonesia và EU
Nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới đang xem xét phương pháp trên để bảo vệ lợi ích của gần 20 triệu người dân Indonesia bởi cuộc sống của họ gắn liền với mặt hàng này, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải Indonesia, ông Luhut Pandjaitan, nói với các phóng viên tại Jakarta hôm 20/3.
Bộ trưởng Pandjaitan gợi ý máy bay do các công ty châu Âu sản xuất có thể là một trong những mục tiêu tẩy chay của Indonesia, mặc dù nước này sẽ cần khoảng 2.500 máy bay trong hai thập kỉ tới.
"Có rất nhiều sản phẩm từ châu Âu mà chúng tôi cần", ông Pandjaitan nói. "Chúng tôi có 269 triệu dân tại Indonesia. Chúng tôi sở hữu một thị trường lớn".
Dầu cọ nổi lên như một điểm sáng trong cuộc chiến tranh thương mại tiềm tàng giữa EU và các nhà sản xuất Indonesia, Maylaysia, vốn chiếm khoảng 85% nguồn cung toàn cầu.
Ủy ban châu Âu tuần trước đã hạn chế các loại nhiêu liệu sinh học làm từ dầu cọ bởi điều này có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu năng lượng tái tạo của EU. Các biện pháp hạn chế EU đề xuất đã tác động tiêu cực tới giá dầu cọ, vốn đã giảm liên tiếp trong 5 quí.
Indonesia cũng đang lên kế hoạch đệ trình một đơn kiến nghị nhằm phản đối động thái của EU lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu EU phê chuẩn đề xuất trên, Bộ trưởng Kinh tế Indonesia, ông Darmin Nasution, nói.
Giá dầu cọ của Indonesia giảm do EU thắt chặt qui định liên quan đến nhiên liệu sinh học.
Dầu cọ không chỉ là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, giúp giảm đói nghèo của Indonesia mà còn là một tiêu chí quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững của nước này, ông Nasution nói.
Cần hai tháng để EU đưa ra quyết định chính thức
EU lập luận rằng qui định mới liên quan đến dầu cọ của khối này là tương thích với các qui định của WTO. Qui định này sẽ được theo dõi trong hai tháng trước khi các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu đưa ra quyết định có nên loại bỏ nó hay không. Nếu không vấp phải sự phản đối nào, qui định mới sẽ được công bố trên tạp chí chính thức của EU và trở thành luật.
Luật năng lượng tái tạo của EU buộc Ủy ban châu Âu phải đưa ra các tiêu chí bền vững cho dầu cọ trong nguồn nhiên liệu sinh học của khối này năm 2018. Luật trên qui định rằng việc sử dụng thực phẩm không bền vững và nhiêu liệu từ thực phẩm nên được hạn chế từ năm 2019 và loại bỏ dần vào năm 2013, sau đó tiến tới lệnh cấm vào năm 2030.
"Chúng tôi lo ngại rằng hành động phân biệt đối xử này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương giữa Indonesia và EU cũng như làm trì hoãn việc kí kết Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia - EU", ông Nasution tuyên bố.
Nạn phá rừng và biến đổi khí hậu liên quan thế nào?
Động thái của EU được thực hiện theo một đạo luật do 28 quốc gia thành viên thông qua vào năm 2018, khi Nghị viện châu Âu thúc đẩy việc hạn chế sử dụng dầu cọ vì lo ngại hoạt động sản xuất dầu cọ sẽ gây ra nạn phá rừng và biến đổi khí hậu.
EU muốn dẫn đầu cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu và đã đưa ra các mục tiêu cứng rắn nhằm giảm khí thải nhà kính - nguyên nhân của biến đổi khí hậu. EU đặt mục tiêu giảm lượng khí thải xuống ít nhất 40% vào năm 2030 so với mức của năm 1990, tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo lên 32% và tăng hiệu quả năng lượng lên 32,5%.
Indonesia sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các quốc gia sản xuất dầu cọ khác trong khuôn khổ Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để thúc đẩy sự bền vững của dầu cọ và xây dựng một lập trường chung chống lại hành động phân biệt đối xử của Ủy ban châu Âu, ông Darmin nói.
Theo số liệu chính thức, xuất khẩu dầu cọ đã mang lại cho Indonesia 17,8 tỉ USD vào năm 2018 và ngành sản xuất dầu cọ đóng góp khoảng 3,5% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia Đông Nam Á.