Liệu Grab có thâu tóm một sàn TMĐT để cạnh tranh với GoTo trong tương lai?
Khi Gojek và Tokopedia đã chính thức sáp nhập, một câu hỏi đặt ra dành cho đối thủ lớn nhất Grab. Liệu Grab có đi theo chiến lược tương tự và tìm kiếm một sàn thương mại điện tử cho hệ sinh thái siêu ứng dụng của mình? Động lực cho điều này là rất rõ ràng: Quy mô của ngành thương mại điện tử.
Nếu Grab thực tế đang tính đến điều này, kỳ lân thương mại điện tử Bukalapak có thể là một ứng viên tiềm năng. Tin đồn về việc Grab và Bukalapak có thể sẽ về chung một nhà còn dấy lên sau hợp tác gần đây giữa Grab và Emtek, công ty "chống lưng" cho Bukalapak và ví điện tử Dana, theo TechInAsia.
Dù vậy, một nguồn tin thân cận nói với TechInAsia rằng sẽ có ít khả năng Grab cạnh tranh trực tiếp ở mảng thương mại điện tử vì mô hình kinh doanh này có "tỷ lệ đốt tiền rất cao".
Shopee của Sea là một ví dụ. Cho đến thời điểm hiện tại, Shopee vẫn có động lực phát triển là nhờ nguồn lực về tài chính đến từ mảng game (Garena) của Sea. "GoTo hiện chưa có lãi, vì thế thương mại điện tử chỉ làm con đường tiến tới có lợi nhuận ngày càng khó khăn hơn", người này nói thêm.
Thế nhưng, không thể phủ nhận, thương mại điện tử vẫn mang đến cho các đối thủ của Grab lợi thế nhất định.
Thương mại điện tử đem đến lợi thế cho các siêu ứng dụng như thế nào?
Những số liệu của ngành thương mại điện tử không nói dối. Tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) của thương mại điện tử Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ có quy mô gấp 4 lần mảng gọi xe và di chuyển cho tới năm 2025, theo báo cáo eConomy SEA 2020 của Google, Temasek, và Bain & Company.
Thế nhưng có những lý do khác giải thích vì sao thương mại điện tử lại hấp dẫn với các siêu ứng dụng.
TMĐT tăng cơ hội thu hút và bán chéo dịch vụ tới khách hàng, ông Roshan Raj, đối tác tại công ty nghiên cứu RedSeer, nói. Bên cạnh đó, TMĐT cũng mang đến nhiều thông tin về chân dung khách hàng và thói quen tiêu tiền của họ.
Ông Aldi Hartanto, phó chủ tịch phụ trách đầu tư tại MDI Ventures, cũng có chung quan điểm này. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng các giải pháp thanh toán số sẽ đặc biệt được hưởng lợi từ sàn TMĐT. Điều này được thể hiện qua trường hợp của Ovo, nền tảng thanh toán số tại Indonesia. Jason Thompson, CEO Ovo, từng nói với rằng số lượng và giá trị giao dịch của công ty đã tăng mạnh kể từ khi hợp tác với Tokopedia.
Bên cạnh thanh toán số, điểm mạnh cốt lõi khác mà Grab có thể bán chéo hoặc kết hợp với TMĐT là logistics. Giao hàng đang dần trở thành mảng kinh doanh cực kỳ quan trọng của Grab khi đóng góp tới 49% tỷ trọng doanh thu trong năm 2020. So với các công ty logistics bên thứ 3, điểm mạnh của Grab là khả năng giao hàng tức thời.
Dĩ nhiên, một quan ngại lớn là tương lai bất định của Ovo cùng Tokopedia sau khi GoTo thành lập. Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với Ovo, tuy nhiên trong vài tuần trở lại đây, Tokopedia đang bắt đầu thưởng cho người dùng TokoPoints thay vì tích điểm Ovo như trước kia.
"Nếu bị Tokopedia bỏ rơi, Ovo sẽ mất khả nhiều lưu lượng sử dụng. Vì thế, để bù đắp cho thực tế này, họ nhiều khả năng sẽ phải tìm cơ hội ở các công ty khác", ông Hartanto nói.
Hợp tác với các công ty TMĐT không phải vấn đề với cả Grab hay Ovo khi cả hai công ty đều có cách tiếp cận hệ sinh thái mở. Ở Indonesia, dịch vụ giao hàng GrabExpress đang có mặt trên Bukalapak, Shopee, và Tokopedia. Trong khi đó, Ovo được chấp nhận trên Blibli, Lazada, và Zalora.
Vì tất cả những lý do nói trên, TechInAsia nhìn nhận có thể xem Grab là một công ty hoạt động trong lĩnh vực TMĐT trong vai trò một công ty hỗ trợ. Chiếc lược này cho phép Grab hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh TMĐT ngày càng nóng lên trong khu vực, dù ai thắng ai thua.
"Cách tiếp cận của Grab với TMĐT là hợp tác và hỗ trợ. Tôi nghĩ rằng nó mở ra nhiều cơ hội hơn cho Grab thay vì trực tiếp tham gia mảng này", một nguồn tin thân cận với ngành chia sẻ.
Chi phí vượt lợi ích
Có thể Grab vẫn muốn tìm hiểu ý tưởng sáp nhập với một sàn TMĐT. Sau tất cả, hai đối thủ lớn nhất của nó trong khu vực là GoTo và Sea đều đã có cả mảng thương mại điện tử và thanh toán số.
Dù vậy, với Grab, chi phí đầu tư cho TMĐT có thể sẽ đè bẹp tất cả lợi ích mà nó mang lại. Đến đây, hãy cùng quay lại vấn đề "đốt tiền" của ngành TMĐT. Vì sao Grab lại muốn dành nguồn lực quý giá để vào một ngành vốn không phải lợi thế của mình?
Thực tế, chuyên gia Raj của Redseer nhận định rằng các mảng kinh doanh hiện tại của Grab đều rất hấp dẫn trong dài hạn và Grab có thể trụ vững trên thị trường bằng cách chỉ tập trung vào các dịch vụ đã có mà không cần phải gia nhập mảng TMĐT.
Lấy Bukalapak là một ví dụ. Ông Hartanto nói rằng thách thức lớn nhất của sàn TMĐT này luôn là vốn. Vị chuyên gia này nhận định rằng trường vốn luôn là yếu tố sống còn cho TMĐT vì không có nhiều điểm khác biệt về sản phẩm và dịch vụ giữa các sàn giao dịch. Để giành giật người dùng và "khoá" họ vào hệ sinh thái luôn đòi hỏi "đốt tiền".
Khác với Sea, Grab không có "máy bơm tiền" Garena. Vì thế, chuyện chọn trận chiến để giam gia là cực kỳ quan trọng. Một người phát ngôn của Grab nói rằng tương lai của logistics cho TMĐT là giao hàng cùng ngày hoặc giao hàng ngay (dưới 2 – 3 giờ đồng hồ). Thực tế này tạo ra cơ hội rất lớn chp Grab nhờ mạng lưới đối tác tài xế khổng lồ trên cả khu vực.
Một mô hình thương mại điện tử khác cũng sẽ phù hợp với thế mạnh của Grab là mua theo nhóm cộng đồng, vốn rất phổ biến với ngành hàng đồ tươi sống ở Trung Quốc và cũng đang dần lan sang Đông Nam Á. Với mô hình này, những người sống cùng trong một khu vực có thể mua theo nhóm số lượng lớn để nhận được chiết khẩu cao hơn.
Grab có thể mạnh ở mô hình này do có hàng triệu nhà bán hàng nhỏ trên nền tảng cùng với đó là đội ngũ giao hàng theo yêu cầu có thể giao hàng mỗi ngày.