|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Liệu các nền kinh tế châu Á có sống sót qua dịch virus corona?

09:50 | 12/02/2020
Chia sẻ
Các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhà máy và du khách Trung Quốc đã bắt đầu cảm thấy tác động tiêu cực từ virus corona. Một số quốc gia cũng đang thực hiện các biện pháp để ngăn chặn ảnh hưởng của dịch bệnh này tới nền kinh tế.
Liệu nền kinh tế châu Á có sống sót khỏi dịch virus corona? - Ảnh 1.

Khách du lịch đi bộ qua khu phố Tàu tại Bangkok. Ngân hàng trung ương Thái Lan đã cắt giảm lãi suất chuẩn để giúp nền kinh tế vượt qua dịch virus corona đang tàn phá ngành du lịch của nước này. Ảnh: AP

Đối với bà Eilynn Lew - người sáng lập công ty thiết bị phòng tắm Eilumina, đầu năm thường là khoảng thời gian bận rộn. Bà phải tham dự các triển lãm thương mại và kí kết các thỏa thuận kinh doanh ở châu Âu, rồi vội vã sản xuất và vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, năm nay bà phải ở lại Singapore và tự hỏi liệu mình có thể hoàn thành các đơn hàng hay không, vì các nhà máy Trung Quốc mà bà sử dụng đang đóng cửa.

Theo South China Morning Post (SCMP), cuộc sống hàng ngày và hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chính quyền nước này cố gắng hạn chế các trường hợp lây nhiễm từ người sang người của virus corona.

Một số công ty đã hoạt động trở lại. Những công ty khác nói rằng họ sẽ tiếp tục hoạt động sau khi kết thúc kì nghỉ Nguyên đán kéo dài.

Nhưng với các báo cáo về ca nhiễm bệnh và tử vong vẫn gia tăng hàng ngày, các doanh nhân như bà Lew lo lắng về việc khi nào mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Bà nói: "Nếu các nhà máy không quay trở lại hoạt động sớm, chúng tôi sẽ phá sản".

Viễn cảnh tồi tệ nhất đối với bà Lew là sản lượng của các nhà máy không thể theo kịp nhu cầu, và bà sẽ mất doanh thu và phải bỏ ra tới 80.000 đô la Singapore (tương đương 58.600 USD) tổng chi phí mỗi tháng. Bà nói: "Chúng tôi chỉ có thể chờ đợi và xem xét tình hình chứ không thể làm gì nhiều".

SCMP đưa tin trên khắp châu Á, nỗi lo về gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng đang ngày càng tăng. Nhà phân tích Nonarit Bisonyabut của Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan cho biết nếu nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, Thái Lan cũng sẽ bị ảnh hưởng, vì Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nước này. 

Các mặt hàng của Thái Lan như máy tính và linh kiện điện tử, sản phẩm hóa học, cao su và nhựa sẽ không thể bán được nhiều như trước nữa.

New Zealand cũng đã có các báo cáo về việc tạm dừng xuất khẩu gỗ, và công nhân buộc phải nghỉ ở nhà. Cùng lúc đó, các chuyến hàng tôm hùm và tôm càng - những mặt hàng thường có nhu cầu cao từ Trung Quốc đại lục trong dịp Tết Nguyên đán - đã phải hoãn lại.

Virus corona đã khiến hơn 42.000 người mắc bệnh và trên 1.000 người chết, vượt xa đợt bùng phát SARS năm 2003.

Trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của dịch virus corona, Trung Quốc đã đóng cửa một số thành phố và cấm các nhóm du lịch nước ngoài. Nhiều các quốc gia khác như Mỹ, Singapore và Australia cũng đang từ chối khách du lịch từ Trung Quốc đại lục .

Trung Quốc là một gã khổng lồ trong nền kinh tế toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP năm 2018 của Trung Quốc đạt gần 14.000 tỉ USD - khoảng 1/5 GDP toàn cầu dựa trên ngang giá sức mua (PPP).

Và với 68 triệu khách Trung Quốc đi du lịch quốc tế năm ngoái, nhiều quốc gia đang phải chuẩn bị cho sụt giảm mạnh đến ngành du lịch, dịch vụ và sản xuất. Thị trường chứng khoán đã bị ảnh hưởng.

Liệu các nền kinh tế châu Á có sống sót qua dịch virus corona? - Ảnh 2.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm điểm giữa lo ngại về tác động của dịch virus corona đối với tăng trưởng kinh tế. Ảnh: EPA.

Ông Warwick Mckibbin - chuyên gia kinh tế của Đại học Quốc gia Australia - ước tính tác động toàn cầu từ dịch virus corona sẽ lớn hơn ba đến bốn lần so với thiệt hại 40 tỉ USD của SARS vào năm 2003. Khi đó GDP của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 9% GDP toàn cầu.

Hiện tại triển vọng kinh tế của nhiều nước cũng thấp hơn so với lúc trước, do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là một lực cản đối với tăng trưởng toàn cầu.

Fitch Ratings cho biết nếu dịch virus corona (được báo cáo lần đầu vào ngày 31/12 năm ngoái) kéo dài trong ba tháng, tác động kinh tế của nó sẽ nghiêm trọng hơn so với SARS. Nguyên nhân là việc phong tỏa các thành phố của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến ngành dịch vụ.

Các nhà nghiên cứu của Nomura cho rằng tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc trong quí I năm nay có thể sẽ giảm "lớn hơn mức giảm 2 điểm phần trăm trong đợt bùng phát SARS". Các nhà kinh tế của Bloomberg thì dự đoán mức tăng trưởng quí I sẽ giảm còn 4,5%.

Trong một báo cáo hồi tháng 1, các nhà nghiên cứu của Maybank Kim Eng cho biết trong ASEAN, Singapore và Thái Lan có khả năng chịu thiệt hại nặng nề nhất, vì hai nước này phụ thuộc nhiều vào thương mại và du lịch Trung Quốc hơn. Tác động tới Malaysia và Việt Nam có thể nhỏ hơn, và Indonesia và Philippines ít bị ảnh hưởng nhất.

Rắc rối cho ngành du lịch

Theo SCMP, sự bùng phát của virus corona có ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch, vì Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về khách du lịch nước ngoài. Trung Quốc là nước có nhiều người dân đến du lịch Thái Lan nhất. Khoảng 11 triệu người Trung Quốc đã đến thăm đất nước này vào năm ngoái, tạo ra thu nhập 550 tỉ baht (17,6 tỉ USD). 

Tuần trước chính phủ Thái Lan đã phê duyệt một số biện pháp - bao gồm giảm thuế - cho các công ty kinh doanh lữ hành. Đồng thời Thái Lan cũng đẩy mạnh các chiến dịch du lịch tại những thị trường mới nổi khác để đối phó với việc Trung Quốc đình chỉ người dân du lịch nước ngoài.

Tại Australia, Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg đã cảnh báo rằng virus corona sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế. Ông nói rằng virus corona khiến ngành du lịch nước này mất 1 tỉ AUD (668 triệu USD) mỗi tháng. Các ngành công nghiệp khác cũng chịu thiệt hại, ví dụ như ảnh hưởng đến số sinh viên quốc tế và hoạt động xuất khẩu thủy sản.

Tại Nhật Bản, một phần ba số khách du lịch nội địa của nước này đến từ Trung Quốc và chiếm gần 40% chi tiêu du lịch. Một nhà kinh tế đã dự báo mức thiệt hại gần 200 tỉ yen (1,85 tỉ USD).

Tại Singapore, chính quyền cho biết lượng khách du lịch Trung Quốc đã giảm 80% kể từ khi Trung Quốc áp đặt các hạn chế đối với du lịch ra nước ngoài. Singgapore đang chuẩn bị một gói kích thích tài chính để đối phó với tác động của virus corona. 

Thành phố này đã công bố một loạt các biện pháp hỗ trợ ngành du lịch, bao gồm miễn lệ phí giấy phép cho khách sạn, đại lí du lịch và hướng dẫn viên. Các bộ trưởng đã hứa ngân sách Singapore năm 2020 (công bố vào 18/2) sẽ giúp đỡ nhiều hơn các công ty  hàng không và hoạt động kinh doanh tại sân bay. Singapore cũng sẽ tăng tốc triển khai các dự án giao thông và cơ sở hạ tầng lớn.

Điểm bùng phát?

Ông Alex Feldman - chủ tịch và giám đốc điều hành của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-ASEAN, cho biết các doanh nghiệp Mỹ đang lo lắng về tác động kinh tế của dịch virus corona.

Ông nói: "Như những gì chúng ta rút ra được từ cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, các chuỗi cung ứng không thể được phát minh lại chỉ sau một đêm. Doanh nghiệp không thể chỉ nhấc một nhà máy trị giá hàng trăm triệu hoặc hàng tỉ USD và đặt nó xuống nơi khác". 

"Cần thời gian để xây dựng nhà máy, mua đất, xin giấy phép. Vì vậy, dịch bệnh càng kéo dài, nó sẽ gây ra nhiều tác động hơn. Ngay bây giờ cũng đã có những ảnh hưởng từ virus corona".

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng dịch virus corona sẽ chỉ có tác động ngắn hạn đối với các nền kinh tế châu Á. Nhà phân tích người Thái Lan Nonarit cho biết ông dự kiến tình hình sẽ được kiểm soát trong 6 tháng. 

Ông Nonarit nói :"Mặc dù virus corona dễ lây lan hơn so với SARS, nhưng có nguy cơ tử vong thấp hơn. Và chính phủ Trung Quốc đã chia sẻ nhiều thông tin hơn so với cuộc khủng hoảng SARS".

Bà Aksornsri Phanishsarn - phó giáo sư kinh tế tại Đại học Thammasat - cho biết thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung được kí vào tháng trước sẽ tạo tiền đề cho mối quan hệ suôn sẻ hơn giữa hai nước này và "giảm thiểu tác động của dịch virus corona".

Tuy nhiên, thống đốc ngân hàng trung ương Thái Lan đã chỉ ra "tính khẩn cấp của tình hình" và quyết định cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỉ lục.

Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) vẫn duy trì triển vọng chính sách của mình nhưng cho biết "có đủ phòng bị" để giảm giá nội tệ phù hợp với điều kiện kinh tế suy yếu.

Liệu các nền kinh tế châu Á có sống sót qua dịch virus corona? - Ảnh 3.

Khách du lịch đeo khẩu trang tại sân bay Singapore. Ảnh: EPA.

Theo SCMP, mặc dù không rõ khi nào sự lây nhiễm sẽ lên đến đỉnh điểm, các nhà kinh tế chỉ ra rằng nhiều chính phủ đang thực hiện kiểm soát biên giới. Họ nói đây có thể là một dấu hiệu tích cực cho thấy virus corona có thể được ngăn chặn.

Nhà kinh tế học Song Seng Wun của ngân hàng CIMB nói rằng ông mong sẽ có sự phục hồi kinh tế sắc nét, và "Cầu mong rằng chúng ta có thể kiểm soát virus corona trong quí I và thấy sự phục hồi trong quí II".

Trong đại dịch SARS, tác động tiêu cực đến GDP chủ yếu chỉ giới hạn trong một quí. Nhưng nhà kinh tế học Irvin Seah của ngân hàng DBS nói rằng giờ vẫn còn quá sớm để dự đoán điểm kết thúc của dịch virus corona, vì tình hình hiện tại rất dễ thay đổi.

Ông Irvin nói: "Chúng ta không biết nó sẽ kéo dài bao lâu hoặc sẽ nghiêm trọng đến mức nào", và thêm rằng sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh tại địa phương sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân, từ đó làm tổn hại đến chi tiêu của người tiêu dùng, nhu cầu trong nước và năng suất do công nhân có thể phải ở nhà. 

"Nếu vậy, tác động kinh tế sẽ lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta đang thấy. Vì đây sẽ không chỉ còn là vấn đề của Trung Quốc, mà sẽ trở thành một vấn đề trong khu vực hoặc toàn cầu".

Cùng lúc đó, các công ty châu Á có hoạt động tại Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc chịu đựng và cố gắng giữ thái độ tích cực.

Cityneon - công ty điều hành các triển lãm tương tác trên toàn cầu dựa trên các bộ phim bom tấn như Avengers đã dự định sẽ khai mạc Triển lãm Thế giới Jurassic tại Thành Đô (Trung Quốc) trong kì nghỉ Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên triển lãm đã phải đóng cửa giống như những điểm thu hút khách tham quan lớn khác ở Trung Quốc. Giám đốc điều hành Ron Tan cho biết công ty may mắn có thương hiệu trên toàn cầu để giảm thiểu tác động từ virus corona.

Ông Francis Ng - chủ sở hữu House of Seafood (có trụ sở tại Singapore) cho biết công ty này đã đóng cửa hai cửa hàng tại Trung Quốc kể từ ngày 25/1. Ông cho biết: "Mỗi ngày không mở cửa khiến tôi tốn 10.000 SGD cho tiền thuê nhà, tiền nhân công, và mọi khoản khác".

Điểm sáng duy nhất đến từ một doanh nghiệp phụ mà ông mở từ năm ngoái: giao cua đông lạnh bọc kín trong chân không, có thể ăn sau khi để 8 phút trong lò vi sóng. 

Ông cho biết: "Vì nhiều người đang đặt hàng trực tuyến, số đơn hàng của công ty này đã tăng gấp 1.000 hoặc 2.000 lần. Vì vậy, nó là kế hoạch dự phòng của tôi".

Giang