|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Liên minh, chuyển đổi, bứt phá để vượt khủng hoảng COVID-19 tăng trưởng bền vững

16:08 | 22/08/2020
Chia sẻ
Theo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chuyển đổi và ứng dụng công nghệ sâu vào các hoạt động không chỉ giúp giải quyết những bài toán cấp thiết giữa cơn bão COVID-19 mà còn giúp các doanh nghiệp tăng trưởng bền vững trong khó khăn.

Trong nguy vẫn có cơ

Tại diễn đàn "Từ sống sót đến thịnh vượng" với chủ đề "Vững vàng vượt khủng hoảng" do FPT tổ chức ngày 20/8, gần 200 lãnh đạo doanh nghiệp đã cùng chia sẻ, thảo luận những vấn đề trọng yếu và giải pháp ưu tiên hàng đầu dựa trên chính những kinh nghiệm thực tế phòng và chống "bão COVID-19" của các doanh nghiệp trong thời gian qua.

Tại diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, chia sẻ: "Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân thì công ty chính là máu thịt. Lúc này, đứng trước cuộc khủng hoảng thiên niên kỉ mới có một lần, các doanh nghiệp cần phải quyết chiến và mạnh mẽ hơn nữa. 

Chiến đấu đấy không phải chỉ cho chính doanh nghiệp mình, gia đình mình mà còn cho sứ mệnh bảo vệ cho các trụ cột kinh tế quốc gia".

Liên minh, chuyển đổi, bứt phá để vượt khủng hoảng  COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ tại diễn đàn. (Ảnh: Như Huỳnh).

Theo lãnh đạo của các doanh nghiệp tham dự, đại dịch thiên niên kỉ COVID-19 đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp. 

Khảo sát nhanh tại sự kiện cho thấy, 85% lãnh đạo doanh nghiệp dự báo ảnh hưởng của cơn bão COVID-19 sẽ kéo dài từ nay đến hết năm 2021 và thậm chí có thể dài hơn. 

Tuy nhiên, trong số này, có trên 50% lãnh đạo cho rằng "trong nguy vẫn có cơ". Các doanh nghiệp cần đối mặt khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội. Trong đó, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ là một con đường không thể khác.

Và tại thời điểm này, 5 vấn đề trọng yếu nhất đối với các doanh nghiệp là đổi mới sáng tạo chuyển đổi tổ chức, tăng trưởng doanh thu, bảo vệ người lao động, duy trì nguồn vốn lưu động và giảm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Những giải pháp ưu tiên cấp bách

Để giải quyết những vấn đề này, lãnh đạo các doanh nghiệp đã thống nhất đưa ra những giải pháp ưu tiên cấp bách.

Cụ thể, một là phát huy vai trò và tinh thần của người lãnh đạo. Hơn lúc nào hết tại thời điểm này, người lãnh đạo doanh nghiệp phải khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình, không chỉ trong tư duy, trong xử lí tình huống mà trên hết, còn phải là người truyền cảm hứng và kiên tâm. 

Cho dù các bối cảnh kinh doanh khác nhau, mô hình vận hành mỗi doanh nghiệp và chiến lược kinh doanh tương ứng khác nhau, nhưng điều quan trọng hơn cả là cần một nhà lãnh đạo kiên tâm để đưa doanh nghiệp từ "sống sót đến thịnh vượng". 

Để đảm bảo sự sống còn tiến đến hưng thịnh của doanh nghiệp, nhà lãnh đạo cần phải hành động quyết đoán, kịp thời, phải đưa ra được những chiến thuật, quyết định trong ngắn hạn nhưng trong tầm nhìn dài hạn. 

Bên cạnh đó, trong giai đoạn khó khăn này, nhà lãnh đạo cũng cần trao gửi niềm tin, truyền cảm hứng "chiến đấu" cho đội ngũ nhân viên của mình để cùng hướng đến một mục tiêu chung giúp doanh nghiệp vững vàng vượt qua khủng hoảng.

Hai là sáng tạo, đổi mới bằng công nghệ. Đây là thời điểm phải đẩy mạnh sáng tạo, đổi mới lên tột bậc. Nếu trước đây số hóa, tự động hóa chỉ là định hướng của doanh nghiệp thì hiện nay số hóa, tự động hóa phải được xem là việc không thể không làm. 

Phải đẩy nhanh quá trình số hóa để tạo ra những thay đổi, mang lại giá trị mới và lợi nhuận hiệu quả nhất cho doanh nghiệp. Các thử nghiệm có thể được thực hiện liên tục trong thời gian ngắn, vài tuần hoặc một tháng để liên tục rút kinh nghiệm. 

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú chia sẻ chẳng hạn như với ngành nuôi và chế biến tôm, tỉ lệ nuôi tôm thành công thông thường là 50-60%, để đạt được hiệu quả cao nhất cần nâng tỉ lệ này lên 90-95% thậm chí là 100%. 

Muốn làm được điều này không có cách nào khác là ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào chuỗi giá trị nuôi và chế biến tôm.

Liên minh, chuyển đổi, bứt phá để vượt khủng hoảng  COVID-19 - Ảnh 2.

Các lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn. (Ảnh: Như Huỳnh).

Ba là tập trung phát triển nguồn nhân lực. Con người là tài sản giá trị nhất đối với một doanh nghiệp. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp và khó lường của dịch COVID-19, doanh nghiệp cần phải bảo toàn nguồn nhân lực, quan tâm và nuôi dưỡng đội ngũ nhân tài; đồng thời, triển khai các giải pháp giúp tăng năng suất lao động. 

Tăng năng suất sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm được giá thành sản phẩm đáp ứng được xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng hiện nay. Và muốn tăng năng suất lao động thì phải tăng thu nhập để kích thích tinh thần cán bộ nhận viên. 

Cùng với việc tăng năng suất lao động là phải triển khai các chương trình đào tạo nội bộ để tạo ra những đội ngũ nhân viên không ngừng học hỏi, sẵn sàng có những sáng kiến sáng tạo để tìm ra cơ hội giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. 

Bên cạnh đó, ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc phụ trách chuyển đổi số của FPT cho rằng, đối với bài toán tăng trưởng doanh thu, việc tái cấu trúc lại qui trình kinh doanh, đầu tư hạ tầng, để đẩy mạnh bán hàng online đang mang lại những hiệu quả rõ rệt. 

Thực tế tại FPT Retail, ông Việt Anh chia sẻ doanh thu mảng online trong giai đoạn COVID-19 đã tăng trưởng vượt bậc hay khách hàng của FPT là một công ty Gas tại Nhật đã tăng trưởng 10% doanh thu. Đồng thời, việc ứng dụng nền tảng online cũng sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo việc duy trì kết nối với nhân viên.

Về vấn đề đảm bảo nguồn vốn, sáng tạo trong vận hành, đại diện FPT cho rằng ứng dụng các giải pháp công nghệ tự động hóa sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, gia tăng hiệu suất, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Nhiều khách hàng của FPT đã ứng dụng các giải pháp tự động hóa như FPT SPro, FPT.AI, akaBot… giúp tiết kiệm lên tới 60% chi phí, đồng thời gia tăng đến 80% năng suất.

Đối với bài toán gián đoạn chuỗi cung ứng, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa) cho hay việc đưa vào ứng dụng nền tảng Hội chợ trực tuyến sẽ giúp kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước một cách dễ dàng. 

Cụ thể, Hawa đã đưa vào ứng dụng nền tảng này với 50 showroom đang hoạt động và dự kiến đến cuối năm con số này sẽ lên mức 100 showroom.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

Như Huỳnh