|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lí do Mexico kiên quyết chỉ cắt giảm 100.000 thùng dầu/ngày

07:30 | 21/04/2020
Chia sẻ
Theo trang mạng revistafal.com, có những yếu tố đã thúc đẩy Chính phủ Mexico giành được chiến thắng ngoại giao trong việc bảo vệ chính sách năng lượng của mình trước thế giới.
Lí do Mexico kiên quyết chỉ cắt giảm 100.000 thùng dầu/ngày - Ảnh 1.

Một trạm xăng của Tập đoàn dầu khí quốc gia Mexico (Pemex) tại Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên minh giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, gọi là OPEC+, sau cuộc dàn xếp với Mexico, ngày 12/4 đã đạt được thỏa thuận giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng/ngày trong hai tháng 5-6/2020. 

Đây là nỗ lực nhằm vực dậy giá “vàng đen” trên thị trường thế giới trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan trên thế giới. Lý do đằng sau việc Mexico chỉ cam kết cắt giảm 100.000 thùng/ngày thay vì 400.000 thùng/ngày theo yêu cầu ban đầu của OPEC+ dựa trên các yếu tố sau:

Yếu tố nội tại

Trong quý I/2020, Ủy ban dầu khí quốc gia Mexico đã phê duyệt 13 dự án khoan giếng dầu mới trên đất liền, vùng nước nông và nước sâu. 

Chiến lược mới của Mexico ưu tiên các dự án trên đất liền và vùng nước nông bởi tại các khu vực này Tập đoàn dầu khí quốc gia Mexico (Pemex) có nhiều kinh nghiệm hơn và tin rằng sẽ có nhiều dầu mỏ hơn. 

Mục đích của các dự án này là nhằm tăng trữ lượng dầu mỏ của nước này, vốn đã giảm đáng kể trong vòng 15 năm qua, ở mức 7 tỷ thùng vào năm 2019.

Trong số mười mục tiêu chính của Kế hoạch thể chế chiến lược của Pemex, sau quy định tài chính, việc tăng trữ lượng dầu đã kiểm chứng và nâng sản lượng là hai mục tiêu ưu tiên để duy trì sự bền vững của tập đoàn nhà nước này. 

Sự ổn định về số lượng giếng, trữ lượng được kiểm chứng và sản lượng dầu thô cho phép Pemex tìm kiếm sự cân bằng.

Mexico, giống như bất kỳ quốc gia dầu mỏ nào khác, không chỉ quan tâm đến giá dầu do nước này sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu, mà còn cả giá trị mà mặt hàng chiến lược này mang lại. 

Dầu mỏ không những là một thành phần thiết yếu để đảm bảo an ninh năng lượng mà còn là một tiêu chí không thể thiếu để thực hiện các cam kết quốc tế của nước này với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khi Mexico trở thành thành viên vào năm 2018.

Theo báo cáo Kế hoạch kinh doanh của Pemex, từ năm 2012 đến 2019, số lượng giếng dầu hoạt động đã giảm đáng kể, từ 1.201 giếng xuống chỉ còn 319 giếng (riêng năm 2017 chỉ có 55 giếng hoạt động), ảnh hưởng trực tiếp đến sự sụt giảm về sản lượng dầu thô, vốn là một vấn đề tồn tại trong suốt 145 năm qua.

Năm 2019, Pemex đạt sản lượng bình quân 1,67 triệu thùng/ngày, giảm 7,3% so với năm 2018. Sản lượng sụt giảm khiến tỷ trọng đóng góp vào GDP giảm và Pemex chịu khoản nợ khổng lồ lên hơn 100 tỷ USD.

Chính phủ Mexico đang thử nghiệm những bước đầu tiên của chính sách năng lượng mới, trong đó tập trung giải cứu Pemex để biến tập đoàn này trở thành một phần sức mạnh kinh tế trong tương lai và đảm bảo mục tiêu tự chủ năng lượng. 

Những bước đi này bắt đầu với cuộc chiến chống trộm cắp nhiên liệu từ năm 2019, và hiện vẫn tồn tại trong các kịch bản quốc tế thông qua vị trí của Mexico trong cuộc họp với OPEC+.

Trong tư duy chiến lược của Mexico, bất chấp các điều kiện bấp bênh của Pemex và nhiều thiếu sót cần giải quyết, tập đoàn này vẫn tạo ra các công cụ duy trì một phần cơ sở kinh tế của Mexico. Không có Pemex, ngành công nghiệp năng lượng sẽ không chỉ rơi vào tay nước ngoài mà Mexico sẽ mất nguồn thu khoảng 35 tỷ USD hàng năm.

Yếu tố bên ngoài

Do tình hình cụ thể của Pemex, có thể hiểu vì sao Mexico đã từ chối yêu cầu của OPEC+ cắt giảm sản lượng 400.000 thùng/ngày và thay vào đó chỉ giảm 100.000 thùng/ngày. Mexico cần tiền để tiếp tục “giải cứu” Pemex. 

Do đó, việc giảm sản lượng dầu tương đương với một quốc gia sản xuất hơn 12 triệu thùng/ngày là không công bằng.

Tuy nhiên, cần phải liên kết yếu tố nội bộ với yếu tố bên ngoài. Khi Mexico tuyên bố Mỹ sẽ cắt giảm thêm 300.000 thùng/ngày bù vào số còn thiếu để đạt được thỏa thuận toàn cầu với OPEC+, trên thực tế, Chính phủ Mexico đã thể hiện với “người láng giềng phía Bắc” sự khẩn cấp nhằm đạt được thỏa thuận sản lượng. Nếu không có những nỗ lực này, kịch bản suy thoái sâu hơn sẽ xuất hiện đối với chính Mexico và cả Mỹ.

Mặc dù Iran đề nghị rút lại thỏa thuận mà không có Mexico, nhưng điều này sẽ tạo ra một ngoại lệ không hay bởi trong tương lai, mỗi quốc gia có thể đưa ra những lý do tương tự mà Mexico đã làm để ngăn chặn các thỏa thuận tiếp theo. 

Vì vậy, trong thực tế sự từ chối của Mexico chắc chắn đã đặt rủi ro cho thỏa thuận toàn cầu. Việc không đạt được thỏa thuận đồng nghĩa là sự phá sản của một số nhà sản xuất đá phiến ở Mỹ, một mục tiêu mà được Saudi Arabia và Nga theo đuổi.

Tại Mỹ, ít nhất khoảng 6,7 triệu công nhân phụ thuộc vào ngành năng lượng, vì vậy tránh được cú sốc này trong lĩnh vực này là điều cần thiết theo quan điểm của Washington. 

Mexico có một vũ khí "bí mật" rất mạnh giúp họ tránh được rủi ro đến từ việc giá dầu xuống thấp, đó là giao dịch phòng vệ giá (hedge). Dù tốt hơn hay tồi tệ hơn, kể từ năm 2001, Mexico đã mua các quyền chọn bán kiểu châu Á từ một nhóm nhỏ gồm các ngân hàng đầu tư và công ty dầu khí. 

Quyền chọn này cho phép Mexico bán dầu của họ với mức giá được định trước, vì vậy đây được xem như là một hợp đồng bảo hiểm. Nhờ đó, Mexico có thể hưởng lợi khi giá dầu lên cao, song cũng được đảm bảo dầu được bán ở mức giá sàn (giá tối thiểu). Nếu giá dầu thấp hoặc tiếp tục giảm sâu, Mexico vẫn có thể bán với giá cao hơn.

Kết hợp cả hai yếu tố trên, một cuộc khủng hoảng giả định ở Mỹ và nỗ lực của Chính phủ Mexico giúp Pemex chị chịu ảnh hưởng ở mức thấp nhất mà vẫn có đủ nguồn lực hỗ trợ các chương trình xã hội. Đó cũng được coi là sự hợp tác giữa Mexico và Mỹ.

Theo lời của học giả Lorenzo Meyer, "từ cuối thế kỷ 19, nỗi ám ảnh của Mỹ trong việc theo dõi sự ổn định chính trị của Mexico vì lý do kinh tế và an ninh, đặc biệt là vì lý do nhập cư và buôn bán ma túy". 

Do đó, trong những thời khắc lịch sử này, như trong các giai đoạn khủng hoảng trước đó, Washington không thể cho phép sự mất cân đối kinh tế của Mexico do những hậu quả toàn cầu hiện nay. 

Điều này khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định gánh mức giảm sản lượng khai thác 300.000 thùng dầu/ngày cho Mexico, vì lợi ích của cả hai nền kinh tế, đặc biệt là trong thời điểm đầy bất ổn hiện nay với tình trạng khẩn cấp về y tế do COVID-19 và sự thay đổi đa hướng trong hệ thống quốc tế.

Việt Hùng