Lệnh phong tỏa các cơ sở dầu mỏ của LNA không ảnh hưởng tới xuất khẩu khí đốt Libya sang Italy
Xuất khẩu khí đốt của Libya trong những ngày gần đây đã ổn định ở mức khoảng 13 triệu m3/ngày, theo dữ liệu từ S&P Global Platts Analytics.
Trong năm 2019, xuất khẩu khí đốt của Libya sang Italy - thị trường xuất khẩu khí duy nhất của nước này - đạt trung bình 15 triệu m3/ngày và tổng cộng 5,4 Bcm, chiếm khoảng 8% tổng mức tiêu thụ khí của Italy.
"Libya đã liên tục vận chuyển khí đốt đến Italy trong vài ngày qua", phát ngôn viên của hãng điều hành lưới khí Italy Snam cho biết.
Sản lượng dầu thô của Libya đang sụt giảm mạnh, và có thể giảm xuống dưới mức 1/10 năng suất trước đó của nước này (1,2 triệu thùng/ngày) nếu các mỏ dầu chính và các nhà máy xuất khẩu vẫn đóng cửa.
Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA), do Tướng Khalifa Haftar chỉ huy, bắt đầu triển khai chiến dịch chiếm thủ đô Tripoli từ quân đội thuộc chính phủ lâm thời (GNA) được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn tại nước này từ hồi tháng 4/2019.
Tham vọng lớn của tướng Haftar - người được cho là đang kiểm soát phần lớn nguồn dầu mỏ của Libya - hiện đang hướng tới Ngân hàng Trung ương Libya ở Tripoli, thuộc thẩm quyền của GNA.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) thuộc sở hữu nhà nước cảnh báo rằng việc sản xuất dầu có thể chỉ giới hạn ở các mỏ ngoài khơi và mỏ Wafa ở phía tây Libya nếu các cảng dầu vẫn bị phong tỏa.
Phần lớn khí đốt cung cấp cho trạm vận chuyển khí đốt và khí ngưng tụ Mellitah - điểm khởi đầu của đường ống Green Stream - đến từ mỏ Wafa và cánh đồng Bahr Essalam, mỏ khí đốt ngoài khơi lớn nhất Libya.
Sản xuất khí đốt tại Libya
Sản lượng khí đốt của Libya đạt tổng cộng 9,8 Bcm vào năm 2018, theo dữ liệu mới nhất.
Con số này đã giảm từ mức cao nhất là 16 Bcm vào năm 2010 trước khi cựu lãnh đạo Libya Moammar Qadhafi bị lật đổ vào năm 2011, dẫn đến nội chiến ở nước này và gây gián đoạn trong khu vực thượng nguồn.
Dòng chảy qua đường ống Green Stream đã bị ảnh hưởng trong một số trường hợp kể từ năm 2011 do hoạt động của quân đội gần trạm Mellitah, nhưng việc vận chuyển khí đốt đã tương đối ổn định trong một khoảng thời gian.
Trong khi đó, sản xuất ngoài khơi phần lớn không bị tác động bởi sự hỗn loạn chính trị và hoạt động của quân đội đã gây ra cho ngành năng lượng Libya kể từ năm 2011.
Trong số 5,4 Bcm khí đốt xuất khẩu của Libya, 4,4 Bcm được sử dụng chủ yếu để sản xuất điện trong nước.
Theo dự đoán của Libya, trữ lượng khí đốt nước này hiện đạt 1,4 Tcm, xếp thứ tư ở châu Phi sau Nigeria, Algeria và Ai Cập.