Nhiệm vụ bất khả thi: Trung Quốc không thể hoàn thành cam kết thu mua dầu thô, LNG, than đá Mỹ
Là một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Bắc Kinh và Washington, Trung Quốc đã hứa mua thêm năng lượng từ mức cơ sở 9,1 tỉ USD giá trị nhập khẩu của Mỹ vào năm 2017. Theo đó, quốc gia châu Á sẽ mua thêm 18,5 tỉ USD vào năm 2020 và 33,9 tỉ USD vào năm 2021.
Về thực tiễn, điều này có nghĩa là nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ trong năm nay sẽ tăng hơn hai lần so với nhập khẩu dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than đá Mỹ hàng tháng được ghi nhận trong quá khứ.
Nếu mục tiêu này đã có vẻ khó khăn, Trung Quốc phải mua gấp ba lần giá trị của tháng nhập khẩu tốt nhất để đạt được mục tiêu năm 2021.
Vấn đề ở khắp mọi nơi
Trước khi nghĩ về yếu tố hậu cần và sự gián đoạn đối với dòng chảy thương mại toàn cầu, điều sẽ diễn ra khi sự thay đổi to lớn như vậy diễn ra, có một yếu tố chính cần phải thay đổi trước khi Trung Quốc bắt đầu tăng cường mua năng lượng Mỹ.
Là một phần của cuộc tranh chấp thuế quan trước đó, Trung Quốc đã áp thuế nhập khẩu 5% đối với dầu thô Mỹ, 25% đối với LNG và 25% đối với than đá.
Các mức thuế này khiến cho việc nhập khẩu năng lượng của Mỹ trở nên không cạnh tranh, và do đó việc đạt được mục tiêu là khó xảy ra trừ khi Bắc Kinh sử dụng quyền lực của mình để buộc các nhà máy lọc dầu, công ty khí đốt tự nhiên và nhà sản xuất thép thuộc sở hữu nhà nước phải trả cao hơn giá thị trường cho hàng hóa Mỹ.
Cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sắp gỡ bỏ thuế quan, hoặc cấp miễn trừ, và nếu không có điều này, việc tăng cường thu mua năng lượng Mỹ như mong muốn sẽ không bắt đầu.
Ngay cả khi giả định Bắc Kinh thực sự hạ thuế quan hoặc miễn trừ thuế, thì vấn đề về kết cấu hậu cần và nhà máy lọc dầu phải được giải quyết trước khi hoạt động nhập khẩu dầu thô có thể được gia tăng.
Nếu Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu thô Mỹ lên hơn 1 triệu thùng/ngày, trị giá khoảng 21,4 tỉ USD với giá hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao sau ở thời điểm hiện tại, điều đó sẽ đặt ra thách thức trong việc di chuyển lượng dầu đó từ duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ sang Trung Quốc.
Với một tàu chở dầu thô rất lớn (VLCC) chứa khoảng 2 triệu thùng sẽ cần 15 tàu thực hiện việc vận chuyển mỗi tháng.
Mặc dù các cảng xuất khẩu của Mỹ có thể xử lí khối lượng này, nhưng câu hỏi về sự sẵn có của tàu chở dầu và chi phí tiềm năng để quay trở lại Mỹ để tải thêm hàng hóa vẫn bủa vây.
Các tàu VLCC cũng quá lớn để đi qua Kênh đào Panama, điều này nghĩa là một con tàu sẽ phải thực hiện một hành trình đi biển dài hơn quanh đáy châu Phi, theo đó làm tăng thêm chi phí.
Tiết kiệm chi phí qua việc vận chuyển dầu thô trên các tàu nhỏ hơn có thể đi qua Kênh Panama cũng là một thách thức, do tàu nhỏ chỉ có thể chứa khoảng 600.000 thùng và sẽ phải trả phí đi qua kênh đào tương đối cao.
Một câu hỏi nữa là liệu các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc có thể sử dụng khối lượng dầu thô Mỹ mua thêm theo thỏa thuận hay không.
Nhiều nhà máy lọc dầu của quốc gia châu Á được tối ưu hóa để xử lí các loại dầu thô nặng, chua, như từ Trung Đông, thay vì dầu ngọt, nhẹ hơn thường được xuất khẩu từ Mỹ.
Trung Quốc có nhập khẩu dầu thô nhẹ, khoảng 270.000 thùng/ngày từ Anh trong năm ngoái, 235.000 thùng/ngày từ Malaysia, 152.000 thùng/ngày từ Libya và 44.000 thùng/ngày từ Nigeria, theo dữ liệu của Refinitiv.
Theo Reuters, đây không phải danh sách đầy đủ các loại dầu thô nhẹ được Trung Quốc thu mua, nhưng nó cho thấy các loại dầu nhẹ chiếm tỉ lệ tương đối nhỏ trong số 10,2 triệu thùng dầu Trung Quốc nhập khẩu mỗi ngày trong 2019.
Nếu Trung Quốc mua hơn 1 triệu thùng/ngày dầu thô của Mỹ, họ sẽ phải ngừng mua phần lớn dầu thô hiện có từ các nước khác.
Điều này không chỉ làm gián đoạn dòng chảy và mối quan hệ thương mại toàn cầu, mà còn đặt ra câu hỏi liệu các nhà lọc dầu Trung Quốc và nhà xuất khẩu dầu thô Mỹ có muốn trở nên phụ thuộc lẫn nhau hay không, thay vì có nhiều đối tác thương mại.
Nhập khẩu LNG, than đá: có thể
Vấn đề hậu cần của LNG và than đá khả thi hơn, với Mỹ có sẵn LNG để xuất khẩu, mặc dù có thể có một số hạn chế về công suất than.
Tuy nhiên, việc tăng gấp đôi, hoặc thậm chí gấp ba, dòng chảy LNG và than của Mỹ sang Trung Quốc sẽ gây ra các vấn đề về gián đoạn, và không chắc là các quốc gia cạnh tranh - như Australia cho than và LNG, và Qatar đối với LNG - sẽ đơn giản từ bỏ thị phần để tạo điều kiện cho Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Câu hỏi chính cho thành phần năng lượng của hiệp định thương mại giai đoạn một sẽ là điều gì xảy ra khi các mục tiêu chắc chắn không đạt được cam kết đã đề ra?
Có lẽ ông Trump sẽ thua cuộc bầu cử vào tháng 11 và người kế nhiệm của ông chọn một hướng đi khác trong mối quan hệ với Trung Quốc, hoặc có lẽ ông Trump thắng và sau đó quyết định hủy bỏ thỏa thuận tương đối hạn chế, hoặc có lẽ mọi người sẽ bỏ qua vấn đề này.