|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ gây gián đoạn lớn cho thị trường gạo toàn cầu

02:00 | 22/07/2023
Chia sẻ
Ấn Độ ngày 20/7 đã quyết định dừng xuất khẩu đối với hạng mục gạo xuất khẩu lớn nhất của nước này. Động thái này sẽ làm giảm khoảng một nửa lượng gạo xuất khẩu của quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, làm dấy lên lo ngại về khả năng lạm phát tiếp tục tăng cao trên thị trường lương thực toàn cầu.

Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo trắng và gạo tấm không phải basmati, sau khi giá gạo bán lẻ tại thị trường Ấn Độ đã tăng 11,5% trong 12 tháng qua và tăng 3% chỉ trong một tháng qua, trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi.

Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu trên thế giới. Lượng gạo xuất khẩu của nước này đạt mức cao kỷ lục 22,2 triệu tấn trong năm 2022, cao hơn tổng khối lượng xuất khẩu của bốn nước xuất khẩu gạo đứng sau Ấn Độ là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan (Pa-ki-xtan) và Mỹ.

Cùng với đó, lượng gạo dự trữ thấp ở các nước xuất khẩu khác đồng nghĩa với việc bất kỳ quyết định giảm xuất khẩu gạo nào cũng có thể khiến giá lương thực thế giới tiếp tục tăng cao sau khi đã chịu tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Hạng mục gạo bị cấm xuất khẩu trong quyết định mới nhất nói trên chiếm khoảng 10,3 triệu tấn trong tổng số 22,2 triệu tấn gạo xuất khẩu năm ngoái của Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ nói rõ rằng gạo đồ, với khối lượng xuất khẩu đạt 7,4 triệu tấn trong năm 2022, không thuộc phạm vi áp dụng của lệnh cấm nói trên.

Động thái này cho thấy Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi rất nhạy cảm với lạm phát lương thực trước thềm kỳ tổng tuyển cử vào năm tới. Chính quyền của ông Modi đã gia hạn lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ sau khi hạn chế xuất khẩu gạo vào tháng 9/2022. Ấn Độ cũng giới hạn lượng đường xuất khẩu trong năm nay khi sản lượng mía sụt giảm.

Gạo là thực phẩm thiết yếu đối với hơn 3 tỷ người trên thế giới, và gần 90% sản lượng gạo toàn cầu được sản xuất tại châu Á, nơi hiện tượng thời tiết El Nino thường khiến lượng mưa giảm. Giá gạo toàn cầu đang dao động quanh mức cao nhất trong 11 năm qua.

Ông B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, nhận định rằng lệnh cấm đột ngột này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới những người mua vì họ chưa thể tìm được nhà cung cấp thay thế.

Tuần này, giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam, quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan, đã tăng mạnh lên mức cao nhất trong hơn 10 năm qua trước những lo ngại ngày càng gia tăng về nguồn cung do hiện tượng El Nino. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức khoảng 515-525 USD/tấn, mức cao nhất kể từ năm 2011, trong khi giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đang dao động gần mức cao nhất 5 năm qua là 421-428 USD/tấn.

Người mua có thể chuyển hướng sang Thái Lan và Việt Nam. Theo ông Rao, những người mua ở châu Phi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh cấm trên của Ấn Độ. Ông cho rằng nhiều nước sẽ kêu gọi Ấn Độ nối lại hoạt động xuất khẩu. Các nước khác mua gạo nhiều nhất của Ấn Độ là Benin (Bê-nanh), Senegal (Xê-nê-gan), Bờ Biển Ngà, Togo (Tô-gô), Guinea (Ghi-nê), Bangladesh (Băng-la-đét) và Nepal (Nê-pan).

Lệnh cấm của Ấn Độ có hiệu lực từ ngày 20/7, nhưng các tàu đang trong quá trình bốc hàng sẽ được phép xuất khẩu.

Khánh Ly

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.