|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lễ Vu Lan báo hiếu đang bị thương mại hóa?

16:44 | 15/08/2019
Chia sẻ
Từ việc ăn chay, đi chùa, lễ Vu Lan dần bị “thương mại hóa” bởi các lời mời mua vé số lấy may và phóng sinh chim tích đức. Giá các mặt hàng tăng cao so với ngày thường.

Đối với đại đa số người dân Việt Nam, đại lễ Vu Lan là dịp báo hiếu với ông bà, cha mẹ. Từ sáng sớm nay, hàng nghìn người dân đã đổ về các ngôi chùa tại TP.HCM để dâng hương cầu lành. Các ngả đường đến những ngôi chùa lớn như chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), chùa Phổ Quang (quận Tân Bình), Việt Nam Quốc Tự (quận 10)… đều chật kín.

Tuy nhiên, không ít người coi Vu Lan là dịp kinh doanh hiếm có.

Đến lễ là đắt hàng, tăng giá

"Cả năm chỉ có ngày rằm tháng Giêng và tháng 7 để buôn bán, phải chớp lấy một chỗ ngồi gần chùa như thế này chứ", một người bán hàng trước cổng chùa Phổ Quang nói.

300 m dọc lối vào chùa Phổ Quang chật ních các bãi gửi xe, quán chay và điểm mua bán hương, bông sen, vòng hoa lài… Xen giữa những mặt hàng này là các lồng chim phóng sinh, nơi hàng trăm chú chim nhỏ chen chúc nhau, chờ người đến mua.

Vu Lan

Mỗi con chim phóng sinh có giá 15.000-20.000 đồng, cao gấp 1,5-2 lần ngày thường. Ảnh: Văn Nguyện.

Theo ghi nhận của Zing.vn, mỗi chú chim được bán với giá 15.000 - 20.000 đồng tùy loại ở trước và ngay bên trong khuôn viên các nhà chùa. "Ngày thường chỉ 7.000 đồng, khi cao thì 10.000 đồng thôi, nhưng mua ở chùa ai lại mặc cả làm gì", chị Hương (35 tuổi, quận Phú Nhuận) chia sẻ.

Một người bán hàng cho biết chim được nhập về từ các đơn vị bán sỉ với mức giá cao hơn ngày thường.

"Nhu cầu thả chim cầu bình an vẫn rất lớn, mỗi khách thường mua ít nhất lồng 5 con", người này cho biết.

Loại hình kinh doanh này còn phát triển trên mạng xã hội. Với lời quảng cáo chim khỏe, được chăm sóc đầy đủ, các đơn vị bán online miễn phí giao chim phóng sinh đến tận nơi với số lượng ít nhất 50 con trong khu vực nội thành.

Vu Lan 2

Nhiều mặt hàng "đắt" khách mùa Vu Lan. Ảnh: Văn Nguyện.

Không chỉ chim phóng sinh, một số mặt hàng được bày bán bên ngoài các chùa cũng có giá cao gấp 1,5-2 lần. "Bình thường tôi chỉ bán ở chợ, rất ít người mua, phải đến rằm tháng 7 ngồi trước chùa như vậy mới mong buôn bán tốt hơn", một người bán vòng hoa lài chia sẻ.

Thậm chí, có người còn mang vé số đến bán với suy nghĩ phật tử sẽ không nỡ từ chối những lời chào mời tại chùa. "Mua vé số lấy may" hay "Phật sẽ phù hộ anh chị trúng số" là câu cửa miệng của một số người bán vé số tại đây.

"Thương mại hóa" trước chùa - phúc hay tội?

"Trước đây tôi cũng thường mua chim, cá về phóng sinh vào ngày rằm, nhưng nhiều năm trở lại đây, tôi bỏ hẳn. Nghĩ đến cảnh người ta săn bắt chim về, nhốt trong lồng nhiều ngày chờ người mua đến phóng sinh là tôi lại thấy tội lỗi", chị Mai (30 tuổi, quận 3) tâm sự.

Đây cũng là nỗi lòng của nhiều người dân, bởi cứ cuối ngày lễ, người ta lại thấy những chú chim nhỏ nằm la liệt trong khuôn viên chùa sau nhiều ngày bị "giam cầm".

Chính người bán cũng cho biết, "khi tôi nhập về, một số con đã yếu rồi, tôi phải mất nhiều công sức và tiền bạc chăm sóc thêm cho chúng để bán được hôm nay".

Trao đổi với Zing.vn, người này nhận định nhiều bạn trẻ không hiểu rõ truyền thống và nét đẹp phóng sinh nhưng vẫn mua "cho trọn ngày lễ". Do đó, nhu cầu mua chim lớn đẩy giá bán tăng cao, dần dần nét văn hóa lại trở thành loại hình kinh doanh.

Vu Lan 3

Những con chim nhỏ chen chúc trong lồng chờ người đến mua về phóng sinh. Ảnh: Văn Nguyện.

Thậm chí, những con chim sau khi được phóng sinh vẫn bị thu gom lại để bán cho khách tiếp theo. Vòng luẩn quẩn ấy khiến nhiều con "sổ lồng" vẫn không thể cất cánh, có khi chết yểu ngay tại không gian chùa.

"Đó là sự phóng sinh dễ dãi. Người ta chỉ cần bỏ tiền mua về là có thể phóng sinh, trong khi âm thầm phóng sinh hay đóng góp vào các quỹ bảo tồn thiên nhiên có ý nghĩa hơn nhiều", chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận xét.

Mua bán thuận theo cung - cầu là xu hướng tất yếu của xã hội. Tuy nhiên, làm biến tướng những giá trị truyền thống, tâm linh thành sản phẩm kinh doanh và lợi dụng tâm lý "không mặc cả ở nhà chùa" để kiếm tiền là đi ngược lại với quan niệm hành thiện tích đức.

Tuy nhiên ở góc độ khác, chuyên gia Đinh Thế Hiển cũng chia sẻ, cần có cái nhìn tích cực hơn về sự hòa nhập giữa văn hóa tâm linh và kinh tế.

"Ngoại trừ các trường hợp gây mất trật tự, rối loạn nơi tôn nghiêm hay chèo kéo khách, thì việc kết hợp phát triển hoạt động thương mại trong các ngày lễ lớn, tạo ra môi trường kinh doanh sôi động và kích thích chi tiêu là xu hướng tốt, phù hợp với sự phát triển chung của các quốc gia khác", ông nhận định.

Theo Thượng tọa Thích Giác Toàn, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, từng chia sẻ với báo giới rằng nếu quan niệm chỉ cần phóng sinh sẽ giải được mọi hạn tai thì không đúng.

"Phóng sinh là từ tâm nhằm cứu vớt các sinh linh, không thể dùng việc phóng sinh để đổi lấy may hay giải hạn cho con người. Nhiều trường hợp người dân đổ xô đi phóng sinh đã tạo cơ hội cho người khác đánh bắt, buôn bán chim, cá… sát hại sinh vật thì đây là việc người phóng sinh cần phải suy nghĩ. Đừng vì suy nghĩ chưa đúng mà gián tiếp tạo thêm nghiệp xấu cho bản thân" - Thượng tọa Thích Giác Toàn nói.

Lan Anh

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.