|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lập riêng tổ thi hành vụ án Phạm Công Danh

22:55 | 10/04/2017
Chia sẻ
Đây là thông tin do ông Vũ Quốc Doanh - Quyền Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP.HCM đưa ra trong buổi họp báo thường kỳ quý 2 của Cục Thi hành án Dân sự TP.
lap rieng to thi hanh vu an pham cong danh

Bị cáo Phạm Công Danh - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Theo ông Doanh, mới đây Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã có đơn yêu cầu thi hành án đối với phần tài sản phải bồi thường trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.

Theo đó, số tiền phải thi hành án lên tới hơn 13.000 tỷ đồng, được coi là số tiền rất lớn, do đó việc thi hành án đối với số tiền buộc phải bồi thường này có nhiều phức tạp.

Ông Doanh cho biết, để thi hành án bản án Phạm Công Danh và đồng phạm, Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM đã thành lập tổ thi hành án gồm 7 người do 1 trưởng phòng nghiệp vụ làm tổ trưởng.

“Tài sản phải thi hành án không chỉ có bất động sản, mà còn động sản nằm rải rác từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP.HCM và nhiều nơi khác nên việc thi hành án sẽ gặp nhiều khó khăn” - ông Doanh nói.

Ông Doanh cũng cho biết, hiện nay theo quy định của luật thi hành án dân sự thì Cơ quan thi hành án dân sự sẽ thi hành án chủ động đối với phần án phí, phần nộp phạt và sung công..

Tuy nhiên, còn phần bồi thường cho nhà nước thì bản án của TAND cấp cao tại TP.HCM lại ghi rất rõ là “khi nào Ngân hàng Xây dựng có đơn yêu cầu thi hành án” nên cơ quan thi hành án chưa rõ đây có phải là phần thi hành án chủ động theo quy định của luật hay không.

Do đó, Cục thi hành án Dân sự TP đã gửi công văn xin ý kiến Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án Dân sự để xin ý kiến xem đây có phải là phần phải thi hành án chủ động hay không

lap rieng to thi hanh vu an pham cong danh

Ông Vũ Quốc Doanh tại buổi họp báo - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Tại buổi làm việc, Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM cũng cho biết tổng số tiền thi hành án xong kể từ tháng 10-2016 đến hết 31-3-2017 là 8.900 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 25,97% trên số vụ có điều kiện giải quyết so với chỉ tiêu được giao là 30% về tiền).

Một trong những lý do về việc thi hành án chưa đạt được mục tiêu là bởi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi nên nhà kê biên nhưng không có người mua diễn ra tại tất cả các cơ quan thi hành án dân sự.

Quá trình xử lý tài sản quá rườm rà và thiếu tính thực tiễn dẫn đến nhiều vụ việc bị kéo dài.

Ngoài ra, nhiều vụ thi hành án có đương sự bị tuyên với mức tiền phạt rất cao nhưng người phải hi hành án lâm vào tình trạng kiệt quệ về kinh tế hoặc mất địa chỉ nên không thể thi hành án.

H.Điệp