Lãnh đạo Vinasun: Đầu tư 700 xe hybrid, thị phần bị ảnh hưởng bởi Xanh SM
Sáng 24/4, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - Mã: VNS) đã họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Ban lãnh đạo công ty đưa chỉ tiêu kinh doanh năm 2024 thận trọng do tình hình kinh tế được dự báo còn nhiều khó khăn, đi kèm với sự cạnh tranh từ các hãng taxi công nghệ, taxi điện.
Lợi nhuận dự kiến giảm
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch HĐQT nhắc lại kết quả năm 2023 ghi nhận tổng doanh thu hơn 1.218 tỷ đồng tăng 11,9% so với năm 2022 và thực hiện 92% so với kế hoạch 2023; lợi nhuận đạt 151 tỷ đồng. Công ty đã chia cổ tức năm 2023 theo tỷ lệ 45%.
Tính tới 31/12/2023, tổng số xe của công ty mẹ là 2.429 xe. Tổng số xe của công ty con Vinasun Grenn là 161 xe, chủ yếu là xe du lịch, phục vụ cho nhu cầu vận tải hành khách tại TP Đà Nẵng. Tổng số xe công ty là 2.800 chiếc, trong đó có 210 xe hoạt động theo mô hình hợp tác kinh doanh và 2.590 xe Toyota cho hoạt động kinh doanh taxi.
Về mục tiêu năm 2024, ông Tạ Long Hỷ nhắc đến những thách thức của môi trường kinh doanh tác động đến doanh nghiệp, trong đó lạm phát cao cùng với biến động giá nhiên liệu, nguyên vật liệu sử dụng trong sản xuất kinh doanh, việc chống lạm phát, thắt chặt tiền tệ, người tiêu dùng giảm chi tiêu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, vận tải bằng taxi.
Công ty đề ra mục tiêu doanh thu kinh doanh cho năm 2024 là 1.107 tỷ đồng, bằng 91% so với kết quả đạt được của năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ở mức 80,5 tỷ đồng, giảm 47% so với năm ngoái.
Công ty định hướng tăng cường đầu tư mới dòng xe Hybrid để thay thế dòng xe xăng; tập trung vào các thị trường như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Đà Nẵng. Dự kiến Vinasun đầu tư khoảng 700 chiếc xe mới, chủ yếu tập trung ở dòng hybrid đến từ thương hiệu Toyota. Khoảng 500 chiếc xe cũ sẽ được thanh lý, bán trả chậm cho tài xế để kinh doanh dưới hình thức thương quyền.
Bị ảnh hưởng bởi xe điện
Tại phiên thảo luận, các cổ động đặt ra câu hỏi về động lực đằng sau quyết định đầu tư dòng xe hybrid và thị phần của Vinasun bị ảnh hưởng như thế nào sau một năm Xanh SM xuất hiện trên thị trường.
Giải đáp cổ đông, ông Trần Anh Minh, Phó Tổng Giám đốc Vinasun cho biết hiện chưa có số liệu để đánh giá mức độ ảnh hưởng của hãng taxi Xanh SM đối với thị phần của Vinasun song doanh thu 2023 của Vinasun đã tăng hơn 10% trong năm 2023 so với năm trước đó. Trong khi Xanh SM bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2023.
"Chúng tôi thừa nhận thị phần bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của Xanh SM. Tuy vậy, chúng tôi nhận ra có hai yếu tố cơ bản tác động, bên cạnh sự cạnh tranh trực diện từ Xanh SM thì sự suy giảm sức cầu của người tiêu dùng cũng là một yếu tố.
Sụt giảm sức mua cộng thêm sức cạnh tranh lớn từ Xanh SM, Be, Grab, Gojek... cũng là khó khăn khiến công ty đặt mục tiêu kinh doanh thấp hơn năm 2023", ông Trần Anh Minh nói.
Về quyết định đầu tư cho xe hybrid, lãnh đạo Vinasun nói rằng chuyển đổi xanh, hướng tới bảo vệ môi trường là xu thế tất yếu và Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu cho điều này. Do đó, đây là quyết định nhằm bắt kịp xu thế chung của Vinasun.
Về xe hybrid, lãnh đạo Vinasun hoàn toàn tin tưởng vào hành trình đầu tư nghiên cứu suốt 15 năm của Toyota. "Năm 2022, doanh số xe hybrid của Toyota đạt 2,4 triệu chiếc nhưng tới năm 2023, con số này đã tăng lên 3,4 triệu chiếc, tức tăng gần 50%. Điều này cho thấy xu thế của thế giới giờ đang là xe hybrid và Vinassun cũng đầu tư để phù hợp với xu thế đó", ông Minh nói.
Ngoài ra, lãnh đạo Vinasun chỉ ra rằng xe điện ở Việt Nam đã chỉ có một đơn vị cung cấp, hạ tầng trạm sạc chưa thể đáp ứng cho nhu cầu của tài xế taxi.
Theo ông Minh, tổng vốn đầu tư khoảng 630 - 650 tỷ đồng cho 700 xe hybrid và công ty đang có dự định nâng lên 1.000 chiếc nếu những thử nghiệm ban đầu thành công. Dự kiến xe hybrid sẽ được nhập về từ đầu tháng 5. Hiện có hai ngân hàng là HSBC và Vietcombank sẵn sàng tài trợ cho Vinasun trong quá trình chuyển đổi này.
Với việc tài trợ khoảng 50%, số vốn cần là hơn 300 tỷ đồng. Theo tính toán của ban lãnh đạo, kể cả sau khi trả cổ tức 15% năm 2024, Vinasun vẫn còn khoảng 150 tỷ để tái đầu tư trong năm 2025.
"Chúng tôi đầu tư xe hybrid với cái giá không đổi, dựa trên việc tiết kiệm 40-50% chi phí vận hành so với xe xăng. Đây là quyết định đầu tư mà chúng tôi đã được nghiên cứu rất cẩn trọng", ông Minh nói.
Câu hỏi về thanh lý xe cho Vinasun Green, lãnh đạo công ty cho biết việc hỗ trợ cho Vinasun Green là để công ty con phục vụ trong giai đoạn thị trường nóng bất thường, nhất là thời điểm mùa lễ du lịch.
"Với chủ trương tái đầu tư, các dòng xe cũ vẫn tiếp tục có thể hoạt động tốt và chuyển sang Vinasun Green tại Đà Nẵng chỉ nhằm giúp họ có đủ xe phục vụ khách hàng. Với các xe cũ hơn sẽ thanh lý ra bên ngoài, vì bản chất xe Toyota thanh lý rất dễ", ông Trần Anh Minh trả lời thêm.
Nhà sáng lập rời vị trí lãnh đạo
Vinasun cũng đã trình cổ đông thông qua đơn miễn nhiệm của ông Đặng Phước Thành (nhà sáng lập) khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT và Thành viên HĐQT. Trước đó, đơn từ nhiệm của ông Thành đã được HĐQT thông qua từ ngày 8/12/2023. Thay thế vị trí của ông Thành sẽ là Tổng Giám đốc, Tạ Long Hỷ.
Người ngồi vào vị trí Tổng Giám đốc của ông Hỷ là ông Đặng Thành Duy. Ngoài ra, đại hội cũng đã tiến hành bầu bổ sung ông Duy vào vị trí thành viên HĐQT. Ông Đặng Thành Duy (sn 1984) là con trai của nhà sáng lập Đặng Phước Thành. Ông Duy là Thạc sỹ ngành Kinh tế Chính trị, Cử nhân Quản trị Kinh doanh.
Chủ tịch HĐQT Tạ Long Hỷ cho biết nhà sáng lập Đặng Phước Thành là người đã lèo lái Vinasun từ ngày đầu tới những giai đoạn khó khăn nhất, tưởng chừng bên bờ vực phá sản như khủng hoảng Uber, Grab hay hậu COVID-19. Trong quá trình chuyển đổi sang xe hybrid, ông Thành cũng là người tích cực đàm phán với Toyota trong suốt 3 tháng để đưa xe về cho Vinasun.
"Mặc dù ông Thành xin rút khỏi HĐQT với lý do cá nhân song chúng tôi vẫn tha thiết mời ông tham gia cố vấn cho ban lãnh đạo Vinasun. Điều này đã được ông Thành đồng ý", ông Hỷ nói.