|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lãnh đạo Viettel, Tân Hiệp Phát, Searefico nói về văn hóa kinh doanh trong bối cảnh mới

21:33 | 08/11/2020
Chia sẻ
Trong phiên thảo luận Kiến nghị giải pháp củng cố, phát triển văn hóa kinh doanh tại Diễn đàn Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới, đại diện một số doanh nghiệp đã chia sẻ cách thức xây dựng văn hóa trong và sau dịch COVID-19.

Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát cho rằng nguyện vọng của công ty là xây dựng một tập đoàn có thương hiệu quốc gia tầm cỡ quốc tế, cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu quốc tế. Đây cũng chính là lí do mà Tân Hiệp Phát lựa chọn ngành nước giải khát, nơi sức cạnh tranh từ các đối thủ là rất lớn.

Ngoài ra, công ty cũng đã xây dựng nguyên tắc hành xử trong tổ chức với 7 giá trị cốt lõi.

"Chúng tôi đánh giá nhau không phải vì chúng tôi họ Trần,  mà dựa trên bộ giá trị cốt lõi. Điều này cho phép Tân Hiệp Phát tồn tại độc lập với gia đình của bất cứ người sáng lập nào", bà Phương cho biết.

Lãnh đạo Viettel, Tân Hiệp Phát, Searefico nói về văn hóa kinh doanh trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát. Ảnh: Hoàng Tiến.

Trên thương trường, bà Phương cho rằng công ty của bà có thể vượt qua các đối thủ, và cũng có thể bị các đối thủ khác vượt mặt. Chính vì thế, văn hóa chính là điều khác biệt và tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công Ty TNHH Gốm Sứ Minh Long cho rằng nếu doanh nghiệp là cơ thể thì văn hóa chính là thức ăn.

"Nếu chúng ta ăn những thức ăn không lành mạnh, không tốt thì không thể có một sức khỏe tốt", ông Minh phát biểu.

Ông nhấn mạnh cách thức lãnh đạo đối đãi với nhân viên, với khách hàng, xã hội và đất nước cũng là một thứ thức ăn. Ông cũng dẫn ra một ví dụ từ chính công ty ông đang điều hành: Văn hóa chỉ gồm 4 chữ: Công bằng; minh bạch.

Ông Lê Tấn Phước, Chủ tịch HĐQT CTCP Kỹ nghệ lạnh TP HCM (Searefico) lại cho rằng hoàn cảnh thuận lợi không bao giờ là người bạn tốt, vì có thể khiến bản thân kiêu ngạo và chủ quan.

Ở chiều ngược lại, đối thủ cạnh tranh mới chính là bạn, vì đối thủ sẽ đem hết cái sai, cái xấu của doanh nghiệp kể lại. Từ đó có thể thấy được điểm chưa tốt, qua đó tiến hành cải tiến.

Ông Phước chỉ ra trên thương trường có ba loại doanh nhân: Yêu nước, yêu nghề và yêu tiền. 

"Nếu là doanh nhân yêu nước, thì hãy tạo ra các sản phẩm "made in Vietnam" mà người ta cầm lên và không quăng xuống. Một thời gian trước đây, những sản phẩm "made in China" người ta cầm lên và để xuống. Tuy nhiên giờ họ đã khác", ông Phước nói.

Ông cũng cho rằng cần đưa ra các kiến nghị để biến các doanh nhân yêu nghề, yêu tiền trở thành doanh nhân yêu nước.

Khi thảo luận về phần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bà Nguyễn Hà Thành, Giám đốc truyền thông Viettel cho biết việc làm từ thiện và tài trợ có những điểm chung nhưng đôi khi cũng mang ý nghĩa khác.

Lãnh đạo Viettel, Tân Hiệp Phát, Searefico nói về văn hóa kinh doanh trong bối cảnh mới - Ảnh 2.

Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ về phát triển văn hóa kinh doanh. Ảnh: Hoàng Tiến.

Theo bà, việc làm từ thiện có thể xuất phát từ lòng tốt cá nhân, tuy nhiên việc tài trợ đôi khi lại xuất phát từ lợi ích của doanh nghiệp.

"Về câu chuyện trách nhiệm xã hội, thì không phải khi có đại dịch thì chúng ta mới nói tới. Đã đi kinh doanh, sống trong xã hội thì buộc phải có trách nhiệm đó" bà Thành chia sẻ.

Cụ thể, bà cho rằng đất nước hiện tại có nền kinh tế chính trị ổn định, và đây là điều kiện tốt để các doanh nghiệp phát triển, kinh doanh thuận lợi. Khi kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp có trách nhiệm quay trở lại đóng góp cho xã hội phát triển tốt hơn nữa.

"Khi đưa ra quyết định kinh doanh, luôn phải nhìn thấy trách nhiệm với xã hội, đưa ra quyết định kinh doanh nhìn trên góc độ xã hội, không cần phải đợi đến đại dịch", Giám đốc truyền thông Viettel khép lại.

Tiểu Phượng