|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bài học về ứng dụng công nghệ để sống sót qua khủng hoảng của FPT, Tân Hiệp Phát, CEN

07:51 | 31/10/2020
Chia sẻ
Người đại diện FPT, FECredit, CEN Group, Kangaroo nhận định đây là thời điểm quan trọng nhất để tái trang bị "vũ khí" - những công cụ số, thúc đẩy chuyển đổi số với trọng tâm là tăng trưởng, làm hài lòng khách hàng, tự động hóa qui trình sản xuất, bán hàng của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt cần liên kết lại

Phát biểu tại diễn đàn "Từ sống sót đến thịnh vượng" số thứ hai với chủ đề "Bán hàng thời COVID-19" diễn ra trực tuyến tại hai đầu cầu Hà Nội và TP HCM ngày 29/10, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT khẳng định: "COVID-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra áp lực kép cho nền kinh tế cũng như mỗi doanh nghiệp. Không ai đứng ngoài trước thách thức đang đến". 

Báo cáo về Triển vọng phát triển kinh tế thế giới của IMF dự báo GDP toàn cầu có thể giảm tới gần 5% trong năm nay, Mỹ và EU thậm chí còn giảm tới 8-10%.

Trong bối cảnh này, thúc đẩy và tăng cường hoạt động bán hàng là một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp để bù đắp doanh thu, phục hồi vốn lưu động và bắt đà tăng trưởng.

"Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần liên kết lại. Chúng ta cần phải chuyển quan hệ từ đối tác kinh doanh sang liên minh kinh doanh, để cảm thông trong lúc khó khăn, chia sẻ nguồn cảm hứng sáng tạo, những kinh nghiệm trải qua, và chung tay giúp đỡ lẫn nhau", ông Bình nhấn mạnh.

Đồng thời, nhà lãnh đạo tập đoàn FPT cũng đưa ra 5 nhóm vấn đề cần giải quyết để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh khả năng bán hàng, thích nghi với những thay đổi trong hành vi khách hàng.

Công nghệ - 'vũ khí' bán hàng thời COVID-19 của nhiều 'ông lớn' - Ảnh 1.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, chia sẻ tại diễn đàn. (Ảnh: FPT).

Quan điểm của ông Bình là nhà quản trị doanh nghiệp phải biến thành người chỉ huy trong thời chiến để bắt kịp các cơ hội, phản ứng nhanh với thay đổi, có tầm nhìn mới về kinh doanh. Doanh nghiệp cũng cần thay đổi cách thức bán hàng, sẵn sàng cho thương mại điện tử và xây dựng những trải nghiệm số ưu việt hơn cho khách hàng. 

Bên cạnh đó, chính sách giá cả phải linh hoạt, tinh gọn, nhấn mạnh vào những giá trị mới. Cần đặt trọng tâm vào con người, chiêu mộ, tái đào tạo, biến toàn bộ đội ngũ thành lực lượng bán hàng. 

Và đây cũng là thời điểm quan trọng nhất để tái trang bị "vũ khí" - những công cụ số, thúc đẩy chuyển đổi số với trọng tâm là tăng trưởng, làm hài lòng khách hàng, tự động hóa qui trình, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả vận hành và quản trị.

Đồng quan điểm, ông Arnaud Ginolin Tổng Giám đốc BCG tại Việt Nam, cũng đưa ra dự báo, COVID-19 sẽ còn kéo dài ảnh hưởng đến ít nhất 12 – 16 tháng nữa. Chỉ 14% số doanh nghiệp nhanh nhạy và linh hoạt nhất trở thành nhóm thắng cuộc.

Nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, BCG đưa ra một số khuyến nghị chính yếu, trong đó tập trung nhất vào chiến lược phân bổ vốn cũng như thúc đẩy chuyển đổi số. Đây là hai hành động cấp bách và phù hợp nhất mà doanh nghiệp Việt có thể áp dụng ngay để tác động trực tiếp vào chi phí cũng như doanh thu.

Cách sống sót qua khủng hoảng là ứng dụng công nghệ

Ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc phụ trách chuyển đổi số của FPT, cũng đưa ra một số câu chuyện thực tiễn điển hình về các doanh nghiệp đã tận dụng sức mạnh của công nghệ số để nắm bắt cơ hội, phục hồi và phát triển nhanh hơn trong và sau khủng hoảng. 

Chẳng hạn, việc sáng tạo các kênh số trải nghiệm sản phẩm như hội thảo trực tuyến, phát trực tiếp video lái thử xe của những người nổi tiếng đã giúp Tesla lập kỉ lục về doanh số trong quí I tại thị trường Trung Quốc. 

Hay việc thay đổi phương thức truyền thống thành phương thức số giúp mở rộng thị trường, tạo ra khách hàng mới, tiêu biểu như Viet Capital Bank, nhờ ứng dụng giải pháp định danh khách hàng điện tử eKYC, đã khiến tỉ lệ đăng kí tài khoản mới tới tháng 8 tăng gấp 3 lần so với tháng 1.

Công nghệ - 'vũ khí' bán hàng thời COVID-19 của nhiều 'ông lớn' - Ảnh 2.

Các diễn giả tham gia diễn đàn "Từ sống sót đến thịnh vượng". (Ảnh: FPT).

Theo ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT CEN Group, COVID-19 đã thúc đẩy doanh nghiệp phát hiện ra xu hướng mua sắm mới, tìm ra thị trường ngách và ngay lập tức triển khai tiếp cận thị trường. 

Khi cả thị trường bất động sản tê liệt, CEN Group vẫn duy trì đội ngũ gần 3.000 nhân sự, chốt hàng ngàn giao dịch mỗi tháng, doanh số 2020 dự kiến đạt, thậm chí vượt xa năm ngoái.

Kangaroo cũng có cách ứng phó tương tự, khi sáng tạo cách thức đưa hàng điện tử, điện gia dụng vào kênh hiệu thuốc, thay đổi chính sách giá để hướng tới phân khúc khách hàng phổ thông. 

Ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kangaroo, nhận định việc quản lí tài chính dưới góc độ sinh tồn, cắt giảm chi phí thừa và loại bỏ các khâu trung gian cũng giúp họ dành ngân sách cho việc thúc đẩy bán hàng. Nhờ đó, Kangaroo đã tận dụng cơ hội "tìm cơ trong nguy" để tăng trưởng tới 210% so với năm 2019.

Từ đầu cầu TP HCM, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát cho biết, trong 10 năm qua, tập đoàn vẫn luôn tập trung xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Chiến lược này đã phát huy hiệu quả trong COVID-19 khi các lãnh đạo phải đưa ra các quyết sách nhanh chóng. 

"Tập đoàn vẫn chú trọng tới yếu tố con người, thông qua việc truyền thông kêu gọi cắt giảm chi tiêu, đưa ra những đề xuất hiệu quả, tối ưu chi phí cho công ty", bà Phương nói.

SmartPay (FE Credit) tập trung vào chiến lược phát triển ứng dụng di động để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, nhờ đó họ đã có hơn 200.000 lượt tải ứng dụng mỗi tháng. Doanh số giao dịch qua kênh này tăng gấp đôi sau mỗi tháng kể từ tháng 6 đến nay.

Như Huỳnh