|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lãnh đạo 'đỡ giá' cổ phiếu thép hay thời hoàng kim sắp quay trở lại?

06:46 | 15/07/2019
Chia sẻ
Trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ngành thép liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư. Đây là tín hiệu cho thấy các cổ phiếu doanh nghiệp này hấp dẫn trở lại hay là việc "cứu giá" trong ngắn hạn khi đã giảm sâu?

Lãnh đạo ngành thép nhộn nhịp 'gom' cổ phiếu

Trong thời gian tháng 6 và đầu tháng 7, nhiều lãnh đạo ngành thép liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp mình, tạo nên tâm lý tích cực cho nhà đầu tư.

Đơn cử, đầu tháng 7, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - ông Trần Đình Long công bố đã hoàn tất mua hơn 5,556 triệu cổ phiếu HPG như đã đăng kí, nâng sở hữu của ông lên 700 triệu cp tương ứng tỉ lệ 25,35% vốn điều lệ Hòa Phát.

Vợ ông Trần Đình Long là bà Vũ Thị Hiền mới đây cũng đã hoàn tất việc mua gần 850.000 cổ phiếu HPG và nâng sở hữu lên tròn 202 triệu cp, tương ứng tỉ lệ 7,32%. Một số người thân khác của ông Long cũng sở hữu cổ phiếu HPG như các anh trai Trần Đình Thăng, Trần Đình Tân, em gái Trần Ánh Tuyết mỗi người đang nắm giữ 450.361 đơn vị.

Tính chung ông Long và các tổ chức, cá nhân có liên quan đang sở hữu 904,65 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng tỉ lệ 32,76%.

Tại Thép Nam Kim, ông Võ Hoàng Vũ – Thành viên HĐQT công ty đăng ký mua 15 triệu cp; Phó Tổng Giám đốc – bà Trần Ngọc Diệu đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, một doanh nghiệp ngành thép khác là Đầu tư Thương mại SMC cũng muốn trở thành cổ đông lớn tại Thép Nam Kim khi đăng ký mua 6,3 triệu cổ phần.

Cùng với đó, ông Lê Minh Hải - Chủ tịch HĐQT Thép Việt Đức vừa đăng ký mua 700.000 cổ phiếu VGS. Trước đó, vào cuối tháng 5, vợ và hai con ông Hải cũng mua thành công gần 5 triệu cổ phiếu NKG. Nếu giao dịch của ông Hải diễn ra thành công, tổng số cổ phiếu VGS do gia đình ông nắm giữ sẽ nâng lên 16,165 triệu đơn vị, tương ứng 38,39% vốn điều lệ.

Giá cổ phiếu liên tục giảm xuống dưới mệnh giá

Việc các lãnh đạo ngành thép liên tục mua vào diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành này đều giảm sâu trong hơn một năm trở lại đây. Theo thống kê, mức giảm trung bình của cả ngành ở mức hơn 50%, thậm chí có mã mất tới 75% giá trị và hiện giao dịch ở dưới mệnh giá.

Lãnh đạo liên tục đăng ký mua vào, thời 'hoàng kim' ngành thép sẽ quay trở lại? - Ảnh 1.

Cổ phiếu ngành thép diễn biến tiêu cực trong hơn một năm trở lại đây. Nguồn: VNDirect

Cụ thể, từ tháng 3/2018 đến tháng 7/2018, cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim chứng kiến mức giảm mạnh nhất với 74,51%, về vùng giá quanh 6.000 đồng/cp. 

Trong kịch bản không mấy khả quan hơn, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận mức giảm 62,89% xuống còn 7.220 đồng/cp; cổ phiếu POM của Thép Pomina mất 54,4% giá trị, hiện giao dịch tại 6.700 đồng.

Cổ phiếu TLH của Thép Tiến Lên cũng ghi nhận mức giảm 54,36% kể từ tháng 3/2018, hiện là cổ phiếu có thị giá thấp nhất trong nhóm với 5.000 đồng/cp. 

Cổ phiếu "ông lớn" đầu ngành - HPG của Tập đoàn Hòa Phát đứng đầu về thị giá với 21.350 đồng/cp. Tuy nhiên, so với mức đỉnh hồi tháng 3/2018, cổ phiếu này cũng mất tời 41,74% giá trị.

Trong khi đó, cổ phiếu VGS của Thép Việt Đức ghi nhận sự tích cực hơn các mã còn lại khi chỉ giảm giá 3,41%. Trong tháng 3 năm nay, cổ phiếu này thậm chí có nhịp bứt phá hơn 50%, tuy nhiên sau đó lại tiếp diễn xu hướng giảm về mức giá 8.000 đồng/cp.

Giá cổ phiếu giảm đến từ bối cảnh ảm đạm trong kết quả kinh doanh

Số liệu trong BCTC cho thấy, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép trong giai đoạn 2015 - 2018 vẫn tăng trưởng khi doanh thu tăng đều hàng năm, trung bình hơn 20%.

Tuy nhiên, do tình hình thị trường khó khăn, ban lãnh đạo các doanh nghiệp đã có sự thận trọng hơn trong việc đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019. Thống kê trong 6 doanh nghiệp, có 3 đơn đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng trong năm 2019, trong khi nửa còn lại đề ra kế hoạch 'đi lùi' so với năm 2018.

Lãnh đạo liên tục đăng ký mua vào, thời 'hoàng kim' ngành thép sẽ quay trở lại? - Ảnh 2.

Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp

Cùng với đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp nhóm này đều suy giảm do ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, dẫn đến lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp này giảm khoảng 20% so với cùng kì.

Kết thúc năm 2018, Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp duy nhất có lợi nhuận tăng trưởng với tỉ lệ 7,3%, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đã giảm đáng kể so với mức trung bình hơn 30% của giai đoạn trước.

Trong khi đó, lợi nhuận của Thép Pomina và Thép Việt Đức giảm gần 40%, Tập đoàn Hoa Sen giảm 70%, Thép Tiến Lên giảm 76%, thậm chí Thép Nam Kim giảm tới 92% lợi nhuận trong năm vừa qua.

Lãnh đạo liên tục đăng ký mua vào, thời 'hoàng kim' ngành thép sẽ quay trở lại? - Ảnh 3.

Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp

Trong báo cáo phân tích công bố vào cuối tháng 5, Chứng khoán BSC đánh giá lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép trong quý I/2019 đều suy giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018 do ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, dẫn đến lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp này giảm khoảng 20%.

Đối với nhóm tôn mạ, doanh thu của các doanh nghiệp hầu hết đều giảm tương đối do sản lượng xuất khẩu bị sụt giảm cùng với đó là áp lực nợ vay khiến cho lợi nhuận sau thuế đều giảm mạnh.

Thời hoàng kim có quay trở lại?

Trong một số trường hợp, khi giá cổ phiếu giảm mạnh, các doanh nghiệp có hành động cứu giá cổ phiếu thông qua việc mua cổ phiếu quỹ hoặc ban lãnh đạo tự bỏ tiền túi ra mua. Qua đó, lực cầu cổ phiếu trên thị trường tăng lên, có thể hỗ trợ tích cực giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, xu hướng dài hạn của cổ phiếu vẫn phụ thuộc phần lớn vào hiệu quả kinh doanh cũng như triển vọng của doanh nghiệp.

Về triển vọng ngành thép năm 2019, Chứng khoán BSC dự báo lợi nhuận của ngành trong năm 2019 sẽ có sự sụt giảm tương đối mặc cho doanh thu tiếp tục có sự tăng trưởng.

Theo đó, ngành thép sẽ phải đối mặt với các yếu tố bất lợi do cạnh tranh tăng cao khi sản lượng tiêu thụ thép năm 2019 dự kiến chỉ duy trì ở mức tăng trưởng 10% tương đương năm 2018, trong khi nguồn cung dự kiến sẽ tăng mạnh khi các nhà máy thép mới được đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, giá các loại nguyên liệu đầu (giá quặng sắt, giá điện) vào tăng đột biến, đặc biệt trong quí II, các doanh nghiệp thép sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi giá quặng tăng mạnh từ cuối quí I, do đó biên lợi nhuận gộp dự kiến sẽ suy giảm rõ rệt so với cùng kì năm 2018.

Đáng chú ý hơn, Bộ Thương mại Mỹ vừa thông báo đã có quyết định sơ bộ khẳng định thép cacbon chống ăn mòn và thép cán nguội của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Trước đó, cơ quan này cho biết sẽ áp thuế hơn 450% đối với thép Việt Nam có xuất xứ Hàn Quốc và  Đài Loan, quyết định cuối cùng của Mỹ về áp thuế Việt Nam sẽ công bố vào tháng 9.

Kết quả hiện vẫn đang được chờ đợi, tuy nhiên nếu Mỹ áp thuế đối với thép Việt Nam, các doanh nghiệp ngành thép sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong tương lai. Bởi theo theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Mỹ là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 6 tỉ đô la Mỹ năm 2018. 

Sơn Tùng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.