|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Muôn màu kế hoạch kinh doanh ngành thép

07:08 | 22/04/2019
Chia sẻ
Nhìn vào kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp thép trong năm 2019, khó có thể rút ra được một kết luận chung về triển vọng của ngành khi có DN dự báo lãi, có DN dự báo lỗ, có DN cho rằng doanh thu tăng-lợi nhuận giảm, có DN nghĩ doanh thu giảm - lợi nhuận tăng, có DN lại chẳng buồn đặt ra mục tiêu cụ thể.

Tại đại hội nhiệm kì V (2019-2023) của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) tổ chức ngày 16/4 vừa qua, VSA cho biết trong nhiệm kì này có tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo khá cao từ 6,7 đến 7%/năm nên nhu cầu thép cũng tăng cao.

Đây cũng là giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng, đặc biệt là thực hiện các hiệp định tự do thương mại thế giới mới sẽ tạo điều kiện tốt cho ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị, công nghệ tốt cho sản xuất thép.

Dự báo trên cho thấy ngành thép sẽ gặp những thuận lợi nhất định, tuy nhiên việc thực hiện các hiệp định tự do hóa thương mại sẽ tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt hơn, nhất là với các sản phẩm thép từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép cũng phải xác định, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều vụ tranh tụng thương mại quốc tế diễn ra thường xuyên hơn, đây chính là lí do làm cho công tác xuất khẩu các sản phẩm thép sẽ gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tế trên, bên cạnh những thuận lợi, ngành thép phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, nhưng VSA vẫn dự báo ngành thép Việt Nam sẽ phấn đấu sản xuất kinh doanh tăng trưởng trung bình khoảng 8% – 10%/năm. Năm 2019 và 2020 dự kiến tăng trưởng khoảng 10%; 2021 đến 2023 trung bình là 8%.

Dự báo của VSA lạc quan là vậy nhưng thực tế từng doanh nghiệp trong ngành đưa ra những mục tiêu kinh doanh hết sức khác biệt và mang nhiều màu sắc tiêu cực.

Hòa Phát: Dự báo giá đầu vào tăng, doanh thu tăng, lợi nhuận giảm

Ngày 14/3 năm nay, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2019, theo đó mục tiêu doanh thu là 70.000 tỉ đồng, tăng 27% so với thực hiện năm 2018. Ngược lại, mục tiêu lợi nhuận ròng chỉ ở mức 6.700 tỉ đồng, giảm 22%.

Ngay sau khi thông tin này được công bố, giá cổ phiếu HPG đã lập tức phản ứng tiêu cực khi giảm sâu 6%, khiến vốn hóa cổ phiếu này "bay hơi" hơn 4.300 tỉ đồng ngày 15/3.

Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 29/3, kế hoạch kinh doanh này là vấn đề đầu tiên được các cổ đông đưa ra "chất vấn" ban lãnh đạo và cũng là vấn đề chiếm nhiều thời lượng của đại hội nhất. Theo giải thích của Chủ tịch Trần Đình Long, sau vụ vỡ đập Vale ở Brazil, giá quặng thép tăng từ khoảng 63-65 USD lên 85-90 USD/tấn. Mà quặng thép lại là nguyên liệu sản xuất chính của Hòa Phát, để sản xuất 1 tấn thép, Hòa Phát cần 1,6 tấn quặng, chi phí đầu vào tăng là lí do chủ yếu khiến cho lợi nhuận giảm.

Muôn màu kế hoạch kinh doanh ngành thép - Ảnh 1.

Ông Trần Đình Long (ngồi giữa) tại Đại hội cổ đông thường niên 2019. Ảnh: Hòa Phát.

(Vale là tập đoàn sản xuất quặng sắt và nickel lớn nhất thế giới, việc đập Vale bị vỡ không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp thép Việt Nam mà trên cả thế giới)

Dù vậy, vị Chủ tịch này cũng trấn an cổ đông khi khẳng định: Hòa Phát coi thị phần là mục tiêu quan trọng nhất. Khi doanh nghiệp giành được thị phần thì lợi nhuận là hệ quả tất yếu. Giải được bài toán thị phần thì sẽ giải được bài toán lợi nhuận và các bài toán khác. Với doanh thu được dự báo tiếp tục tăng trưởng, thị phần của Hòa Phát có thể cũng sẽ đi lên.

Hoa Sen: Tái cơ cấu hệ thống phân phối, mục tiêu doanh thu giảm, lợi nhuận tăng

Trong khi đối thủ Hòa Phát đưa ra kế hoạch tăng doanh thu, giảm lợi nhuận thì CTCP Tập đoàn Hoa Sen lại dự tính doanh thu niên độ 2018-2019 giảm 9% xuống còn 31.500 tỉ đồng, lợi nhuận ròng tăng 22% lên mức 500 tỉ đồng. (Niên độ tài chính của Hoa Sen bắt đầu từ 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau)

Trong niên độ 2017-2018, Hoa Sen đạt doanh thu 34.441 tỉ đồng, vượt 15% so với kế hoạch đề ra; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 409 tỉ đồng, hoàn thành 30% kế hoạch và giảm 69% so với niên độ trước. Nguyên nhân thì có nhiều, từ các yếu tố bên ngoài (như giá nguyên liệu diễn biến bất thường, chiến tranh thương mại quốc tế, cạnh tranh trên thị trường thêm gay gắt) tới các yếu tố bên trong (như giá vốn sản phẩm quá cao, hệ thống phân phối chưa hợp lí khiến chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp cao, …)

Nhận định về năm 2019, Hoa Sen cho biết nhiều khả năng thị trường tôn thép sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều bất lợi, có thể diễn ra sự sàng lọc lớn, trong đó, ba vấn đề nổi bật nhất là:

Thứ nhất, việc các nền kinh tế lớn có xu hướng leo thang trong các cuộc xung đột thương mại, bảo hộ sản xuất, phá giá tiền tệ, các bất ổn kinh tế - chính trị thế giới nhiều khả năng sẽ làm cho giá thép nguyên liệu biến động khó lường, gây ảnh hưởng đến giá vốn của Hoa Sen.

Thứ hai, hoạt động xuất khẩu ngày càng khó khăn do các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo hộ sản xuất nội địa của các nước và tình hình tỷ giá biến động bất thường.

Thứ ba, thị trường nội địa sẽ sẽ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt do các doanh nghiệp thép chuyển hướng tập trung vào thị trường nội địa, cũng như do hành vi gian lận, nhập khẩu ố ạt thép kém chất lượng, giá rẻ vào Việt Nam.

Về phần mình, Hoa Sen cho biết sẽ tập trung vào việc quản lý hàng tồn kho, công nợ, tiết giảm chi phí. Công ty cũng triển khai kế hoạch tái cấu trúc hệ thống phân phối thông qua việc chấm dứt hoạt động hàng loạt chi nhánh trực thuộc Tập đoàn và chuyển thành các điểm bán hàng trực thuộc chi nhánh tỉnh. Đến nay, Hoa Sen đã chấm dứt hoạt động gần 200 chi nhánh.

Hoa Sen khẳng định việc chuyển đổi này không làm thay đổi số lượng đơn vị phân phối thuộc Tập đoàn, và không làm ảnh hưởng đến chiến lược mở rộng hệ thống phân phối lên khoảng 1.000 - 1.200 cửa hàng trên toàn quốc như Chủ tịch Lê Phước Vũ trình bày tại ĐHCĐ gần đây nhất.

Về thị trường quốc tế, Hoa Sen đã đã xuất khẩu hai lô hàng 5.000 tấn và 17.000 tấn tôn lần lượt sang Malaysia và Mỹ trong mấy tháng đầu năm 2019.

Muôn màu kế hoạch kinh doanh ngành thép - Ảnh 2.

Sản phẩm Tôn Hoa Sen chuẩn bị được xuất sang Malaysia. Ảnh: Hoa Sen.

Thép Việt – Ý: Mục tiêu bớt lỗ

Nhận định về tình hình thị trường thép năm 2019, CTCP Thép Việt – Ý nhận thấy có một số điểm thuận lợi như:

Bất động sản tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhờ tiền đề của tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Chung cư tại Hà Nội và phía Bắc tiếp tục phát triển do còn nhiều dư địa.

Lượng thép tiêu thụ/đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp khi so với các quốc gia phát triển, và chỉ đứng thứ 4 trong khu vực với khoảng 240 kg/người. Do vậy, Hiệp hội thép Việt Nam cho rằng ngành thép còn dư địa phát triển.

Một nhân tố thuận lợi khác với VIS là Việt Nam hiện đang được áp thuế tự vệ trong ngành thép đối với phôi thép là 23% và giảm dần 1-2% mỗi năm trong vòng 4 năm. VIS là một trong những doanh nghiệp tự sản xuất được phôi thép nên đã và đang tiếp tục có lợi thế so với cá DN không chủ động về nguồn phôi thép.  

Việc tập đoàn sản xuất thép đến từ Nhật Bản Kyoei Steel trở thành cổ đông chiến lược của VIS đã mang đến cho VIS những kiến thức, kĩ năng về công nghệ quản trị, kiểm soát chất lượng và những dự án tiềm năng từ nhà đầu tư Nhật Bản mà lâu nay VIS khó tiếp cận.

Ngược lại, VIS cũng chỉ ra một số khó khăn tiềm tàng như:

Kinh tế một số nước châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, … bắt đầu chững lại và đi xuống. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, chính sách bảo hộ thương mại đang gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung. Nhiều nước đang dùng các công cụ phòng vệ thương mại để gây khó kahwn cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam

Ở trong nước, Nhà máy thép của Hòa Phát tại Dung Quất đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 từ quí IV/2018 và sẽ tiếp tục hoàn thiện giai đoạn 2 trong năm 2019, do đó VIS nhận định sự cạnh tranh về sản phẩm thép cán và phôi thép sẽ rất khốc liệt.

Từ đây, VIS đặt ra mục tiêu doanh thu năm 2019 giảm 7% xuống còn 4.862 tỉ đồng, lỗ trước thuế giảm từ 326,3 tỉ đồng trong năm 2018 xuống còn 92,5 tỉ đồng trong năm nay. Số lao động bình quân của doanh nghiệp dự kiến cũng giảm từ 844 xuống còn 829.

Thép Dana – Ý: Nhà máy tạm ngừng hoạt động, đừng bàn đến doanh thu - lợi nhuận

Trong khi Hòa Phát và Hoa Sen đang nói chuyện doanh thu nghìn tỉ, Công ty cổ phần thép Dana – Ý đã trải qua "một năm 2018 đầy sóng gió" – theo như lời của HĐQT và Ban Tổng Giám đốc công ty, và năm 2019 nhiều khả năng cũng không mấy khả quan.

Cụ thể, từ cuối tháng 1/2018, người dân sống xung quanh nhà máy thép Dana - Ý kéo đến bao vây, không cho nhà máy hoạt động. Theo công ty, nguyên nhân của vụ việc là do việc qui hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh trước đây chưa phù hợp khi để người dân sát cạnh cụm công nghiệp và không có vành đai phân cách giữa khu dân cư và cụm công nghiệp; đồng thời việc thiếu nhất quán trong việc giải tỏa di dời người dân ra khỏi Cụm công nghiệp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người dân phản ứng gay gắt, bao vây nhà máy thép.

Từ ngày 2/3 đến 26/3/2018, công ty bị UBND thành phố Đà Nẵng buộc tạm dừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp (luyện, nấu) gây ô nhiễm môi trường. Công ty đã có văn bản kiến nghị, tuy nhiên đến ngày 22/11/2018, công ty bị xử phạt vi phạm hành chính 400 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động sản xuất trong 6 tháng.

Ngày 30/1 và 25/2, công ty đã gửi đơn khởi kiện UBND thành phố và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, Tòa án Nhân dân thành phố đã chuyển đơn khởi kiện của công ty đến Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TP để hòa giải, đối thoại theo qui trình tố tụng.

Năm 2018, công ty đặt mục tiêu doanh thu 3.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 88 tỉ đồng. Thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, thậm chí dừng hoàn toàn vào quí IV, công ty chỉ đạt doanh thu hơn 1.500 tỉ đồng và lợi nhuận âm 112 tỉ đồng.

Nói về định hướng hoạt động năm 2019, lãnh đạo công ty không bàn đến con số doanh thu, lợi nhuận mà chỉ ra một "lối thoát" cho cổ đông: "Nếu cổ đông nào muốn bán lại cổ phần DNY, các thành viên HĐQT sẵn sàng mua lại theo giá thỏa thuận".

Song Ngọc, Kiên Dương