|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lần đầu tiên sau 6 năm, Apple lại trở thành hãng smartphone bán chạy nhất Trung Quốc

10:04 | 27/01/2022
Chia sẻ
Giữa lúc thị trường smartphone Trung Quốc ảm đạm, Apple đón tăng trưởng mạnh để leo lên vị trí quán quân.

Apple vừa đạt được mốc thị phần cao nhất trong lịch sử ở Trung Quốc trong quý IV/2021. Theo đó, Apple trở thành nhà sản xuất smartphone dẫn đầu thị trường tỷ dân lần đầu tiên trong suốt 6 năm qua, theo một báo cáo mà công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research công bố.

Apple đạt được thành tích này cùng thời điểm hãng ra mắt chiếc iPhone 13 và giữa lúc nhu cầu điện thoại của thị trường giảm sút do thị phần của Huawei Technologies Co Ltd giảm mạnh.

Apple trở lại ngôi vương smartphone tại Trung Quốc sau 6 năm - Ảnh 1.

Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất của Apple. (Ảnh: Reuters).

Thị phần smartphone của Apple tại Trung Quốc đạt mốc 23%, một kỷ lục đối với "ông lớn" công nghệ này. Doanh số bán hàng của Apple tăng 32% trong quý IV so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó tổng doanh số smartphone bán ra ở Trung Quốc giảm 9%, theo Counterpoint.

Ông Mengmeng Zhang, nhà phân tích tại Counterpoint, nhận định Apple đạt được thành tích nói trên nhờ giá khởi điểm bán hàng thấp hơn tại Trung Quốc và đối thủ lớn nhất của Apple ở phân khúc cao cấp là Huawei chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Mỹ.

Lần gần nhất Apple là thương hiệu smartphone bán chạy nhất ở Trung Quốc là vào cuối năm 2015, nay sau thời điểm hãng này bán ra chiếc iPhone 6. Đây là chiếc điện thoại được nhiều người dùng tại Trung Quốc đón nhận do có màn hình lớn.

Tính trong cả năm 2021, Apple là nhà sản xuất smartphone bán chạy thứ 3 tại Trung Quốc với thị phần 16%. Vivo và OPPO, 2 nhà sản xuất smartphone thuộc sở hữu của công ty BBK Electronics, đứng ở vị trí số 1 và số 2 với thị phần lần lượt là 22% và 21%.

Trong năm 2021, doanh số của Apple tăng 47%, trong khi đó doanh số của Huawei giảm 68%. Tổng thể, doanh số smartphone bán ra tại Trung Quốc giảm 2%.

Việc người dùng có xu hướng trì hoãn các quyết định mua điện thoại mới, đồng nghĩa với chu kỳ nâng cấp điện thoại dài hơn, đang trở thành một thách thức với các thương hiệu smartphone Trung Quốc tìm kiếm cơ hội tăng trưởng tại thị trường nội địa.

Cùng lúc, đợt thiếu hụt chip và linh kiện trên toàn cầu cũng ảnh hưởng đến toàn bộ ngành điện tử tiêu dùng. Theo đó, giá thành của thiết bị tăng lên và biên lợi nhuận các nhà sản xuất phần cứng giảm sút.

Nam Khánh