Dịch corona hoành hành nhưng chứng khoán Trung Quốc vẫn lên đỉnh 3 năm, vì sao?
Nói đến dịch virus corona, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu nhiều người là những tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp, nền kinh tế và hiển nhiên là với thị trường chứng khoán. Vậy nhưng chỉ số ChiNext của sàn chứng khoán Thẩm Quyến không những nhanh chóng hồi phục mức giảm sâu của ngày giao dịch đầu xuân mà còn leo lên đỉnh 3 năm.
Theo Bloomberg, lời giải thích dễ thấy nhất cho hiện tượng này là dịch virus corona đang cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cơ hội sửa sai mà không mất mặt.
Hồi năm 2018, thị trường Trung Quốc có giai đoạn giảm sâu thuộc loại tồi tệ nhất thế giới. Đợt bán tháo này bắt đầu trước khi chiến tranh thương mại bùng nổ nhưng đúng vào lúc nhà đầu tư lo ngại về tỉ lệ vỡ nợ cao kỉ lục của các doanh nghiệp, kể cả nhóm ngành công nghệ và chế tạo điện tử của nền kinh tế mới.
Dần về cuối năm 2018, thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm sâu thêm khi nhiều doanh nghiệp bị gọi kí quĩ. Hơn 20% số doanh nghiệp niêm yết của Trung Quốc đã cầm cố ít nhất 1/3 số cổ phiếu của mình để đáp ứng nhu cầu tài chính và khi giá cổ phiếu giảm, các doanh nghiệp bị yêu cầu phải nộp thêm tài sản bảo đảm.
Tình trạng này xảy ra là vì vào cuối năm 2017, Trung Quốc tuyên chiến với hệ thống ngân hàng ngầm và quyết tâm dẹp bỏ kênh tín dụng quan trọng này. Tháng 4/2018, chính quyền Bắc Kinh đưa ra loạt qui định mới, yêu cầu các ngân hàng ưu tiên cho vay theo kiểu truyền thống và không sử dụng các sản phẩm quản lí tài sản sáng tạo từng giúp nhiều công ty tư nhân huy động vốn.
Năm 2019, trên thị trường xuất hiện nhiều suy đoán về việc cuộc chiến chống hệ thống ngân hàng ngầm của chính quyền Bắc Kinh sẽ không thể kéo dài. Suy cho cùng, các doanh nghiệp Trung Quốc đã phải trải qua hai năm có tỉ lệ vỡ nợ cao kỉ lục, một cuộc chiến thương mại từ trên trời giáng xuống và các chính sách kiểm soát tín dụng hà khắc.
Đến nay, các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh vẫn chưa hành động theo hướng của các nỗ lực vận động hành lang. Các ngân hàng vốn dĩ đã có một giai đoạn chuẩn bị đến cuối năm 2020 trước khi phải tuân thủ hoàn toàn theo các qui định mới.
Nếu lại lùi thời hạn áp dụng nữa thì chẳng khác nào Bắc Kinh thừa nhận chính sách mới này không được nghiên cứu kĩ trước khi ban hành và tư tưởng ban đầu của chính sách là sai lầm. Đương nhiên các quan chức Trung Quốc không muốn mất mặt.
Tuy nhiên dịch virus corona đã thay đổi tình tiết câu chuyện. Lãnh đạo Trung Quốc có thể viện lí do ứng phó dịch bệnh để thay đổi chính sách của mình.
Cuối tuần trước, các cơ quan quản lí Trung Quốc cho biết họ có thể sẽ đồng ý lùi thời hạn áp dụng qui định mới về cho vay đối với những ngân hàng đang gặp khó khăn. Caixin - một hãng tin của Trung Quốc gần đây cũng cho biết thời gian chuẩn bị của các ngân hàng có thể sẽ được lùi lại một năm cho tới cuối 2021.
Trong tuần qua, nhiều cơ quan nhà nước Trung Quốc đã ra mặt để ổn định thị trường tài chính sau kì nghỉ Tết Nguyên đán bị kéo dài vì dịch virus corona. Trong đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bơm ra 1.200 tỉ nhân dân tệ (tương đương 173 tỉ USD) thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong ngày 3/2, đánh dấu ngày bơm tiền khủng nhất của PBoC kể từ năm 2004.
Theo Bloomberg, trong số những biện pháp được đưa ra nhằm ổn định thị trường, nếu Trung Quốc có thể dừng hoàn toàn cuộc chiến nhằm vào hệ thống ngân hàng ngầm thì sẽ là lí tưởng nhất.
Các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc vốn dĩ rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng nên dù PBoC có hạ lãi suất điều hành cũng không giúp ích gì nhiều. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tốt đã biến thành xấu trong hai năm qua do không tài trợ được nhu cầu vốn lưu động.
Vì vậy nên khi thông tin về việc nới lỏng qui định cho vay với doanh nghiệp tư nhân xuất hiện tuần trước, chỉ số ChiNext (với nhiều cổ phiếu tư nhân) lại tăng vượt trội hơn hẳn so với chỉ số Shanghai Composite (với nhiều cổ phiếu lớn của doanh nghiệp nhà nước).
Bên cạnh những lo ngại về tác động tiêu cực của dịch bệnh hay những chỉ trích về sự che giấu hay ứng phó chậm trễ của chính quyền, các nhà đầu tư đang hi vọng Bắc Kinh có thể bỏ đi cái nhìn ác cảm đối với hệ thống ngân hàng ngầm và tạo ra một hệ thống tín dụng mới giúp khu vực tư nhân tiếp cận vốn dễ dàng hơn.