Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai sẽ mở mới bao nhiêu khu công nghiệp thời gian tới?
Lâm Đồng: Phát triển thêm 2-3 KCN tại TP Bảo Lộc, huyện Đạ Tẻh, Bảo Lâm
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có ba KCN là Lộc Sơn (TP Bảo Lộc), Phú Hội và Phú Bình (huyện Đức Trọng) với tổng diện tích quy hoạch 538 ha. Hai KCN Lộc Sơn và Phú Hội đang có các hoạt động sản xuất còn KCN Phú Bình đang trong giai đoạn thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng.
Đến nay tỉnh Lâm Đồng có 11 CCN với tổng diện tích 382 ha. Chia theo địa phương, huyện Di Linh và Bảo Lâm cùng có 2/11 CCN; 7 huyện, thành phố mỗi địa phương có một CCN, còn lại ba địa phương Đức Trọng, Đạ Tẻh và Cát Tiên không có CCN.
Dự thảo quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định phát triển thêm 2-3 KCN tại TP Bảo Lộc, huyện Đạ Tẻh, Bảo Lâm,…, đầu tư thêm một số CCN tại các huyện Di Linh, Lâm Hà, Cát Tiên.
Giai đoạn đến năm 2025, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 tại hai KCN Lộc Sơn và Phú Hội, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, tập trung hoàn thành thủ tục pháp lý thành lập KCN Phú Bình.
Tỉnh sẽ bổ sung vào danh mục quy hoạch thêm hai KCN mới là KCN Nam Lâm Đồng (huyện Đạ Tẻh) diện tích 500 ha và KCN Lộc Châu-Đại Lào (TP Bảo Lộc) diện tích 190 ha, đưa số KCN của Lâm Đồng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận lên 5 KCN với tổng diện tích 1.228 ha. Tỉnh giữ nguyên 9 CCN hiện trạng với tổng diện tích 307 ha.
Giai đoạn 2026-2030, Lâm Đồng tiếp tục đầu tư và hoàn thiện theo giai đoạn KCN Phú Bình, phấn đấu lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp của hai KCN Lộc Sơn, Phú Hội và 70-80% KCN Phú Bình).
Dự kiến trong giai đoạn đến năm 2030, tỉnh hoàn thành các thủ tục đầu tư, xây dựng hạ tầng KCN Nam Lâm Đồng và KCN Lộc Châu-Đại Lào.
Sau khi điều chỉnh và bổ sung mới, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh quy hoạch 17 CCN với tổng diện tích 763,58 ha.
Tỉnh Đắk Nông: Mở mới 4 KCN 5.000 ha sau năm 2030
Tỉnh Đắk Nông hiện có hai KCN là KCN Tâm Thắng 169 ha tại huyện Cư Jút và KCN Nhân Cơ 148 ha tại huyện Đắk R'lấp,… Ngoài ra, tỉnh còn quy hoạch KCN Nhân Cơ 2 có quy mô 900 ha, tuy nhiên hiện nay chưa được triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng.
Địa phương quy hoạch 9 CCN, đến nay có 4 cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch, gồm: Thuận An, huyện Đắk Mil; BMC, huyện Đắk G’Long; Quảng Tâm, huyện Tuy Đức và Krông Nô, huyện Krông Nô. Hai CCN đã được quy hoạch nhưng chưa được thực hiện là Quảng Tâm -Tuy Đức quy mô 35 ha chưa triển khai và CCN Krông Nô 25 ha đang giải phóng mặt bằng.
Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, tổng diện tích khu phát triển công nghiệp đến năm 2030 của Đắk Nông khoảng 1.200-1.300 ha; trong đó diện tích đất KCN 700-750 ha, diện tích đất CCN 500-550 ha.
Định hướng sau năm 2030, diện tích khu phát triển công nghiệp của Đắk Nông khoảng 4.700 - 5.000 ha, trong đó, KCN Tâm Thắng tăng 12 ha so với hiện trạng. Quy hoạch đến năm 2030, KCN Nhân Cơ II (huyện Đắk Rlấp) 400 ha.
Ba KCN với tổng diện tích khoảng 5.000 ha được định hướng xây mới sau năm 2030 là KCN Quảng Sơn (Đắk Glong) 1.000 ha, KCN Đắk Ru (Đắk R'lấp) 1.000 ha và KCN Đắk Song I&II quy mô 3.000 ha.
Quy hoạch đến năm 2030, CCN Trúc Sơn (huyện Cư Jút) có diện tích 60 ha; CCN Nam Dong (Cư Jút) 60 ha; CCN Quảng Khê (Đắk Glong) 60 ha; mở rộng CCN Thuận An (Đắk Mil) 27,7 ha; CCN Đắk R'la (Đắk Mil) 60 ha; CCN Đắk R’lấp 50 ha; CCN Đắk Song 50 ha; CCN Krông Nô (Đắk Dro) 25 ha; CCN Quảng Tâm (Tuy Đức) 35 ha; CCN Gia Nghĩa 60 ha.
Lâu dài, sau 2030 sẽ mở rộng đạt 75ha/CCN, tổng diện tích đất CCN đạt khoảng 800 – 900 ha.
Gia Lai: Kết nối không gian công nghiệp với các tuyến đường lớn
Hiện Gia Lai có ba KCN với tổng quy mô khoảng 620 ha, trong đó, KCN Trà Đa có diện tích 210 ha, KCN Nam Pleiku gần 200 ha và KCN thuộc Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh được bố trí ở phía bắc trục quốc lộ 19 có diện tích 210 ha.
Tính đến năm 2020, diện tích phát triển CCN trên địa bàn tỉnh là 572 ha, 20% diện tích đã lấp đầy. Đến nay, có 12 CCN đã thành lập và quy hoạch chi tiết với diện tích 391,5 ha; hai CCN đã quy hoạch chi tiết nhưng chưa thành lập (CCN Chư Prông, Chư Pưh); 4 CCN chưa thành lập và chưa quy hoạch chi tiết (CCN Krông Pa, K’Bang, Mang Yang, Chư Păh (B)).
Các CCN được bố trí có tính kết nối với hệ thống giao thông thuận lợi dọc theo quốc lộ 14 (CCN Chư Păh, CCN Chư Pưh); quốc lộ 19 (CCN Đak Đoa, Mang Yang, An Khê); quốc lộ 25 (CCN Chư Sê, CCN Ia Sao thị xã Ayun Pa).
Dự thảo quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho biết ngoài hai KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Trà Đa (Pleiku), Nam Pleiku (Chư Prông, Đak Đoa); trên địa bàn tỉnh còn có các CCN tập trung như CCN An Khê (thị xã An Khê), CCN Đak Đoa (huyện Đak Đoa), CCN Ayun Pa (thị xã Ayun Pa), CCN Chư Sê (thị xã Chư Sê), cụm CN (huyện Mang Yang) và KCN cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ),...
Đến năm 2030, tổng diện tích đất KCN của Gia Lai là 651 ha, gồm các KCN: KCN Trà Đa 164 ha, KCN Lệ Thanh 210 ha; KCN Nam Pleiku 198 ha, KCN Đông Pleiku (Đak Đoa) quy mô 200 ha (giai đoạn 2021 – 2030 thực hiện 79 ha),....
Với CCN, đến năm 2030 toàn tỉnh xây dựng 31 CCN với tổng quy mô là 1.737 ha.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/