Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh sẽ dành bao nhiêu ha đất cho phát triển khu công nghiệp giai đoạn tới?
Bà Rịa – Vũng Tàu: Phần lớn đất công nghiệp nằm tại TX Phú Mỹ
Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tổng diện tích đất dành cho phát triển khu công nghiệp (KCN) của tỉnh này là 10.755 ha, cụm công nghiệp (CCN) là 684 ha.
Tỉnh cho biết không gian phát triển công nghiệp tập trung ở khu vực phía tây của tỉnh, dọc QL51 và tuyến sông Thị Vải thuộc địa phận TP Vũng Tàu và phần lớn TX Phú Mỹ. Sự phát triển các khu công nghiệp tại các khu vực này tận dụng lợi thế hệ thống cảng biển Thị Vải – Cái Mép.
Ngoài các KCN đã được đầu tư, thuộc quy hoạch công nghiệp quốc gia hoặc đã có quyết định phê duyệt, nhu cầu đất phát triển 6 KCN mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 khoảng 6.850 ha. Còn diện tích cho các cụm công nghiệp, các khu tiểu thủ công nghiệp được phát triển mới đến năm 2030 tăng thêm 504 ha.
Định hướng giai đoạn 2021-2030, Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung phát triển các KCN đã có quyết định thành lập hoặc đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch.
Cụ thể, 13 KCN đã và đang tiến hành đầu tư xây dựng với tổng diện tích theo quy hoạch được duyệt là 7.261 ha bao gồm: KCN Đông Xuyên (TP Vũng Tàu); KCN Phú Mỹ 1, KCN Phú Mỹ 2 bao gồm cả phần đã mở rộng, KCN Phú Mỹ 3, KCN Mỹ Xuân A, KCN Mỹ Xuân A2, KCN Mỹ Xuân B1 - Conac, KCN Mỹ Xuân B1 - Tiến Hùng, KCN Mỹ Xuân B1 - Đại Dương, KCN Cái Mép (TX Phú Mỹ), KCN Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ); KCN Sonadezi Châu Đức, KCN Đá Bạc (huyện Châu Đức).
Hai KCN trong quy hoạch phát triển KCN Việt Nam đang làm thủ tục đầu tư với tổng diện tích 1.250 ha. Trong đó, KCN Vạn Thương (400 ha), KCN Dầu khí - Long Sơn (850 ha); xem xét đưa KCN Dầu khí - Long Sơn ra khỏi quy hoạch, để dành quỹ đất xây dựng dự án trọng điểm về công nghiệp.
Hai KCN được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch tổng diện tích 560 ha, bao gồm KCN đô thị TMDV HD (450 ha), KCN Mỹ Xuân. Conac mở rộng (110 ha).
Địa phương này nghiên cứu phát triển thêm các KCN có khả năng thu hút đầu tư, tổng diện tích đất khu công nghiệp tăng thêm 6.850 ha. Cụ thể, KCN Phú Mỹ 3 mở rộng 650 ha, KCN Cù Bị 4.200 ha, KCN Xà Bang 1.200 ha, KCN Bình Ba 800 ha; trong đó chỉ tiêu sử dụng đất KCN phân bổ cho 4 KCN mới đến năm 2030 là 2.554 ha.
Địa phương này cũng không đưa vào quy hoạch KCN - đô thị Xuyên Mộc, KCN Đất Đỏ 2 và KCN Phước Hoà.
Như vậy, đến năm 2030 đất khu công nghiệp tập trung chủ yếu tại TX Phú Mỹ (phát triển các khu công nghiệp chuyên sâu, hóa dầu…) và huyện Châu Đức (phát triển các khu công nghiệp tận dụng sự lan tỏa với sân bay Long Thành).
Với các CCN, diện tích đất CCN tỉnh xác định đến năm 2030 là 684 ha, tăng 504 ha so với năm 2020.
Đến năm 2030 các cụm công nghiệp phát triển trên địa bàn tất cả các đơn vị hành chính trên địa bàn, tập trung chủ yếu tại TX Phú Mỹ, huyện Xuyên Mộc, TP Bà Rịa.
Bình Phước: Tập trung phát triển các KCN diện tích dưới 500 ha
Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chỉ tiêu quy hoạch dụng đất đến năm 2030 của tỉnh, đất khu công nghiệp là 16.461 ha, đất cụm công nghiệp là 1.818 ha.
Tỉnh đến nay đã quy hoạch 13 KCN với tổng diện tích 6.061 ha, bao gồm 4.686 ha hiện hữu và 1.375 ha đang thực hiện mở rộng.
Hiện địa phương có 12/13 KCN đi vào hoạt động, diện tích đất KCN có thể cho thuê là 3.271 ha, diện tích đất KCN đã cho thuê là 1.297 ha. Ngoài ra trong KKT Cửa khẩu Hoa Lư đã có 4 KCN được quy hoạch với tổng diện tích là 1.430 ha.
So với một số địa phương lân cận, tỉnh Bình Phước thuộc vào nhóm có diện tích quy hoạch KCN thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy các KCN của Bình Phước mới đạt trung bình 39,6%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình của vùng Đông Nam Bộ (71%).
Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030 có 40 CCN với tổng diện tích hơn 1.600 ha.
Đến nay, đã có 9 CCN được thành lập trong tổng số 40 CCN được quy hoạch trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích các CCN được thành lập là 453,96 ha. Còn lại 31 CCN chưa thành lập, trong đó có 8 CCN đang được quy hoạch trên đất của các hộ dân nên các nhà đầu tư hạ tầng không có khả năng để giải phóng mặt bằng.
Về quy hoạch phát triển các KCN, quy mô phát triển KCN giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến là 12.344 ha, trong đó quy hoạch hiện hữu chuyển tiếp qua giai đoạn 2021-2025 là 6.061 ha, quy hoạch bổ sung thêm giai đoạn 2021-2025 là 6.283 ha. Cụ thể huyện Đồng Phú có 4.200 ha; huyện Hớn Quản 1.000 ha; huyện Phú Riềng 283 ha và huyện Chơn Thành 800 ha.
Quy mô phát triển KCN giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến là 16.461 ha, trong đó quy hoạch phát triển KCN giai đoạn 2021 - 2025 chuyển tiếp qua giai đoạn 2026-2030 là 12.344 ha; quy hoạch bổ sung thêm giai đoạn 2026-2030 là 4.117 ha. Cụ thể, huyện Đồng Phú 1.800 ha; huyện Hớn Quản 1.300 ha; huyện Phú Riềng 1.017 ha.
Theo dự thảo quy hoạch tỉnh, định hướng của tỉnh Bình Phước là tập trung phát triển các KCN với diện tích dự án dưới 500 ha; không phát triển các dự án KCN quá lớn với diện tích trên 1.000 ha; chỉ xem xét mở rộng hoặc phát triển KCN mới cho nhà đầu tư khi tỷ lệ lấp đầy thực tế của dự án KCN đang triển khai đạt tối thiểu 60%.
Tây Ninh: Bố trí các KCN dọc các tuyến đường lớn
Với tỉnh Tây Ninh, dự thảo quy hoạch tỉnh cho biết hiện trạng sử dụng đất KCN năm 2020 là 2.745 ha. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 là 11.601 ha.
Trong giai đoạn 2021- 2030, định hướng phát triển KCN của địa phương là phân bố chủ yếu nằm trong vùng động lực kinh tế, tỉnh chú trọng phát triển KCN gắn với đô thị, dịch vụ.
Tây Ninh dự kiến lựa chọn và bố trí các KCN tại vực công nghiệp theo trục hành lang quốc lộ QL22, cao tốc TP HCM – Mộc Bài, ĐT 784, ĐT 789, đường Hồ Chí Minh: Tiếp tục duy trì phát triển các KCN là Trảng Bàng, Thành Thành Công, Phước Đông; quy hoạch mới các KCN Hưng Thuận, Thạnh Đức, Bến Củi.
Tại khu vực công nghiệp theo trục hành lang quốc lộ QL22B sẽ phát triển mới KCN Hiệp Thạnh, quy hoạch mới KCN Thạnh Đức.
Giai đoạn đến 2030, ngoài các KCN đã thành lập, tỉnh Tây Ninh có KCN Thành Thành Công mở rộng diện tích 479 ha, mở mới ba KCN là Hưng Thuận, Thạnh Đức và Bến Củi với tổng diện tích gần 4.000 ha.
Với các CCN, đến năm 2030, Tây Ninh quy hoạch 10 CCN với tổng quy mô khoảng 630 ha.