|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lãi suất từ đòn bẩy trở thành ‘con dao hai lưỡi’ cận kề doanh nghiệp

08:00 | 07/03/2023
Chia sẻ
Tiếng kêu cứu của doanh nghiệp đang lan từ ngành bất động sản cho đến sản xuất, kinh doanh, từ hàng không, du lịch cho đến dịch vụ. Lãi suất từ việc là đòn bẩy để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thì nay lại là “con dao hai lưỡi” triệt tiêu doanh nghiệp.

 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38.800 doanh nghiệp; 9.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 3.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Bình quân mỗi tháng có 25.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, mỗi ngày có 857 doanh nghiệp đăng ký “khai tử”. So với thời kỳ dịch COVID-19, lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thậm chí cao gấp đôi so với mức trung bình 12.000 doanh nghiệp “khai tử” mỗi tháng trong năm 2021.

Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh hiện đang quá khắc nghiệt, vượt xa những gì mà doanh nghiệp có thể chống chịu. 

Lãi suất thực quá cao, kinh tế thế giới suy giảm khiến xuất nhập khẩu gặp khó, những khó khăn, vướng mắc về chính sách chưa được khơi thông, thị trường bất động sản đóng băng, thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư “quay lưng” là những thực tế không thể phủ nhận trong giai đoạn hiện nay. 

Tiếng kêu cứu của doanh nghiệp lan từ từ bất động sản đến sản xuất, dịch vụ, hàng không du lịch những ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dịch COVID-19 đến việc thị trường vốn đóng băng, cạn kiệt. Lãi suất từ việc là đòn bẩy để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thì nay lại là “con dao hai lưỡi” triệt tiêu doanh nghiệp.

 

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) vừa gửi kiến nghị đến TP HCM về vấn đề lãi suất khi 83% số doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Báo cáo cho biết, thị trường bị thu hẹp, lãi suất vay cao, khó tiếp cận nguồn vốn và thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian,... là những nguyên nhân chính đẩy doanh nghiệp vào thế "khó chồng thêm khó".

Trong đó có tới 41% doanh nghiệp cho biết đang rất có khăn do thị trường bị thu hẹp, có 43% doanh nghiệp cho biết gặp khó do lãi suất vay cao; 40% đơn vị khó tiếp cận nguồn vốn và 38,2% doanh nghiệp phản ánh thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian,...

Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng nhà nước cần khống chế mức trần lãi suất, giữ mức lãi suất cho vay khoảng 8% - 8,5%. 

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: DNVN).

Phân tích về lãi suất thực hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, khi nói đến lãi suất, người ta quan tâm nhiều đến lãi suất thực nhiều hơn là lãi suất điều hành, tức là lãi suất đó trừ đi lạm phát.

Theo TS. Nghĩa, hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm dù giảm những vẫn khoảng 8-9% mà lạm phát 3,5-4% thì lãi suất thực khoảng 4-5,5%. Lãi suất cho vay hiện đang khoảng 12% trừ đi lạm phát thì lãi suất thực cho vay hiện vẫn 8 - 9%.

Trong khi ở các quốc gia như Mỹ hay châu Âu lãi suất thực thậm chí còn âm. Lạm phát ở Mỹ khoảng 6,5%, lãi suất 6% - 7% thì lãi suất thực gần bằng 0% còn Việt Nam đang là 9%, tức cao hơn lãi suất thực của Mỹ rất nhiều. Nếu so sánh với châu Âu, lạm phát 10% mà lãi suất cho vay còn thấp hơn của Mỹ thì lãi suất thực của Việt Nam còn cao hơn nữa.

"Đây là một trong những lãi suất thực cao nhất thế giới hiện nay. Thử hỏi doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với doanh nghiệp Mỹ, châu Âu trong bối cảnh chi phí tài chính cao như vậy thì họ có chịu được không?", TS. Lê Xuân Nghĩa từng nói.

PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng nhấn mạnh rằng, ông ủng hộ các chính sách có thể hạ mặt bằng lãi suất chung của toàn nền kinh tế hơn là hướng vào một thị trường nào đó.

Khi lãi suất ở về mức chấp nhận được, tất cả các hoạt động kinh tế sẽ sôi động trở lại chứ không chỉ riêng thị trường bất động sản, chuyên gia đánh giá.

 

Lãi suất quá cao ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, theo chia sẻ của một chủ doanh nghiệp trong ngành may mặc, không doanh nghiệp nào muốn giải thể, cắt giảm lao động trừ khi quá sức cầm cự.

"Hiện nay công ty chúng tôi phải chấp nhận làm hòa vốn, thậm chí chịu lỗ để vừa giữ chân khách hàng vừa ổn định đời sống người lao động", ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (TP HCM) cho hay.

Tuy nhiên, để mở rộng được đơn hàng cần thì phải có nguồn vốn nhằm điều chỉnh máy móc đáp ứng yêu cầu của khách… nhưng khó khăn hiện nay của doanh nghiệp là việc tiếp cận nguồn vốn vay cũng như lãi suất cho vay cao.

Lãi suất quá cao khiến doanh nghiệp sản xuất rơi vào cảnh, làm thì lỗ mà không làm thì công nhân không có việc, không giữ chân được khách hàng. Ấy thế mà những gói hỗ trợ được đưa ra vốn như những “bình oxy” cấp cứu lại chẳng thể đến được với doanh nghiệp.

Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất còn rất chậm, đến hết năm 2022 đạt 134 tỷ đồng tương đương khoảng 0,3% của gói 40.000 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, năm 2023 gói này sẽ giải ngân thêm được 2.345 tỷ đồng thì còn khoảng 37.521 tỷ đồng dự kiến không giải ngân hết. Đây là một nguồn lực rất lãng phí trong khi doanh nghiệp khó khăn đang cố gắng “chống chịu” từng ngày.

Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước vẫn nhiều lần họp bàn về gói này nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ chính sách khả thi nào được đưa ra. Trong khi đó, các doanh nghiệp mong mỏi được gói hỗ trợ lãi suất 2%, đồng thời mong muốn được các ngân hàng cơ cấu nợ, giữ nhóm nợ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị ngân hàng nhà nước cần sớm có hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hội thủ tục vay vốn từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. 

Song song là kiến nghị Chính phủ xem xét ưu đãi thuế đối với thuế thu nhập cá nhân trong năm 2023. Đồng thời để giải quyết tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, nhà nước tiếp tục thực hiện áp dụng thuế giá trị gia tăng 8% cho tất cả các ngành kinh tế tới hết năm...

Doanh nghiệp đang rất khó khăn khi “lưỡi dao” lãi suất cận kề. Dẫu biết để ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều yếu tố cần cân nhắc nếu muốn hạ lãi suất, song giải cứu doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản hàng loạt, ốm yếu do môi trường kinh doanh quá khắc nghiệt để tránh nguy cơ kéo theo nhiều hệ luỵ từ việc làm đến đời sống của người lao động cũng là một yếu tố cần lưu tâm.

Hạ An