Lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay liệu có giảm?
Chính phủ quyết tâm giảm mặt bằng lãi suất, sớm vận hành đặc khu kinh tế | |
Ngân hàng tăng lãi suất, tặng quà để hút tiền gửi sau Tết | |
Phó thống đốc yêu cầu ngân hàng vào cuộc giảm lãi vay |
Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng nhẹ lãi suất huy động ở các kỳ hạn cùng hàng loạt chương trình khuyến mại để thu hút vốn.
Cụ thể, tại ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), mức lãi suất kỳ hạn dài được điều chỉnh lên khá cao 8,3%/năm kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,3%/năm so với cuối năm ngoái và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 tháng ở mức 8,5%/năm.
Ngân hàng TMCP Đông Á áp dụng mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,6%/năm lên mức 6,9%/năm so với cuối năm ngoái. Một số ngân hàng thương mại quy mô lớn cũng nhích nhẹ lãi suất ở một số kỳ hạn. Điều đáng nói, khoảng cách chênh lệch lãi suất huy động cùng kỳ hạn giữa nhóm ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ với ngân hàng thương mại lớn dao động từ 2,3%-2,6%/năm.
Lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay chưa có dấu hiệu giảm. (Ảnh: KT) |
Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân đã tăng 0,5% so với cuối năm ngoái và tăng ngay từ đầu tháng 1. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào hơn do yếu tố mùa vụ vào dịp Tết nguyên đán. Đồng thời, thanh khoản của hệ thống cũng được hỗ trợ rất lớn từ việc Ngân hàng Nhà nước mua lượng lớn ngoại tệ và cung ứng ròng khoảng 70.000 tỉ đồng ra thị trường trong những tháng đầu năm.
Việc lãi suất huy động tăng, nhiều người băn khoăn, liệu lãi suất cho vay có giảm?
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, hiện đang có một lượng tiền tiết kiệm khá dồi dào, mặc dù lãi suất huy động giảm nhưng các ngân hàng vẫn tăng được quy mô huy động vốn. Việc tăng lãi suất huy động hoàn toàn không đồng nghĩa với việc giảm lãi suất cho vay vì nó phụ thuộc vào các hoạt động hạch toán của ngân hàng, phụ thuộc vào nhu cầu vay. Đặc biệt trong tháng tới, trần lãi suất, trần tín dụng còn được nâng lên. Hơn nữa, áp lực lạm phát của năm 2018 có thể mạnh hơn năm 2017, đó là áp lực lạm phát tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy và lạm phát của nước ngoài hội nhập. Do đó khả năng giảm tiếp lãi suất cho vay không thể hiện rõ nét.
Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, tại thời điểm này chưa thấy dấu hiệu lãi suất có thể giảm, một số ngân hàng tầm trung và tầm thấp vẫn phải huy động vốn bằng cách tăng lãi suất lên. Bởi hiện tại, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt, tiền dồi dào nhưng các ngân hàng muốn tận dụng thời điểm này để hút vốn huy động, từ đó có dự phòng để có thể đáp ứng nhu cầu của hoạt động tín dụng trong thời gian sắp tới.
Theo ông Hiếu, nếu lãi suất huy động cao thì lãi suất cho vay khó có thể hạ được vì biên độ lợi nhuận của Việt Nam hiện rất thấp, khoảng 2,5% trong khi lẽ ra phải có 3%. Nếu lãi suất huy động chưa giảm được thì lãi suất cho vay khó mà giảm.
Còn TS Cấn Văn Lực cho biết, yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước là các ngân hàng thương mại phải tiết giảm chi phí hoạt động, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong năm nay sẽ rất khó khi chi phí huy động vốn đang tăng.