|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kỹ sư thích xê dịch lập ứng dụng giúp mọi người lên kế hoạch du lịch

08:43 | 09/06/2018
Chia sẻ
Không muốn mọi người mất nhiều thời gian cho việc lên lịch trình trước mỗi chuyến du lịch, kỹ sư công nghệ thông tin Hồ Anh Tuấn quyết tâm tạo ra ứng dụng Triphunter
 
ky su thich xe dich lap ung dung giup moi nguoi len ke hoach du lich Thạc sỹ kế toán bán nhà để lập dịch vụ du lịch cảm hứng

Hồ Anh Tuấn hiện là kỹ sư phần mềm về iOS có 18 năm kinh nghiệm trong ngành. Anh sinh năm 1977 và tốt nghiệp khoa Công nghệ Thông tin thuộc Đại học Khoa học Huế. Đến nay, Hồ Anh Tuấn đã có kinh nghiệm quản lý phát triển nhiều ứng dụng chất lượng cao cho các công ty nước ngoài. Nhờ đó, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật, chuyên môn trong việc quản lý và phát triển các dự án theo quy mô.

TripHunter chính thức hoạt động từ tháng 2/2016. Đây là ứng dụng miễn phí cung cấp địa điểm và lên kế hoạch du lịch cho du khách để mỗi chuyến đi trở nên dễ dàng hơn. Tín đồ ưa thích xê dịch luôn phải dành nhiều thời gian tìm hiểu trước khi lên đường, song nhiều người vẫn không thể có những lựa chọn tối ưu. TripHunter sẽ đưa ra những gợi ý cho khách hàng để mang đến một lịch trình thú vị, hiệu quả.

Mong muốn đơn giản hóa một chuyến đi

Trào lưu du lịch và phượt ngày càng phát triển rầm rộ trong những năm gần đây. Bản thân Hồ Anh Tuấn cũng là một người ưa thích xê dịch. Ý tưởng bắt đầu hình thành khi anh nhận thấy những người xung quanh mất rất nhiều thời gian trước mỗi chuyến đi. Thực tế ấy thôi thúc anh thành lập một công ty công nghệ để phát triển ứng dụng có ích cho cộng đồng.

“Hồi ấy tôi không thấy một trang web hay ứng dụng nào ở Việt Nam đáp ứng đầy đủ thông tin và hỗ trợ lên lịch trình tối ưu. Bạn phải tìm hiểu thông tin trên nhiều trang web khác nhau và hỏi thăm bạn bè. Sau đó, sắp xếp các địa điểm muốn đi trên bản đồ để xem lịch trình đó đã hợp lý chưa. Chúng tôi bắt đầu bằng việc tải hết các ứng dụng du lịch cũng như xem hết các trang web hiện có”, kỹ sư 41 tuổi chia sẻ.

ky su thich xe dich lap ung dung giup moi nguoi len ke hoach du lich
Sứ mệnh của TripHunter là giúp mọi người lên lịch trình du lịch một cách đơn giản, hiệu quả. Ảnh: Hồ Anh Tuấn

Theo anh, Triphunter ra đời với sự mệnh giúp cho mọi chuyến du lịch trở nên dễ dàng hơn. Sau thời gian làm việc miệt mài của cả đội ngũ, đến nay ứng dụng đã hoàn thành với nhiều tính năng ưu việt. Người dùng chỉ mất 30 giây để tạo một lịch trình trực quan và tối ưu. Bên cạnh đó, mỗi địa điểm đều tích hợp bản đồ, giới thiệu ngắn và đánh giá từ những du khách từng đặt chân đến.

CEO TripHunter đánh giá thị trường du lịch Việt Nam lên đến hàng tỷ USD/ năm. Đây là thị trường cực lớn và đầy tiềm năng với mức độ tăng trưởng lên đến 20% mỗi năm. Thị trường có rất nhiều ứng dụng du lịch liên quan đến việc đặt phòng, đặt vé, review địa điểm nhưng chưa doanh nghiệp nào làm về mảng lên lịch trình cho du khách.

“Đó là điểm đặc biệt nhất trong ứng dụng của chúng tôi mà chưa doanh nghiệp nào làm được”, Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Anh cho biết một số ứng dụng về lên lịch trình mới chỉ ra mắt và vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm. Hiện tại TripHunter là mũi tên tiên phong trên thị trường nhưng anh xác định đối thủ tiềm năng sẽ xuất hiện.

Tìm nhân tài – bài toán khó của Triphunter

Để phát triển nền tảng ứng dụng và hoạt động như hiện tại, Hồ Anh Tuấn cùng đội ngũ cộng sự đã gặp phải nhiều thách thức. Dù có kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực phần mềm, anh vẫn gặp khó khăn trước nhiều vấn đề.

Với giới công nghệ, nhân tài luôn là yếu tố then chốt quyết định thành bại. CEO của TripHunter chia sẻ anh cũng đã phải đối mặt với bài toán khó ấy. Phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hiện nay, nghề lập trình viên đang rất hot vì mức lương đáng mơ ước và cung không đủ cầu. Các tập đoàn nước ngoài cũng vào thị trường Việt Nam chiêu mộ nhân tài. Vì thế, lương của lập trình viên tăng lên mức rất cao.

Các công ty khởi nghiệp đối mặt khó khăn lớn trong quá trình tuyển dụng vì lập trình viên trình độ cao thường ngại đầu quân cho những đơn vị khởi nghiệp đầy rủi ro.

“Tôi muốn ứng dụng TripHunter phải thực sự hữu ích, mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho người sử dụng. Hơn nữa, tôi muốn ứng dụng do người Việt làm ra không thua kém bất kỳ tập đoàn lớn nào trên thế giới. Sau rất nhiều lần trăn trở, tôi đã mời các bạn lập trình viên giỏi nhất về tham gia cùng, dù phải chịu áp lực trả lương cao”, anh nói.

Sẵn sàng chấp nhận thất bại 100%

Qua quá trình hoạt động và trải nghiệm của bản thân, người sáng lập TripHunter đã rút ra nhiều bài học giá trị. Theo anh, khởi nghiệp là chấp nhận dấn thân và thử thách. Giá trị là khi sản phẩm được đón nhận và có ích với cộng đồng.

ky su thich xe dich lap ung dung giup moi nguoi len ke hoach du lich
Hồ Anh Tuấn cảm thấy tự tin về triển vọng của ứng dụng TripHunter. Ảnh: Hồ Anh Tuấn

Anh thổ lộ rằng nếu muốn bắt đầu khởi nghiệp, startup công nghệ phải chuẩn bị sẵn tinh thần thép, sự kiên trì và kế hoạch dài hạn. Đây là một cuộc hành trình dài đầy khó khăn, thử thách.

“Khi bắt đầu xây dựng TripHunter, tôi xác định độ rủi ro là 100%. Để giảm thiểu thất bại, tôi miệt mài làm việc mỗi ngày, tự tạo ra những cơ hội để giảm rủi ro xuống còn 90%, 80%, 50%”, Hồ Anh Tuấn kể.

Những startup công nghệ mang tính sáng tạo như TripHunter đều cần phải kêu gọi vốn đầu tư lớn để có thể lớn mạnh vượt bậc. Tuy nhiên, Hồ Anh Tuấn cho rằng trong giai đoạn đầu, chủ doanh nghiệp phải tự chủ được về mặt tài chính, không quá phụ thuộc vào nhà đầu tư. Bên cạnh đó, những người sáng lập không nên quá "tô hồng" dự án, mà phải luôn có phương án dự phòng cho tình huống xấu nhất. Thực tế cho thấy doanh nghiệp luôn cần phải có đủ thời gian, nguồn lực để sản phẩm phát triển.

Hiện ứng dụng TripHunter có gần 40.000 lượt tải, trong đó 98% là lượt tải tự nhiên do du khách tự tìm trên kho ứng dụng và Google rồi giới thiệu cho bạn bè. Hồ Anh Tuấn nhận định đây là một dấu hiệu khả quan và sẽ anh tiếp tục phát triển ứng dụng có ích với cộng đồng.

Xem thêm

Kiều Oanh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.