|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kính thực tế ảo và mua chung tài sản là 2 giải pháp có thể giúp doanh nghiệp địa ốc giảm tác động của COVID-19

15:55 | 20/04/2020
Chia sẻ
Dịch viêm phổi cấp COVID-19 khiến người có nhu cầu mua nhà không muốn ra ngoài để xem bất động sản, đồng thời khiến thu nhập của một bộ phận người dân giảm sút. Đây là 2 rào cản lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Ngoài việc triển khai các sàn bán bất động sản trên nền tảng website truyền thống, telesale (bán hàng qua điện thoại) cũng là một cách tiếp cận rất phổ biến.  Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch CENGROUP, từng phát biểu: "Tỉ lệ khách hàng quan tâm khi telesale bất động sản đạt khoảng 1 đến 2 phần nghìn". 

Quá trình từ lúc nhân viên kinh doanh bất động sản bắt đầu công việc đến lúc tìm ra một khách hàng quan tâm rất dài. Mặc dù vậy, thời điểm khách hàng quan tâm tới lúc khách xuống tiền lại có thể là chặng đường dài hơn. 

Ngoài những lí do về thị hiếu như các sản phẩm thông thường, mức giá cao cho một bất động sản cũng là một rào cản lớn. Khi tiêu một số tiền lớn, đương nhiên khách hàng sẽ cân nhắc kĩ lưỡng. 

Tâm lí hạn chế di chuyển của người dân trong mùa dịch COVID-19 cũng làm giảm khả năng "chốt" thương vụ của các nhà môi giới bất động sản.

Công nghệ có thể là giải pháp vượt khó với các công ty kinh doanh bất động sản - Ảnh 1.

Giải pháp sử dụng kinh thực tế ảo giúp khách hàng có thể xem nhà mà không cần tới tận nơi. Ảnh: Cenhomes.

Không những thế, khi mà hầu hết người dân đang chịu tác động giảm doanh thu từ dịch bệnh, việc dùng tiền mặt có tính thanh khoản cao đầu tư vào một sản phẩm có tính thanh khoản thấp hơn, cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Vậy các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải ứng phó ra sao?

Đầu tiên, công nghệ có thể khắc phục trở ngại về hạn chế đi lại của người dân. Vài năm trở gần đây, công nghệ kính thực tế ảo (VR) đã bắt đầu nở rộ. Một số công ty đã cho khách hàng tiềm năng sử dụng kính thực tế ảo để quan sát nhà mẫu trong quá trình kinh doanh bất động sản.

Dù không thể đem lại cảm giác thật 100% như khi xem trực tiếp, nhưng công nghệ VR cũng có tác dụng phần nào  đối với những người hạn chế thời gian hoặc không thể trực tiếp đến tận nơi để xem.

Nhiều công ty thậm chí chuyên cung cấp riêng dịch vụ xem nhà qua công nghệ thực tế ảo. Những dự án lớn như Vinhomes Riverside, Flamingo Đại Lải Resort hay FLC Twin Towers đều từng cho phép khách tham quan qua kính mắt VR.

Ngoài ra, công nghệ VR cho phép người dùng quan sát toàn bộ không gian mà không bị che khuất hay cản trở bởi một vật thể nào, đồng thời còn cung cấp thông tin về xuất xứ, vật liệu của các nội thất trong nhà.

"“Công cụ VR có thể giúp nhà đầu tư bất động sản tiết kiệm thời gian và tiền bạc bằng việc giảm số lần di chuyển đến dự án. Người môi giới không phải dành nhiều thời gian cho việc di chuyển và tăng lượt khách ghé thăm trong một ngày, cũng như kết nối với người mua tiềm năng từ những nơi xa", ông Hannah Pham, chuyên viên phân tích tại JLL Singapore, phát biểu.

Đối với rào cản về giá, thị trường đã chứng kiến sự xuất hiện của những startup mua một phần bất động sản dưới nhiều hình thức khác nhau. Đặc điểm chung của các startup ấy là hạ thấp rào cản về giá khi đầu tư bất động sản.

Khách hàng, với số vốn ban đầu thấp hơn, vẫn có thể có quyền sở hữu một phần tài sản nhất định. Với khối tài sản đó trong tay, khách hoàn toàn có thể lựa chọn mua nốt phần còn lại, hoặc bán phần của họ nếu họ muốn chốt lời.

Ưu điểm của giải pháp mua chung là giúp khách hàng có một thương vụ đầu tư an toàn hơn so với việc vay tiền thông qua hình thức thế chấp trực tiếp tài sản qua ngân hàng.

Công nghệ có thể là giải pháp vượt khó với các công ty kinh doanh bất động sản - Ảnh 2.

Homebase gọi vốn thành công từ nhà sáng lập Divvy Homes. Ảnh: KrAsia

Các công ty bất động sản, hoặc thâu tóm, hoặc bắt tay với những startup, có thể sẽ là một giải pháp vượt qua cơn bão COVID-19. Thậm chí những công ty bất động sản có tiềm năng có thể triển khai công nghệ tương tự nếu họ có đủ nguồn lực về con người và tài chính.

Revex, một startup mua chung bất động sản, từng xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam mùa 3, đã gọi vốn thành công 1 triệu USD từ CENGROUP. Trong buổi lễ ra mắt, người đại diện Revex tiết lộ họ đã thu hút 300 nhà đầu tư cá nhân (khách hàng mua chung bất động sản) trong vòng 3 tháng từ khi lên sóng. 

Trên thế giới, những mô hình kinh doanh mua một phần bất động sản (công ty đổ tiền mua phần còn lại) hoặc mua chung bất động sản (công ty chỉ cung cấp nền tảng) là không mới. Tại Mỹ, Divvy Homes và ZeroDown là những ví dụ tiêu biểu (gần đây nhà đồng sáng lập Divvy Homes đã rót vốn đầu tư vào startup tương tự là Homebase tại TP HCM.

Ở Australia, startup mua chung bất động sản là Brickz đã triển khai mở rộng mô hình ra toàn quốc chỉ 2 năm sau khi ý tưởng hình thành.

Dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen làm việc, sinh hoạt của nhiều người và có thể sẽ làm thay đổi luôn cách thức kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp bất động sản.

Chuyển đổi số - một từ khóa mà giới truyền thông đến nhiều trong thời gian gần đây - có thể sẽ là sự lựa chọn của các công ty kinh doanh bất động sản để thích nghi với tình hình hiện tại và có thể sẽ dần trở thành xu thế trong tương lai thế giới đang tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Tiểu Phượng