'Kinh tế thị trường đang hướng tới sự chia sẻ, không nên ôm tất cả'
Uber, Grab: Sự biến tướng kì dị của kinh tế chia sẻ ở Việt Nam |
Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc T.NET, người sáng lập ứng dụng gọi xe T.NET. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc T.NET, người sáng lập ứng dụng gọi xe T.NET khẳng định: “Buộc doanh nghiệp công nghệ cung cấp phần mềm, hỗ trợ dịch vụ vận tải phải làm vận tải sẽ là bước thụt lùi.”
- Ông đánh giá như thế nào về ứng dụng “taxi công nghệ” tại thị trường Việt Nam?
Ông Nguyễn Văn Sang: Thị trường ứng dụng dịch vụ kết nối vận tải phát triển bùng nổ trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho người dân nhiều lựa chọn về phương thức đi lại thông qua việc cài đặt ứng dụng gọi xe như Grab, Uber, T.NET hay bản thân các hãng taxi truyền thống cũng tự ra mắt hệ thống ứng dụng gọi xe để chạy theo cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nhằm giảm các chi phí.
Thị trường ứng dụng công nghệ gọi xe tại Việt Nam chưa bão hòa, vẫn còn rất lớn. Dù ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng xe có thể coi là chạm đỉnh. Tuy nhiên, các địa phương khác vẫn còn rất lớn.
Ngay từ năm 2013, khi Grab, Uber còn chưa vào thị trường Việt Nam, nhóm đã ấp ủ ý tưởng về ứng dụng gọi xe qua di động. Do những điều kiện nhất định, đầu năm 2018 bắt đầu mở rộng phát triển thành ứng dụng gọi xe T.NET. Hiện, T.NET đã có mặt ở Hà Nội, Gia Lai, Hưng Yên và Thái Bình.
Về giấy phép, Công ty đã nộp hồ sơ đăng ký lên Bộ Giao thông Vận tải để tham gia thí điểm, thử nghiệm. Các đối tác tham gia T.NET đều đã có Giấy phép kinh doanh, được cấp phù hiệu xe hợp đồng theo quy định của các Sở Giao thông Vận tải địa phương.
- T.NET là đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hay là công nghệ, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Sang: Bản thân T.NET chỉ là cung cấp dịch vụ, không trực tiếp tham gia điều hành vận tải. Mục tiêu của T.NET cũng không trực tiếp tham gia vào vận tải, mà chỉ là kết nối lái xe và hành khách với nhau, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.
T.NET xác định sẽ không thể cạnh tranh với các Công ty lớn bằng khuyến mại, nhưng đơn vị có hướng đi riêng để làm sao với nguồn lực tài chính hữu hạn nhưng vẫn có những biện pháp để cạnh tranh một cách tốt nhất, hữu hiệu nhất.
Trong trường hợp muốn mở một mạng lưới vận tải toàn quốc, Công ty sẽ phải có một bộ máy rất cồng kềnh nên sẽ phát triển cái gì là thế mạnh, kinh doanh đa ngành chưa chắc đã mang lại kết quả tốt. Trong khi đó, nền kinh tế thị trường đang hướng tới sự chia sẻ, không nên ôm tất cả.
- Tại Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi này, Bộ Giao thông Vận tải muốn áp quy định những đơn vị tham gia cung cấp phần mềm, hỗ trợ dịch vụ vận tải sẽ là những doanh nghiệp đóng 2 vai đó là kinh doanh vận tải kiêm công nghệ. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Sang: Đây là một lĩnh vực mới, trên thế giới và Việt Nam vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhà nước cần tách bạch giữa dịch vụ và loại hình dịch vụ.
Các công ty làm dịch vụ kết nối vận tải, hiểu nôm na là dịch vụ môi giới, không thể bắt phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, trách nhiệm này đã có đối tác của tôi đảm bảo đó là các Hợp tác xã (quy định xe chạy Grab hay Uber trước đây phải đăng ký vào Hợp tác xã mới được cấp phù hiệu xe hợp đồng). Nếu cứ quy định các công ty hoạt động như T.NET là công ty vận tải thì rất khó.
Dịch vụ kết nối và vận tải là hai loại dịch vụ khác nhau, đặc thù khác nhau. Trong vận tải cũng chia nhiều loại hình, tại sao lại bắt dịch vụ kết nối phải là vận tải? Cơ quan quản lý phải có cách nào đấy quản lý rõ ràng hơn.
Theo tôi, nếu biết cách, quản lý loại hình vận tải này còn dễ hơn vận tải truyền thống.
Dự thảo Nghị định 86 nếu quy định công ty môi giới phải kiêm thêm kinh doanh vận tải sẽ không tạo điều kiện cho sự chuyên nghiệp hóa. Hơn nữa, thị trường kinh tế chia sẻ là mỗi người chịu trách nhiệm một khâu mà không thể ôm tất cả, không có thế mạnh để làm cả hai lĩnh vực, nếu cứ kiên quyết quy định như vậy sẽ là bước thụt lùi.
- Để chạy được taxi công nghệ, chủ tài khoản phải tham gia vào Hợp tác xã mới được cấp phù hiệu xe hợp đồng nhưng bản thân Hợp tác xã chỉ là bình phong mà không có trách nhiệm gì khi các tranh chấp xảy ra. Và có quan điểm nên bỏ Hợp tác xã, ý kiến ông như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Sang: Hiện, lái xe hợp đồng chạy ứng dụng công nghệ gọi xe phải tham gia vào Hợp tác xã, đó là quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, quy định sinh ra bên thứ 3 là các Hợp tác xã không những làm phát sinh chi phí cho lái xe mà cả phía đơn vị cung cấp ứng dụng. Trong các trường hợp khi tranh chấp, khiếu kiện thì phải có nghĩa vụ và trách nhiệm nhưng qua một số trường hợp vừa qua có thể thấy các Hợp tác xã chưa có động tĩnh nào.
Các cá nhân vẫn là thực thể kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể, các quy định kinh doanh hiện nay đã có đủ căn cứ pháp luật. Vậy, tại sao cứ phải “gò ép” các xe phải bắt buộc vào Hợp tác xã.
Có quan điểm các công ty kết nối vận tải đang làm thay nghĩa vụ của Hợp tác xã khi có tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại luôn giải quyết đầu tiên bởi tôn chỉ mục đích của những công ty môi giới là để đảm bảo uy tín phải can thiệp, có nghĩa vụ liên quan và đảm bảo sự cam kết hàng đầu.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/