|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Nhật Bản dự kiến tăng trưởng chậm lại rõ rệt trong quý III/2022

21:30 | 04/11/2022
Chia sẻ
Nền kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại rõ rệt trong quý III/2022, do rủi ro suy thoái toàn cầu làm ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài trong khi lạm phát gia tăng và tác động của đồng yen yếu lên giá nhập khẩu buộc người tiêu dùng phải hạn chế chi tiêu.

Số liệu về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III của Nhật Bản sẽ được công bố vào ngày 15/11 tới. Theo giới quan sát, số liệu nhiều khả năng sẽ cho thấy nền kinh tế số 3 thế giới trong quý III/2022 sẽ tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn rất nhiều so với mức tăng 3,5% trong quý II.

Sự suy giảm đáng kể trên phần nào cho thấy tác động khắc nghiệt từ việc đồng yen trượt xuống mức thấp nhất trong 32 năm so với đồng USD. Điều này đã làm trầm trọng thêm các căng thẳng về chi phí sinh hoạt bằng cách nâng giá của mọi mặt hàng, từ nhiên liệu đến thực phẩm.

Chi tiêu đầu tư có lẽ đã giúp củng cố đà tăng trưởng trong quý III. Giới chuyên gia dự báo khoản chi này sẽ tăng 2,1% trong quý kết thúc vào tháng 9/2022, tăng nhẹ so với mức tăng 2% trong quý đó.

Mức tăng này phản ánh sự cải thiện hiệu quả trong hoạt động của các nhà xuất khẩu lớn nhờ thu nhập tăng từ đồng yen yếu.

Ngược lại, nhu cầu bên ngoài - hoặc xuất khẩu ròng (không bao gồm nhập khẩu) có khả năng làm giảm 0,2 điểm phần trăm của GDP quý III, sau khi giúp cộng thêm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng của quý II.

Tiêu dùng tư nhân – vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế - dự kiến sẽ tăng chậm lại từ 1,2% của quý trước xuống chỉ 0,2% trong quý III.

Một báo cáo riêng do Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố cũng nhiều khả năng cho thấy tốc độ tăng chi tiêu hộ gia đình trong tháng Chín gần như giảm một nửa từ mức tăng 5,1% của tháng Tám xuống 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhấn mạnh áp lực rộng khắp nền kinh tế.

Những căng thẳng trong hoạt động kinh doanh cũng không có dấu hiệu giảm bớt với chi phí đầu vào tăng mạnh. Chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp của Nhật Bản, một thước đo giá bán buôn mà các công ty tính cho nhau, được dự báo sẽ tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10, giảm so với mức 9,7% của tháng trước đó.

Ông Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin, cho biết không giống như các nước phương Tây, nhu cầu tại Nhật Bản không bị dồn nén trong mùa dịch. Hoạt động tiêu dùng dịch vụ tại các khách sạn và nhà hàng cũng vẫn trì trệ, trong khi các hạn chế từ phía nguồn cung cũng đã hạn chế sản lượng ô tô.

Theo chuyên gia này, tùy thuộc vào mức độ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, Nhật Bản có thể rơi vào tình trạng tương tự và bắt đầu suy thoái vào năm tới.

H. Thủy