Nhật Bản xác nhận can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki ngày 4/6 cho biết, việc chính phủ nước này can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối trong giai đoạn giữa tháng 4 và tháng 5 năm nay nhằm kiềm chế sự biến động quá mức của đồng yen do giới đầu cơ gây ra đã chứng tỏ hiệu quả "ở một mức độ nhất định".
Trước khi dữ liệu chính thức về việc can thiệp vào thị trường tiền tệ được công bố vào tuần trước, Chính phủ Nhật Bản vẫn không xác nhận hoặc bác bỏ những đồn đoán trên thị trường rằng họ đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để làm chậm đà giảm của đồng yen so với đồng USD. Sự im lặng của họ khiến các nhà giao dịch lo lắng, mặc dù các nhà phân tích cho rằng xu hướng giảm giá của đồng yen vẫn chưa đảo ngược.
Ông Suzuki nói: "Chúng tôi đã hành động để đối phó với những biến động quá mức của thị trường tiền tệ, với những động thái đầu cơ đứng sau. Điều đó mang lại hiệu quả ở một mức độ nhất định. Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến trên thị trường ngoại hối và dự định thực hiện tất cả các bước cần thiết".
Nhật Bản đã chi 9.790 tỷ yen trong khoảng thời gian từ ngày 26/4 đến ngày 29/5, vượt xa đợt mua yen - bán USD trước đó vào năm 2022, với tổng trị giá khoảng 9.200 tỷ yen. Đồng USD đã tăng lên trên 160 yen/USD, mức cao nhất trong 34 năm, trước khi Chính phủ Nhật Bản dường như đã can thiệp để làm chậm đà tăng của đồng bạc xanh vào ngày 29/4. Một lần can thiệp khả nghi khác diễn ra vào ngày 1/5 tại thị trường New York, khi đồng USD lao dốc trong một khoảng thời gian ngắn.
Sự suy yếu của đồng yen phản ánh sự chênh lệch lãi suất lớn giữa Nhật Bản và Mỹ. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm vào tháng 3/2024, trái ngược hoàn toàn với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), vốn đã tăng lãi suất mạnh mẽ trong thời gian dài để kiềm chế lạm phát.
Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết của việc ổn định đình trạng biến động thị trường tiền tệ và phản ánh các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. Đồng yen yếu đi tác động theo hai chiều đối với kinh tế Nhật Bản vì nó thúc đẩy lợi nhuận của các công ty ở nước ngoài theo giá trị đồng yen nhưng khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn đối với quốc gia nghèo tài nguyên này, qua đó đẩy lạm phát lên cao.
Đồng yen đã giảm khoảng 9% so với đồng euro trong năm nay, mang lại tiềm năng tăng thu nhập cho các công ty Nhật Bản có doanh thu đáng kể ở châu Âu.
Các công ty có tỷ lệ doanh thu lớn nhất ở châu Âu dự báo đồng yen sẽ đạt trung bình khoảng 156 yen đổi 1 euro, thấp hơn khoảng 15 yen so với tỷ giá hiện tại là 170,79 yen đổi 1 euro.
Nhà kinh tế cấp cao Tsuyoshi Ueno tại Viện nghiên cứu NLI đánh giá ngoài việc xuất khẩu trực tiếp vào châu Âu, đồng yen yếu hơn cũng có thể giúp các công ty Nhật Bản có mức giá bán cạnh tranh hơn các đối thủ châu Âu ở thị trường bên thứ ba.
Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mức lương trung bình của Nhật Bản tính bằng đồng USD xếp thứ 25 trong số 38 quốc gia. Con số này thậm chí còn bị tụt hậu so với các quốc gia như Slovenia và Lithuania kể từ khi bong bóng kinh tế Nhật Bản vỡ.
Việc đồng yen giảm giá gần đây khiến mức lương trở nên thu hẹp hơn cho sinh viên nước ngoài. Việc tuyển dụng lao động kỹ thuật có tay nghề cao và các thực tập sinh kỹ thuật cho các công ty thiếu nhân lực cũng trở nên khó khăn.