Kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng chậm hơn trong quý IV/2022
Trong năm 2021, hoạt động của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phần nào giảm nhiệt sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiến hành 7 lần nâng lãi suất chuẩn với hy vọng làm hạ nhiệt sức mua đang nóng và kiềm chế chi phí khi lạm phát gia tăng.
Động thái của Fed đã khiến lĩnh vực bất động sản sụt giảm, kéo theo sự suy giảm trong hoạt động sản xuất và doanh số bán lẻ.
Giữa bối cảnh đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới được cho là sẽ tăng trưởng 2,6% trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12/2022, thấp hơn mức 3,2% được ghi nhận trong quý trước đó. Đây sẽ là quý tăng trưởng thứ hai liên tiếp của kinh tế Mỹ sau hai quý ghi nhận tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, lĩnh vực nhà ở có thể là một lực cản khi mà tỷ lệ vay thế chấp vẫn còn cao và khả năng chi trả của người dân bị ảnh hưởng.
Nguy cơ suy thoái?
Mặc dù chi tiêu tiêu dùng phục hồi bất ngờ đã hỗ trợ tăng trưởng, nhưng đã có dấu hiệu cho thấy các hộ gia đình Mỹ đang phải sử dụng đến tiền tiết kiệm từ thời kỳ đại dịch để chi tiêu. Các nhà phân tích cho rằng điều này có nghĩa là họ sẽ có ít khả năng chi tiêu hơn trong tương lai.
Chuyên gia Ryan Sweet của công ty nghiên cứu Oxford Economics nhận định: "Các dữ liệu kinh tế gần đây chỉ ra rằng nền kinh tế (Mỹ) đang bước vào năm 2023 với một nền tảng yếu kém".
Ông cho rằng Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong quý II/2023 do người tiêu dùng hạn chế chi tiêu và các doanh nghiệp tỏ ra miễn cưỡng với việc thuê nhân viên và mở rộng đầu tư. Mặc dù vậy, một số chuyên gia khác vẫn tin rằng kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái.
Chuyên gia Rubeela Farooqi thuộc công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế High Frequency Economics nhận định, tình hình tài chính lành mạnh của hộ gia đình và một thị trường lao động tươi sáng có thể giúp duy trì sự tích cực đối với kinh tế Mỹ trong năm nay.
Bà Rubeela Farooqi nói với AFP: "Chúng tôi nhận thấy tốc độ tăng lương hiện nay đang cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đại dịch... Trong khi đó, chúng tôi không nhìn thấy sự gia tăng của số người xin trợ cấp thất nghiệp".
Theo bà Rubeela Farooqi, bất chấp thông báo sa thải liên tục được các công ty lớn đưa ra, thực tế là số đơn yêu cầu bồi thường lại không tăng. Điều này "có nghĩa là nhiều người trong số này đã tìm được việc làm".
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Matt Colyar thuộc cơ quan nghiên cứu Moody's Analytics khẳng định tiền tiết kiệm của người tiêu dùng, vốn được tích lũy lạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch, đang hoạt động "như một bức tường lửa".
Ông Matt Colyar nói rằng ngay cả khi chi phí đối với các hộ gia đình tăng mạnh vì lạm phát thì khả năng tài chính của họ vẫn rất lành mạnh và điều này sẽ làm giảm bớt hoặc ngăn chặn tình trạng suy thoái kéo dài.
Kịch bản sa thải quy mô lớn ở các công ty là khó xảy ra
Trong khi đó, kịch bản sa thải quy mô lớn ở các công ty là khó xảy ra, chuyên gia Colyar nói thêm.
Bất chấp tình trạng mất việc làm trong lĩnh vực công nghệ, "gã khổng lồ" bán lẻ Walmart, nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất ở Mỹ, hôm 24/1 cho biết họ chuẩn bị tăng lương tối thiểu cho nhân viên, một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang bị thắt chặt kéo dài.
Chuyên gia Colya nói thêm: "Vấn đề về nguồn cung lao động đang khiến các công ty phải tiếp tục tuyển dụng và có thể tin rằng tình trạng yếu kém mà chúng ta đang thấy chỉ diễn ra trên quy mô tương đối hạn chế".
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Lael Brainard đã cảnh báo rằng lực cản của những thay đổi trong chính sách tiền tệ đối với tăng trưởng và việc làm có thể sẽ tăng lên trong năm 2023.
Điều đó có nghĩa là thời gian và mức độ để nền kinh tế phản ánh những thay đổi trong chính sách là chưa chắc chắn.