|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng âm gần 24% do ảnh hưởng của COVID-19

15:01 | 01/09/2020
Chia sẻ
Kinh tế Ấn Độ trong quí II sụt giảm với tốc độ nhanh kỉ lục, khi các biện pháp phong tỏa kéo dài nhằm kiểm soát COVID-19 đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư.

Theo CNN, số liệu thống kê chính thức được công bố ngày 31/8 cho thấy cho biết, tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong quí II ở mức âm 23,9%.

Mức sụt giảm của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này diễn ra tồi tệ hơn dự báo của các nhà kinh tế. 

Cụ thể, đầu tư giảm 47% so với năm trước, trong khi tiêu dùng hộ gia đình giảm gần 27%, theo Capital Economics. Mặc dù chi tiêu của chính phủ tăng 16%, nhưng không đủ để bù đắp sự sụt giảm mạnh trong các lĩnh vực khác.

Nền kinh tế Ấn Độ ì ạch, GDP giảm gần 24% vì dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Từng là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới, Ấn Độ ì ạch bước vào năm 2020 với nhu cầu tiêu dùng suy yếu đi và lĩnh vực ô tô của nước này gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa: Swarajya).

Nhà kinh tế học Shilan Shah của Capital Economics cho biết quí II đánh dấu sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế Ấn Độ, đồng thời sự phục hồi diễn ra rất chậm, dù các biện pháp đi lại đã được nới lỏng.

Shah cho biết thêm, hoạt động sản xuất của Ấn Độ cũng suy giảm trong tháng 7 và sản lượng từ các ngành cơ sở hạ tầng vẫn tiếp tục bị đình trệ.

Shah khẳng định: "Sự lây lan nhanh chóng của COVID-19 sẽ làm giảm nhu cầu trong nước. Hơn nữa, biện pháp tài khóa nhạt nhòa của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng lần này tiếp tục khiến tỉ lệ thất nghiệp cao hơn, doanh nghiệp thất bại và khu vực ngân hàng suy yếu, đè nặng lên đầu tư và tiêu dùng".

Từng là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới, Ấn Độ ì ạch bước vào năm 2020 với nhu cầu tiêu dùng suy yếu đi và lĩnh vực ô tô của nước này gặp nhiều khó khăn. Sau đó, đại dịch COVID-19 tấn công.

Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 3,6 triệu trường hợp mắc COVID-19 và khoảng 64.500 người mất mạng.

Theo CNN, đại dịch COVID-19 đã giáng đòn mạnh lên nền kinh tế toàn thế giới. Các quốc gia trong nhóm G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ đều đang chính thức rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, Trung Quốc là một ngoại lệ khi quốc gia này đã bước vào giai đoạn phục hồi trong quí II sau khi lần đầu tăng trưởng âm kể từ năm 1992 khi giảm GDP quí I giảm 6.8%.