Kinh doanh bắt đầu hụt hơi, Sợi Thế Kỷ đứng trước áp lực đơn hàng cuối năm
Quý II bắt đầu hụt hơi
Trong quý II, CTCP Sợi Thế kỷ (Mã: STK) ghi nhận doanh thu thuần gần 530 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận giảm gần 2% về mức 69,4 tỷ đồng.
Nếu so với quý I, doanh thu của Sợi Thế Kỷ có phần đi xuống khi giảm 21% và lợi nhuận sau thuế cũng giảm 10%.
Giá vốn bán hàng chỉ tăng 3,2% nên biên lợi nhuận gốp cải thiện 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái lên 19,8%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sợi Thế Kỷ ghi nhận doanh thu đạt gần 1.170 tỷ đồng, tăng 8% so cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 3% lên 145 tỷ đồng. Như vậy, trong nửa đầu năm nay, công ty thực hiện được 45% kế hoạch doanh thu và hơn 48% mục tiêu lãi.
Tuy nhiên, trong nửa còn lại của năm 2022, triển vọng kinh doanh của công ty được đánh giá không mấy thuận lợi.
Trao đổi với người viết ông Đặng Triệu Hòa, Tổng Giám đốc Sợi Thế Kỷ cho biết lạm phát tăng cao khiến nhu cầu hàng dệt may ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Anh giảm.
Hiện tại công ty đã nhận đơn hàng cho lịch giao hàng tháng 7 và một số đơn hàng cho tháng 8.
Dù vậy, khả năng về đích kế hoạch nâng tỷ trọng sản phẩm sợi tái chế cũng mục tiêu kinh doanh cả năm vẫn đang chịu áp lực lớn từ biến động thị trường trong những tháng tiếp theo. Bởi theo thông lệ và truyền thống hàng năm, quý IV là thời điểm có nhiều nhu cầu và nhiều đơn hàng sợi nhưng năm nay do có yếu tố lạm phát vẫn đang trong quá trình diễn tiến trên phương diện toàn cầu.
Trong báo cáo mới đây, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đã hạ dự báo đối với doanh thu và lợi nhuận của Sợi Thế Kỷ do gần đây các đơn đặt hàng trong ngành đang dần chậm lại.
Theo đó, SSI Research cho rằng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2022 khoảng 2,3 nghìn tỷ đồng và 299 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 7,4% so với năm 2021. Con số này thấp hơn thấp hơn 14% và 7% so với dự báo trước đó mà SSI Research đưa ra.
Đơn vị này cũng lưu ý rằng công suất của Sợi Thế Kỷ trong quý II mới chỉ đạt 85% vàđã có sự chậm trễ trong đơn đặt hàng từ một số khách hàng lâu năm trong quý II do lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ và nhà sản xuất đều cao.
Mặc dù biên lợi nhuận gộp cải thiện trong quý II, nhưng doanh nghiệp đã phải ghi nhận khoản chi phí tài chính do lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện và chưa thực hiện. Khoản lỗ này tương đối lớn, ở mức 13,6 tỷ đồng (so với mức 200 triệu đồng trong quý II/2021) do tỷ giá USD/VND giảm 1,95% trong quý. Vì vậy, lợi nhuận ròng của Sợi Thế Kỷ ghi nhận giảm.
Nhằm ứng phó với tình trạng suy giảm nhu cầu, theo ông Hoà, Sợi Thế Kỷ sẽ tập trung vào các thị trường ngách với các sản phẩm giá trị gia tăng cao, là nơi nhu cầu ít bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm và mở rộng mạng lưới khách hàng, đẩy mạnh việc nhận đơn hàng....để duy trì biên lợi nhuận ổn định tại doanh nghiệp.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2022, Ban lãnh đạo công ty nhận định ngay cả khi giá sợi tăng trong những tháng còn lại của năm 2022 tăng thì biên lợi nhuận gộp cũng không thể tăng vì lý do này bởi “giá tăng là do chi phí đầu vào tăng cao”. Tập quán kinh doanh của công ty là giá bán sản phẩm sẽ điều tiết lên xuống theo giá nguyên liệu đầu vào để duy trì price gap (khoảng trống giá).
Thay vào đó, công ty có kế hoạch tăng lợi nhuận gộp từ các sản phẩm giá trị gia tăng cao như sợi tái chế màu, sợi tái chế có tính năng đặc biệt (hút ẩm, chống UV-UV Cut).
Biên lợi nhuận mảng sợi tái sinh lớn nhưng kế hoạch nâng tỷ trọng đã được điều chỉnh
Có thể thấy, Sợi Thế Kỷ đặt cược nhiều vào mặt hàng sợi tái chế và có kế hoạch dài hạn cho sản phẩm này bởi biên lợi nhuận cao.
Trong quý II, tỷ lệ doanh thu từ sợi tái chế là 56% (cao hơn so với mục tiêu của cả năm là 53,4%) và sợi nguyên sinh là 41%. Theo số liệu SSI Research, biên lợi nhuận gộp từ sợi nguyên sinh tăng gần 1 điểm phần trăm lên 7,8%. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp từ mảng sợi tái chế cao hơn hẳn, ở mức 32,5%, tăng 4,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái do sự gia tắc các đơn đặt hàng giá trị cao.
Theo số liệu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tỷ trọng đóng góp của mảng sợi tái chế tăng mạnh kể trong vòng hơn 5 năm qua. Từ mức khoảng 10% lên khoảng 50% trong 2021 và 56% trong quý II/2021.
Theo Ban lãnh đạo của công ty, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng sợi tái chế trong doanh thu là 100%. Đồng thời, đẩy mạnh việc nghiên cứu phát triển sợi recycle plus thân thiện môi trường và sợi màu (dope dyed) không sử dụng màu nhuộm/hóa chất và tiết kiệm nước.
Lý giải cho chiến lược này, công ty cho biết hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn trên thế giới đang có cam kết về tỷ trọng sử dụng sợi tái chế. Trong đó, Adidas cam kết tới năm 2024 tỷ trọng sử dụng sợi tái chế là 100%; Walmart cam kết đến năm 2025 tỷ trọng này là 50%, H&M đặt mục tiêu 100% đến năm 2030…
Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, cổ đông của Sợi Thế Kỷ cho rằng mặc dù công ty có lộ trình tăng tỷ lệ sợ tái chế lên 100% và trong khi nhu cầu đang lớn, kế hoạch nâng tỷ trọng của mặt hàng này trong doanh thu 2022 đạt khoảng 54% là “chưa ấn tượng”.
Phản hồi ý kiến này, Ban lãnh đạo công ty cho biết việc đặt mục tiêu phù hợp với tăng trưởng theo nhu cầu mua và cũng không muốn mất khách hàng hiện hữu đang sử dụng sợi thường. Ví dụ như khách hàng ở Mỹ với nhu cầu sợi thường chất lượng cao.
Trong lần trao đổi mới đây với người viết, ông Đặng Triệu Hòa, Tổng Giám đốc Sợi Thế Kỷ cho biết kế hoạch đã được điều chỉnh, đến năm 2026, tỷ trọng của sợi tái chế và sợi đặc biệt trong tổng doanh thu là 80%.
Đại diện công ty cho biết hiện các dòng sản phẩm khác vẫn còn dư địa phát triển. Điều này thể hiện trong cơ cấu sản phẩm của nhà Unitex (dự kiến đi vào hoạt động vào quý IV/2023). Theo đó, 60% công suất của nhà máy dành cho sợi tái chế; 20% là sợi đặc biệt và 20% còn lại cho sợi phổ thông nhưng tập trung vào chất lượng cao.
Hiện Sợi Thế Kỷ đang trong quá trình xây dựng nhà máy Unitex với công suất 60.000 tấn/năm, gần bằng so với mức công suất của hiện tại (63.000 tấn/năm). Điều này đồng nghĩa, nếu hoàn thành dự án, công suất của Sợi Thế Kỷ sẽ được nâng lên gấp đôi.