|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bangladesh nỗ lực trấn an các khách hàng phương Tây nhưng tương lai vẫn khó đoán

20:10 | 10/08/2024
Chia sẻ
Trong vài tuần qua, nhiều chủ nhà máy may ở Bangladesh đã nỗ lực liên hệ với các thương hiệu quần áo phương Tây, khẳng định rằng đất nước của họ vẫn là mắt xích ổn định trong chuỗi cung ứng. Song, không phải ai cũng tin tưởng.

 

Công nhân bên ngoài một nhà máy may mặc ở Dhaka, Bangladesh. (Ảnh: Getty Images).

Khó khăn bủa vây

Trong vài tuần qua, Bangladesh - nhà sản xuất hàng may mặc lớn thứ hai thế giới - đã phải đối mặt với biến động lớn khi người dân tổ chức biểu tình để bày tỏ sự tức giận về triển vọng việc làm ảm đảm.

Hồi cuối tuần trước, các cuộc đụng độ đã khiến ít nhất 85 người thiệt mạng. Sau nhiều tuần biểu tình hỗn loạn, chính phủ buộc phải áp đặt lệnh giới nghiêm và cắt mạng internet.

Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và tháo chạy khỏi đất nước. Cảnh sát rời bỏ vị trí của mình và các doanh nghiệp có liên quan với chính quyền cũ đã trở thành mục tiêu của đám đông.

Tình trạng tắc nghẽn trên đường phố buộc một số chủ nhà máy phải tạm ngừng giao hàng. Một số nhà máy khác bị những kẻ phá hoại đốt cháy, theo đưa tin từ Wall Street Journal (WSJ).

Một số tàu chở hàng phải chờ tới 5 ngày để xếp dỡ hàng hoá tại cảng Chittagong. Đầu tuần này, gã khổng lồ hàng hải Maersk cho biết hoạt động vận tải vẫn diễn ra chậm chạp, nhân viên tại cảng cũng giảm nhiều.

Hồi tháng 10 năm ngoái, hàng trăm nhà máy cũng từng phải tạm ngừng hoạt động sau khi công nhân mở chiến dịch để đòi tăng lương. Các cuộc biểu tình sau đó đã phát triển thành bạo lực.

Cuối cùng, công nhân chấp nhận lương tối thiểu sẽ tăng 55% lên khoảng 113 USD/tháng - ít hơn nhiều so với con số mà họ yêu cầu nhưng dù sao cũng là một sự thay đổi đáng kể so với trước đây.

Lần này, Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh ước tính doanh nghiệp đã mất 6 ngày sản xuất do các cuộc biểu tình từ giữa tháng 7. Tuy nhiên, các chủ nhà máy cho biết thiệt hại có thể cao gấp đôi.

Ông Muhammad Yunus, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel hoà bình, vừa tiếp quản chính phủ lâm thời vào ngày 8/8 và kêu gọi mọi người bình tĩnh. “Chúng ta là một gia đình”, ông nhấn mạnh.

Trong bối cảnh tình hình có vẻ đã ổn định hơn, nhiều chủ nhà máy cho biết họ đang xoay xở để đưa doanh nghiệp hoạt động trở lại. Công nhân cũng mong muốn trở lại làm việc và nhận lương.

Hàng may mặc bị đốt cháy trong các cuộc biểu tình. (Ảnh: Shutterstock).

Triển vọng vẫn ảm đạm

Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích, do bất ổn liên miên và mức lương của người lao động đang trên đà tăng, khả năng cạnh tranh của Bangladesh sẽ suy yếu. Chưa kể, cơ sở hạ tầng của Bangladesh cũng kém hơn các đối thủ như Trung Quốc và Việt Nam.

Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh sang Mỹ, thị trường hàng đầu của nước này, đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo một cuộc khảo sát trên 30 công ty thời trang lớn tại Mỹ, 48% doanh nghiệp có ý định tăng lượng hàng mua từ Bangladesh trong hai năm tới, giảm so với mức 58% vào năm 2022.

Giáo sư Sheng Lu thuộc Đại học Delaware đánh giá, do mức lương tối thiểu của công nhân Bangladesh tăng cao hơn và thị hiếu của người tiêu dùng dần thay đổi, thị phần của quốc gia Nam Á đã giảm xuống.

Trong khi đó, một đối thủ giá rẻ khác là Ấn Độ lại đang giành được lợi thế nhờ khả năng tự sản xuất vải, giúp tiết kiệm thời gian gia công hàng may mặc. Bangladesh đang phải đối mặt với “những tình huống thực sự khó khăn”, ông Lu nhấn mạnh.

Nhà kinh tế Muhammad Yunus đang điều hành chính phủ lâm thời. (Ảnh: Zuma Press).

Các thương hiệu thời trang quốc tế đang cố gắng linh hoạt.

Trong sự kiện công bố lợi nhuận vào đầu tuần này, CEO Bracken Darrell của VF Corp, công ty Mỹ sở hữu các thương hiệu như North Face và Vans, cho biết họ đang gặp một số gián đoạn ở Bangladesh.

Theo WSJ, khoảng 15% sản lượng của VF đến từ nhà sản xuất hàng may mặc lớn thứ hai thế giới. Ông Darrell tự tin rằng tình hình sẽ được cải thiện, nhưng lưu ý VF có thể đặt hàng ở các nhà cung ứng khác nếu cần thiết.

Một phát ngôn viên của H&M tiết lộ các nhà máy đang dần mở cửa trở lại. Vị này cho biết H&M, một trong những khách hàng lớn nhất của Bangladesh, đã trấn an các nhà cung ứng rằng họ sẽ không yêu cầu giảm giá đối với các sản phẩm bị chậm trễ, dù đây là thông lệ trong ngành.

Khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 là thời điểm quan trọng để Bangladesh rấp rút hoàn thành các đơn hàng cho mùa tựu trường và kỳ nghỉ lễ tháng 12.

Một câu hỏi quan trọng đối với các nhà bán lẻ bây giờ là liệu bức tranh chính trị của Bangladesh có tiếp tục ổn định hay không. Nếu bất ổn tiếp diễn, giáo sư Lu cảnh báo “điều này chắc chắn sẽ làm dấy lên mối lo ngại về việc mua hàng từ đất nước này”.

Khả Nhân